Rồi ai cũng sẽ già
Rồi ai cũng sẽ già. Phải đến khi nào chị mới nhận ra điều ấy. Hẳn phải ở một độ tuổi không còn trẻ và cũng không quá già. Hẳn phải là lúc cảm nhận được thời gian như chuyến tàu một chiều, có khứ mà chẳng có hồi, cứ mải miết lao vun vút, vun vút, chở bao nhiêu hành khách đi qua chặng đường dài với đủ vui – buồn, hạnh phúc – khổ đau, mệt nhọc – vui sướng đan xen.
Nhớ ngày còn nhỏ, thấy ai tóc bạc là chị mặc định đã già lắm, khi nào gặp cũng kính cẩn chào bà, chào ông. Chị bật cười, đám nhỏ giờ gặp chị cũng thế thôi. Hôm nào chị chẳng kịp chải chuốt, nhuộm màu, tóc bạc, tóc xanh lấp ló, thể nào chúng chả rổn ràng chào bà giòn tan.
Mà nói chuyện trẻ nhỏ, ngày xưa chị cũng là trẻ nhỏ, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện có ngày mình sẽ già. Trong trí tưởng tượng non nớt ngày ấy, có mơ tưởng cũng chỉ dừng lại ngày trở thành thiếu nữ, môi đỏ, má hồng, cùng chúng bạn dập dìu áo đẹp quần xinh đi dạo phố, chứ chẳng nghĩ ngày xa lắc đến mấy chục tuổi, tóc sẽ bạc, mắt sẽ mờ, bước đi trở nên chậm rãi.
Ngày trở thành thiếu nữ, bước chân vào giảng đường đại học, có mơ chị cũng chỉ “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”. Ngày đó, chị mê bài thơ “Không đề” của nhà thơ O. Bécgôn qua lời dịch của nhà thơ Bằng Việt. “Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn/Em mới hiểu bây giờ anh có lý/Dù chuyện xong rồi, em xa cách thế/Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”, chị đã nghêu ngao đọc suốt cả những tháng năm tuổi trẻ, dù chưa thể nào hiểu hết cái “đắng cay”, “ngọt ngào” của tháng năm.
|
Vậy mà chẳng mấy năm nữa chị cũng bước sang cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Đúng là thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Thời gian chẳng chờ đợi ai, cứ thế mà trôi mau, trôi mau. Tuần lại tuần trôi qua nhẹ hơn cả chiếc lá rơi trong chiều mênh mang gió. Chớp mắt là đã hết ngày, hết tháng, hết năm. Bảo sao trẻ con không nhanh lớn, còn người lớn lại không nhanh già.
Vun vút trên chuyến tàu thời gian, những hành khách nhạy cảm với nắng mưa, lại thêm nỗi lo cơm áo gạo tiền như chị “toan về già” lúc nào chẳng hay. Mà người ta vẫn bảo, “toan về già” thường hay mắc “bệnh” sống với ký ức. Ký ức khi ấy như vệt màu loang loáng phản chiếu tâm hồn. Chỉ cần lắng nghe cơn gió chuyển mùa, chỉ cần bước vội trong cơn mưa dầm dề tháng tám là nỗi nhớ ngày xưa ơi lại ào ạt tìm về.
Nhưng chị lại nghĩ khác. Sống bằng ký ức chẳng phải “bệnh”, với chị đó là niềm hạnh phúc. Cứ thêm một tuổi, ký ức lại càng đong đầy và hiển hiện. Mỗi lần ngoái đầu nhìn lại, nhớ chuyện của mấy chục năm về trước mà sao vẫn lấp lánh sắc màu, vẫn rộn ràng niềm vui như mới đâu đây. Nhớ những gì đã trải qua, dù khổ đau hay hạnh phúc đều để lại bao nhiêu nhớ nhung, thương mến. Nỗi nhớ da diết ấy khiến chị ấm lòng. Cũng có khi nỗi nhớ đến rưng rức khiến chị cảm giác như trái tim bị bóp nghẹt.
Chẳng nói đâu xa, như hôm qua đây, khi lục tìm dọn dẹp bộ nhớ máy tính, chị đã tẩn ngẩn tần ngần mất cả buổi. Những bức ảnh chụp mấy nhóc con ngày thơ bé chẳng phải đẹp, vừa không rõ nét, vừa mặt mũi tèm lem nhưng chị cứ ngắm tới ngắm lui vì đẫm đầy giá trị. Chị cảm giác nếu thiếu những khoảnh khắc đó sẽ như đứt đoạn đi một quãng đời gian khó nhưng ngập tràn hạnh phúc, hay nói đại ngôn hơn là tâm hồn sẽ lộ ra cả một khoảng trống mênh mông.
“Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn”, câu thơ mê say vẫn mãi lắng đọng trong chị cho đến bây giờ. Năm tháng như những chú ong cần mẫn bay đi khắp muôn phương để đong đầy những giọt mật ngọt ngào, cho chị được yêu thương và biết yêu thương. Năm tháng cũng như bàn tay của bà phù thủy trong truyện cổ tích vẽ lên mái tóc xanh những sợi bạc, vẽ lên đuôi mắt thêm những nếp chân chim.
Thời gian chẳng chừa một ai. Qua tháng, qua năm, trẻ con thêm lớn, người già thêm già. Thôi thì, tuổi người tính theo năm tháng là tương đối, những điều tốt đẹp mới là vô hạn, mênh mông. Cứ tĩnh tại, ung dung mà đón nhận. Cứ mỗi bước đường đời nghĩ tốt hơn, sống tốt hơn, kính quý bậc cao niên hơn cho lòng đi hết tận cùng đắng cay, ngọt ngào của tháng năm.
Nguyên Phúc