Rộn rã điệu xoang
Hắn thích múa xoang. Mỗi khi về làng có tổ chức nối vòng xoang, hắn chẳng ngại ngần, thể nào cũng hồn nhiên tay vung, chân bước điệu xoang trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng chiêng lúc trầm, lúc bổng, lúc vang xa như dội vào vách ngọn núi sừng sững bên làng.
Múa xoang, với hắn trước đây lạ lẫm lắm. Nhớ lần đầu được tham dự lễ hội làng, nhìn mọi người tay nắm tay, miệng hò reo cuồng nhiệt, chân nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng, rồi bước vòng quanh đống lửa lúc phát ra tiếng nổ lép bép của đôi nhánh củi còn chưa được khô hẳn, lúc lại phần phật theo ngọn gió reo vui mà hắn ngỡ ngàng.
|
Quê hắn chẳng có múa xoang. Cả đời hắn chưa được thấy múa xoang. Phải đến tận lúc ấy hắn mới lờ mờ hiểu vì sao ngày nhỏ mỗi lần nghe câu hát “Những bàn chân, bàn chân trần trên đất, lướt đi rộn rã bồi hồi. Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức. Đêm trong veo, trong veo, nhà rông bập bùng ánh lửa…” lại luôn gợi cho hắn những cảm giác khát khao về một cao nguyên hùng vĩ, phóng khoáng, về những điệu xoang dặt dìu, rộn rã say mê.
Hắn nghĩ, đúng là mọi sự trên đời này như hữu duyên với đất trời mà cùng nhau hội ngộ giữa mênh mông. Như hắn đấy, cuộc đời đưa đẩy, nên nào đâu chỉ biết điệu xoang qua câu hát, hắn còn được bước dặt dìu theo tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, theo ngọn lửa bập bùng soi sáng những gương mặt chân chất, thuần hậu. Hắn còn được nắm những đôi bàn tay dẫu chai sạn nhưng dẻo dai, mềm mại, được bước theo những đôi chân chắc nịch, uyển chuyển, nhịp nhàng, theo tấm lưng ong dặt dìu điệu xoang của những thiếu nữ có đôi mắt trong veo và đôi má ửng bồ quân dù đông hay hạ.
Từ những bước đi lạ lẫm trong lần đầu về làng đấy, hắn chẳng nhớ đã có bao nhiêu lần rộn rã cùng điệu xoang ở những thung lũng mây bay là là ngang triền núi. Thực ra, hắn múa xoang cũng chỉ theo kiểu bắt chước. Hắn nhìn người làng rồi học theo để chung vui trong phần hội, chứ chẳng thể nào múa cho đẹp, cho đúng nghi thức trong phần lễ như những thiếu nữ ở làng.
|
Loanh quanh mãi hắn cũng chỉ biết tay vung lên thì chân nhấc lên, tay hạ xuống thì chân nhún một nhịp. Vậy mà lần nào hắn cũng hồn nhiên, bước những bước chân đầy say mê. Khi mà men rượu cần và tiếng chiêng, tiếng cồng ngấm vào từng mao mạch; khi mà ngọn lửa cháy đượm bập bùng soi rọi từng gương mặt; khi mà tất cả như đi lạc về một miền hoang sơ của ông cha thuở khai thiên lập địa, hắn bước theo dân làng rộn rã điệu xoang.
Nhìn những tấm lưng ong, nhìn những đôi tay lúc mạnh mẽ, lúc dẻo dai, lúc mềm mại, uyển chuyển, nhìn những bắp chân tròn nhịp nhàng bước quanh ngọn lửa hồng mà hắn cứ nghĩ mãi. Mới đây thôi, các cô sơn nữ còn mải mê việc rẫy việc đồng, đôi bàn chân bước những bước vội vã lên rẫy, tay thoăn thoắt hái cà, cuốc xới đất, vun gốc cây trái mà nay trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành những nghệ nhân múa xoang đắm say và bay bổng.
Nhìn những bước chân đắm say, những cái lắc hông khỏe khoắn, khoáng đạt, nhìn tà váy thổ cẩm nhiều màu sắc như ánh lên dưới ngọn lửa hồng, hắn cảm nhận rõ được mạch nguồn ký ức của cha ông đang dào dạt chảy trong trái tim dân làng. Lớp già đi trước, lớp trẻ theo sau, điệu xoang luôn được “giữ lửa” trong những nếp nhà sàn đã chẳng biết đã bao nhiêu năm tuổi.
Điệu xoang, ánh lửa, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn mang lại cảm giác thật ấm áp, thật thân thương, bình dị. Khiến lòng người vốn quen với phố thị như hắn trở nên êm dịu sau những tháng ngày cần mẫn mưu sinh.
Lần nào cũng vậy, đêm hội đã tan, vòng xoang đã rời, hắn trở về phố mà lòng da diết, chỉ muốn khư khư giữ mãi những phút giây thăng hoa, rộn rã cùng điệu xoang. Hắn nhớ chiếc váy thổ cẩm như thêm tươi sắc màu bên ngọn lửa hồng. Nhớ tiếng cồng, tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng, lúc vang xa đến tận những ngọn núi bao quanh làng như giục, như mời. Nhớ điệu xoang dặt dìu, chân hắn nhún, tay hắn múa và trước mắt hắn là ngọn lửa đang rừng rực cháy như xua tan đi hơi lạnh của sương đêm từ các vách núi theo gió lan về.
Nghĩ vậy, hắn liền dắt xe ra, nổ máy đi về phía làng. Đang mùa lễ hội, biết đâu, ở làng đang chuẩn bị nối vòng xoang.
NGUYÊN PHÚC