Rau dớn ngày mưa
Tôi may mắn được thưởng thức nhiều món ăn của bà con đồng bào DTTS chế biến, như gỏi kiến chua, cá suối với măng chua nướng ống lồ ô, thịt heo nướng ống lồ ô, nhưng tôi ghiền nhất lại là những món ăn chế biến đơn giản từ rau dớn.
Ghiền là vậy, nên mỗi khi có dịp về làng, tôi thường nhờ các chị tìm giúp, hoặc nếu có điều kiện, sẽ tự tay mình đi hái rau dớn về chế biến thành những món ăn đơn sơ, nhưng có sức hấp dẫn đến lạ lùng.
Rau dớn là loại rau đặc trưng ở vùng rừng núi. Rau thường mọc ở vùng đồi núi, dưới những tán rừng và phát triển mạnh mẽ ở các ngách đá hoặc khe núi có độ ẩm ướt cao và thiếu ánh nắng mặt trời. Ở một số nơi, rau dớn mọc thành vạt, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát.
Lá rau dớn xanh mượt, mọc so le, hình ngọn giáo, đoạn vòi cuốn hình dạng như cái vòi voi. Loại rau rừng này có giá trị sử dụng trong y học cổ truyền và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Đây cũng là loại rau quen thuộc, thường thấy trong các bữa ăn hàng ngày của bà con đồng bào DTTS ở vùng núi.
|
Theo Đông y thì rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón và làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng. Thường xuyên dùng rau dớn giúp dễ ngủ, cơ thể thoải mái, khỏe mạnh; làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận tràng và làm dịu đau lưng. Cành, lá rau dớn có thể phơi khô, để dành nấu nước uống giải nhiệt những ngày nắng nóng.
Mới đây, tôi có dịp về làng, cùng chị Y Biên lên núi hái rau dớn vào một ngày mưa về chế biến món ăn.
Trước khi đi, chị bảo, đường khó đi, nên để một mình chị đi lên hái thôi. Nhưng tôi cứ năn nỉ mãi, vì thú thật, tôi ăn rau dớn đã nhiều, mà chưa một lần được đi hái. Cuối cùng thì chị mềm lòng “thế thì cô đi với chị”.
Hai chị em tôi chạy xe máy một đoạn đến chân núi, rồi để xe máy ở đó, đi bộ vào rẫy của chị. Đúng là đường núi không bao giờ dễ đi, nhất là ngày mưa. Sau một hồi vật lộn với dốc lầy trơn trượt, cây rừng chằng chịt, hai chị em tôi cũng đến được rẫy của chị.
Không biết khu rẫy nằm ở độ cao bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là thấp, bởi chị bảo chỉ lên trên chút nữa người ta trồng được cả sâm Ngọc Linh. Đứng ở đây phóng tầm mắt ra xa có thể thấy bát ngát màu xanh của cà phê và sâm dây thật mát mắt.
Chờ tôi ngắm đã mắt, hai chị em mới men theo triền dốc xuống khe suối ẩm ướt để kiếm rau dớn.
Chị quen với việc đi rẫy nên bước chân cứ thoăn thoắt, còn tôi thì tụt lại khá xa vì phải níu thật chặt vào từng bụi cây để xuống mà trống ngực vẫn đập thình thịch.
|
Khi tôi xuống gần đến nơi đã nghe giọng chị reo vui: “Em xuống đây mau, rau dớn đây rồi. Mùa này tốt quá”. Tôi đứng lại, nhìn theo hướng tay của chị, một vùng xanh non mơn mởn hiện trước mắt mình. Không phải ở khe suối nữa, rau dớn mọc thành đám dày dưới những tán cây rừng râm mát.
Nhìn thấy đám rau rừng xanh non tôi càng có động lực để bước nhanh hơn về phía ấy. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy rau dớn mọc ở núi đồi, chứ không phải là những bó rau dớn hơi thâm đen, dập nát được người ta cắt ở rừng mang về bán nơi phố chợ.
Chị nói, mùa khô, kiếm rau dớn hơi khó, phải đến các khe suối, chỗ gần nước mới có. Còn mùa mưa, rau dớn mọc thành đám như thế này, không lo thiếu rau để hái.
Chị thoăn thoắt bấm từng chiếc đọt non nằm ở giữa những chiếc lá vươn lên xanh mướt. Chị bảo, rau dớn chỉ ăn được đọt non thôi. Hái đợt này, mưa xuống, cây lại nứt những đọt non khác. Nghe chị nói, tôi cũng mạnh tay hái từng đọt rau non mơn mởn, mùi thơm của rau rừng lan tỏa.
Chẳng mấy chốc, chiếc gùi nhỏ của chị đã đựng đầy rau dớn. Hai chị em trở về làng để chế biến món ăn cho kịp bữa trưa.
Chị nói, rau dớn là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của đồng bào DTTS vùng này. Trước đây, bà con thường hái rau dớn về nấu với cá, hay luộc chấm muối, bây giờ thì bà con cũng đã biết thêm nhiều cách chế biến, như làm gỏi, xào tỏi. Và hôm ấy, chị sẽ đãi tôi món rau dớn xào tỏi.
Cách chế biến món rau dớn xào tỏi cũng giống rau muống xào tỏi vậy. Nguyên liệu chỉ gồm rau dớn cắt nhỏ, dầu ăn, ít hạt nêm và tỏi băm nhuyễn. Chị bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, chờ dầu nóng lên, phi tỏi thơm rồi cho rau dớn và ít hạt nêm vào đảo đều tay. Rau dớn bình thường có vị hơi chát và nhơn nhớt nhưng khi nấu chín thì lại rất thơm, giòn giòn, nhai kỹ thì bùi bùi và ngọt miệng.
Ở phố, nếu có dịp mua được bó rau dớn, tôi cũng chế biến món ăn này, tuy nhiên, không thơm ngon bằng rau dớn tươi non vừa hái ở rẫy về. Bữa cơm chỉ có món rau dớn là chủ đạo mà cảm giác thật ngon.
Chị nói, ở làng bà con ăn rau dớn nhiều, nhưng hễ làng có lễ hội hay đám tiệc gì cũng lại không thể thiếu rau dớn. Rau dớn được bà con nấu với cá, rau dớn xào hay đơn giản là rau dớn luộc chấm muối ớt nhưng ăn hoài không biết ngán. Nghe người già ở làng kể lại, ngày trước, rau dớn cùng với những loại rau, củ, quả rừng khác đã giúp bà con vượt qua những cơn đói mùa giáp hạt.
Chắc hẳn vì gần gũi và thân thuộc trong đời sống của đồng bào DTTS, nên rau dớn còn phổ biến trong nghệ thuật trang trí của các DTTS. Về các làng đồng bào DTTS, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh rau dớn quen thuộc được tạo hình, trang trí trên các mái nhà rông cao vút, mà theo các già làng nó chính là biểu trưng cho sự no ấm, may mắn của dân làng.
Thế mới càng hiểu thêm, rau dớn góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên.
Vậy nên, nếu có dịp về làng ngày mưa, bạn nên tìm kiếm cơ hội để tự tay hái, chế biến và thưởng thức món rau rừng này nhé!
SÔNG CÔN