Rộn ràng đón Tết
Tết Canh Tý đang bước từng bước thong thả chạm dần vào cửa. Ngoài sân, mai đã bung nụ, đào đã hé hồng e ấp ngóng tết đến xuân về. Trong nhà chị, bếp lửa đã rực hồng, cả nhà rộn ràng bàn chuyện tết, lo sắm tết, chuẩn bị tết.
Tết Canh Tý đang bước từng bước thong thả chạm dần vào cửa. Ngoài sân, mai đã bung nụ, đào đã hé hồng e ấp ngóng Tết đến xuân về. Trong nhà chị, bếp lửa đã rực hồng, cả nhà rộn ràng bàn chuyện Tết, lo sắm Tết, chuẩn bị Tết.
Mà nào có riêng gì nhà chị, ra đường, đến chợ hay ghé quán cà phê, mọi người nói về khoảng thời gian này thân thương lắm. Cả ngày dọn dẹp nhà cửa, rảo khắp phố phường để mua cái này, sắm cái kia, rồi đêm về thức với món củ kiệu, bánh chưng… Chỉ vậy thôi mà thấy Tết gần lắm rồi, rộn ràng ghé từng nhà, thương yêu và trìu mến.
Cũng đúng thôi, cứ hững hờ thì làm sao mà ra phong vị Tết. Chẳng phải ngay cả khoảnh vườn sau nhà cũng chờ ngày chủ nhân cuốc xới, chăm bẵm, bón thêm tí phân, trồng thêm luống cải cho kịp lớn để có rau ăn Tết. Cây mai, cây đào, cây lộc vừng trước sân chờ người lặt lá; khóm hồng cũng chờ cắt cành già, hoa tàn để đâm chồi đơm nụ… đón đợi Tết về.
Chẳng phải trong nhà cũng cần dọn dẹp, quét đi những gì cũ kĩ, kém vui; dọn dẹp sạch sẽ, khoác cho căn nhà chiếc áo mới, mong chờ năm mới gặp điều vui, điều mới. Rõ nhất nơi gian bếp đã ấm áp hơn với ngọn lửa bập bùng và quyến rũ hơn với hương mứt gừng, mùi nếp mới với lá dong của bánh chưng theo ngọn gió xuân thoang thoảng khắp căn nhà.
Chẳng phải không ít người đã chờ đợi cả năm để lấy không khí xôn xao, rộn ràng những ngày giáp Tết làm nguồn cảm hứng sáng tác bài thơ nho nhỏ hay là chút trải lòng tâm tình ngày xuân trên trang facebook cá nhân hay sao.
|
Và cả chị nữa. Chẳng phải tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật rỗi rãi, chị lấy giấy bút, ghi chép một số công việc cần làm, một loạt các thứ cần mua. Nào là sắp xếp, cắt tỉa lại khoảnh vườn nhỏ, nào là quét dọn, trang trí lại căn nhà… Nào là mua các thứ để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên; làm ít dưa món, chung với các nhà trong xóm gói ít chiếc bánh chưng.
Các ngày sau đó, chị sắp xếp, việc làm trước, việc làm sau. Các thành viên trong nhà mỗi người mỗi việc, ba lau dọn nhà cửa, con trai lớn phụ giúp lấy cái chổi, bưng xô nước; chị vừa làm dưa món vừa tỉ mẩn hướng dẫn cho cậu con nhỏ cách úp ly chén vào kệ… Rồi cả nhà cùng nhau đi chọn đồ Tết, mua quà biếu hai bên nội ngoại… Vừa làm vừa trò chuyện, “tổng kết nhiệm vụ” của gia đình trong một năm. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má thấm đẫm những nụ cười giòn tan… Mệt đấy nhưng vui, hạnh phúc.
Mà thời buổi này chỉ cần ngồi nhà lên mạng online là nhan nhản dịch vụ, từ dọn nhà sạch cho đến cung ứng đủ các loại thực phẩm, hoa kiểng…, việc gì phải lọ mọ hết việc này đến việc kia. Thậm chí có những thứ chẳng cần phải chờ đến Tết; mai tứ quý ra hoa bốn mùa, bánh chưng, dưa món cũng có dịch vụ quanh năm, tấm áo manh quần mới sắm sanh lúc nào cũng được. Nhưng chẳng hiểu sao chị lại thích được tự tay dọn dẹp nhà cửa tinh tươm, sắp xếp lại nồi niêu bát đĩa, lau lại các khung ảnh trên tường, mua sắm thêm một vài thứ… để tạo không khí rộn ràng và hương, sắc, vị riêng ngày Tết.
Lắm lúc chị tự hỏi, cái không khí xôn xao, rộn ràng chuẩn bị gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến cái xôn xao, rộn ràng? Câu trả lời lắm khi không đầu không cuối bởi khó có thể phân định rạch ròi cảm xúc. Chỉ biết rằng cái không khí rộn ràng đón Tết đã nhen lên nét lấp lánh, háo hức trong đôi mắt trẻ thơ. Chỉ biết rằng những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc nho nhỏ âm thầm hiển hiện, len lỏi trong những ngày giáp Tết, đưa sắc Tết, hương Tết, vị Tết thong thả bước từng bước vào căn nhà nhỏ xinh của chị. Chỉ biết rằng thương lắm những lần cả nhà ríu rít đi dạo chợ hoa xuân. Ngắm mấy cha con háo hức nắm tay nhau đi giữa đủ các loại cây hoa: những đào phai, mai kiểng, cúc vàng, lan hồ điệp rực rỡ; những vạn thọ vàng, mào gà, sống đời đỏ bình dị khoe duyên… sao mà lưu luyến quá.
Nên giáp Tết năm nào cũng vậy, dẫu bận rộn mấy, chị cũng dành thời gian tự tay mình chuẩn bị đón Tết. Vừa tạo nếp nhà giúp con lưu giữ ký ức Tết tuổi thơ, vừa như ngọn gió mát lành đưa chị về với những góc nhỏ mến thương ngày càng thưa vắng. Để không hẳn là nhớ đến những món ngon, riêng có của ngày Tết ấu thơ mà còn được bồi hồi quay về căn nhà ba gian thấp lè tè rộn vang tiếng cười vui. Để có những ngày lẽo đẽo theo mẹ ra giếng làng giặt giũ chăn màn cho sạch sẽ thơm tho đón chờ Tết, là biết rằng chị gái đi học xa nhà sắp về. Để hăm hở cùng chị ngồi bên bếp lửa, tay hết đảo mẻ mứt gừng rim, lại đút thêm thanh củi cời sáng ngọn lửa cho nồi bánh chưng… Chỉ vậy thôi là thấy Tết đã về.
Nguyên Phúc