Rộn ràng tháng Giêng
Núi rừng đang vào mùa lễ hội. Nhịp chiêng cồng giục giã tâm hồn ta bay bổng theo thanh âm rộn ràng của ngày xuân.
Yêu quá cái đêm ở làng Kon Teo; thương quá cái đêm ở làng Tăng Pơ. Già làng đóng khố, khoác tấm dồ thổ cẩm, cổ đeo vòng đồng, ngồi bên bếp lửa, nâng cần rượu, cất tiếng thay mặt dân làng mời các vị khách chung vui đêm nay. Mọi người cùng vỗ tay, trao nhau cần rượu, mắt long lanh.
Tay nâng cần rượu, nuốt vào lòng dòng nước nồng cay, ngòn ngọt, tôi hào hứng nhìn xung quanh. Bếp lửa bập bùng, vòng người ngồi quanh, xa xa là rừng cao su đang rì rào vươn cành lá, tự nhiên cảm thấy như đứng sát với trời và nghe rõ ràng hơi thở của mùa Xuân, của tình người nồng ấm.
Rồi chợt giật mình khi vút lên tiếng chiêng. Những thanh âm của đại ngàn âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, mang hơi thở của làng.
Tiếng chiêng du dương, réo rắt dội vào vách nhà rông, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía núi rừng.
Nhịp chiêng giục giã tâm hồn ta bay bổng theo thanh âm rộn ràng của ngày xuân.
|
Khi bếp lửa lụi dần, khi chiêng đã mệt, có âm thanh văng vẳng từ đâu đó, ban đầu nhẹ nhàng, thánh thót, mượt mà, dần dà quấn quýt, đuổi bắt nhau, rồi hòa quyện như hơi thở nhịp nhàng, khoan thai. Ting gling, ting gling... gling...ing!
Đàn ting gling đấy.
Ting gling có từ thời nào? Không ai nhớ nữa. Chỉ biết đàn đã gắn với dân làng từ lâu lắm, từ thời già làng còn là đứa bé theo mẹ lên rẫy, đàn ting gling đã ở đó, ru dân làng rồi.
Và giờ đây, qua bao thăng trầm, ting gling vẫn cất cao âm thanh huyền diệu như mời gọi, như thúc giục con người tìm đến.
Không như cồng chiêng, là “nữ hoàng” của lễ hội, đàn ting gling bình dị ở rẫy ca hát với dân làng, nỉ non an ủi lúc buồn, rộn rã chia sẻ khi vui, xua tan mệt nhọc khi làm rẫy trưa nắng, gọi về tiếng hát khi cô đơn.
Con gái nghe tiếng đàn ting gling, thấy lòng bồi hồi, con trai bên đàn ting gling, tưởng như có sự hiện diện đâu đó quanh mình tiếng hát người thương. Người già đến với ting gling thấy lại phơi phới tuổi xuân thì.
Tôi đã có những đêm đầy say mê như thế, có những ngày đầy hứng khởi như thế, trong tháng Giêng rộn ràng này.
Vậy nên, nếu có ai đó bắt bẻ rằng, bây giờ là thời buổi nào rồi mà còn “mải chơi” thế, thì cũng mong thông cảm cho. Ấy là tôi không khéo, để hiểu nhầm rằng ở các làng, tháng Giêng vẫn là “tháng ăn chơi”.
Dù rằng vì cuộc sống, ai cũng phải lao động, phải làm việc, nhưng họ không vì thế mà lúc nào cũng phải chạy ngược chạy xuôi, lo lắng mưu sinh. Họ lao động để duy trì sự sống, để vươn lên, nhưng lúc nào cần nghỉ ngơi, họ biết nghỉ ngơi, khi nào cần sống đẹp, sống cho đúng ý nghĩa của sự sống thì họ sống đẹp, sống cho ra sống.
Vì thế, việc thì phải làm, nhưng vui xuân cứ vui. Tự nhiên mà, có ai không yêu mùa Xuân? Mà tháng Giêng chẳng phải là khởi đầu, là tháng đầu của mùa Xuân đấy sao? Người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết.
Hồi chiều, trên đường du xuân, tôi đã ghé thăm ngôi làng này. Con đường đất rách tướp năm nào nay đã thay bằng đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Hai bên đường là những căn nhà khang trang; vườn được rào kín, những luống rau xanh mơn mởn.
Điều đặc biệt là trong làng khá vắng vẻ. Mấy cây mai đầu làng vẫn treo tầng hoa vàng rực đón nắng, xen những chùm lá non hươm hươm tím. Thấp thoáng bóng người kéo máy, rải ống để tưới cà phê; tiếng máy nổ giòn tan trong nắng chiều.
Phải gọi điện thoại mới gặp được già làng, trưởng thôn. Hỏi rằng “dân làng đi đâu hết cả”, đáp rằng "mọi người đi làm nghỉ tết như thế là đủ rồi".
Lát sau, trưởng thôn về, quần áo lấm lem bùn đất. Hớn hở đón khách vào nhà, trưởng thôn cho hay đang bận cùng dân làng tưới cà phê và chăm sóc cây trồng vụ Đông. Trước tết, lãnh đạo huyện, xã vào thăm, chúc tết, tặng quà bà con đã căn dặn dân làng đón tết an toàn, vui vẻ, tiết kiệm, không được quên việc sản xuất.
Dân làng đã thực hiện đúng đấy nhé. Ngày từ mùng 4 tết, làng đã tổ chức ra quân sửa máng nước, làm vụ đông rồi. Mình nghĩ dân các làng khác cũng như vậy thôi- trưởng thôn hồ hởi nói.
Điều này thì rõ rồi. Đi nhiều nên tôi thấy nhiều, thấy rõ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách chơi xuân của bà con nông dân ngày nay. Họ ra đồng từ khi hương vị tết vẫn còn níu kéo trong nhà. Mới mùng 4 tết, không cần phát lệnh, người trồng cà phê đã nô nức rủ nhau kéo máy, rải ống bước vào mùa tưới; người trồng cao su đi dọn thực bì phòng cháy; người trồng lúa ra đồng lấy nước, bón phân, làm cỏ.
Nói rộng ra, xưa kia, sở dĩ người Việt ta nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là bởi vì nông dân là đại bộ phận, chiếm đến hơn 90%. Trong sách "Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm", cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phân tích rất kỹ rằng: Đặc điểm của nghề nông là công việc theo thời vụ, có lúc đầu tắt mặt tối nhưng có lúc lại chẳng có việc gì, như tháng Giêng chẳng hạn, tương đối nhàn rỗi, người dân chưa phải tất bật với công việc, do vậy người ta mới mở hội hè.
Con bây giờ thì bộn bề lắm. Đâu phải tháng Giêng cứ phải là “tháng ăn chơi” đâu?
Màn đêm buông xuống, dù không cần hiệu lệnh, dân làng tập trung ở nhà rông. Một ngày lao động vất vả, bây giờ là lúc được nghỉ ngơi, được ca hát, được say với chiêng, với xoang.
Ghè rượu được bày ra. Già làng trịnh trọng nâng cần chúc tất cả mọi người mạnh khỏe, chúc dân làng chăm chỉ làm ăn, chúc mùa màng bội thu.
Gió xuân rào rạt thổi qua những mái nhà. Tôi bâng khuâng nâng cần rượu. Dù không đi được hết, nghe được hết, nhưng tôi tin rằng, khắp nơi, bà con đều mong ước và tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước.
Những ngày tháng Giêng như mật ngọt, rộn ràng sức sống mùa Xuân!
HỒNG LAM