Quyết định của Tý
Chọn ngành nghề cho tương lai của mình phải phù hợp với năng lực và sở thích mình chứ! Trong công việc, phải có đam mê, mới có động lực để tìm tòi, sáng tạo thì công việc mới trôi chảy, mới thành công được.
Từ nhỏ Tý đã có ý thức tự giác cao trong việc học không cần ba mẹ nhắc nhở, lại có tính gọn gàng, sạch sẽ và rất biết vâng lời.
Về phần ba Tý, trước đây ông bà định hướng cho học ngành Y, nhưng 2 năm miệt mài ôn luyện thi vào đại học, “vật lộn” với những đề cương toán, hóa, sinh đến nỗi thuộc lòng tất cả các đề và đáp án, thậm chí đi ngủ cũng còn mơ về các con số. Vậy mà 2 lần thi vào trường y đều bị trượt, thế là ước mơ trở thành bác sĩ bị dang dở.
Để viết tiếp ước mơ bị dang dở, ba đã ngắm và định hướng cho Tý vào trường y ngay từ khi bước vào trung học cơ sở. Với lý do “rút kinh nghiệm đời bố, để củng cố đời con” phải định hướng cho con càng sớm càng tốt vào khối B để có nhiều thời gian cho con tiếp cận và học tốt hơn.
Đi tới đâu hoặc về nội hay ngoại, ba đều tuyên bố như đinh đóng cột, sau này Tý sẽ vào ngành y. Lúc đó không biết Tý nghĩ gì chỉ thấy cười phụ họa theo ba.
Với bản tính biết nghe lời chưa bao giờ dám cãi lại ba mẹ, Tý dành nhiều thời gian cho việc học nhất là các môn khối B, nếu có thời gian rảnh là Tý chơi thể thao để cân bằng việc học. Năm lớp 9, Tý chủ động thi vào lớp chuyên Hóa để tăng thêm lượng kiến thức trên lớp mà không cần phải học thêm.
Mọi người trong nhà ai cũng nghĩ Tý sẽ chọn khối B, chắc chắn sẽ tiếp nối con đường dang dở của ba, hơn nữa Tý lại có chị họ cũng học ngành y sẽ không đơn độc khi theo một cái nghề khá là vất vả nhưng cao quý này.
Nghỉ hè năm lớp 10, ba nói Tý đầu tư học thêm môn Sinh, nhưng thấy Tý chỉ ầm à ậm ờ, bảo còn sớm và xin ba cho học thêm môn Lý và Anh văn.
Đùng một cái, năm lớp 11, Tý bày tỏ ý nguyện không theo khối B nữa mà chuyển sang khối A học kinh tế, với lý do học ngành y quá lâu, mất 6 - 7 năm, áp lực học rất nặng vừa phải học sáng, chiều, còn phải thực tập, phải trực 24/24 vào ngày nghỉ, với lại điểm vào trường đại học y luôn nằm ở “top ten”. Còn vào trường kinh tế chỉ mất 4 năm, học không bị áp lực như trường y, có nhiều thời gian để học thêm Anh văn, ra trường ở lại thành phố dễ xin việc làm hơn.
Lúc đầu Tý không dám nói trực tiếp với ba vì sợ… chỉ dám nói với mẹ nhờ mẹ nói giúp để lay chuyển quyết định của ba. Cũng sợ ba buồn, mấy lần mẹ có khuyên và phân tích Tý nên theo ngành y, nào là trong gia đình có người làm bác sĩ cũng rất thuận lợi khi có người nhà đau ốm... Thế nhưng, phân tích kiểu nào, Tý vẫn bày tỏ mong muốn của mình, mẹ đành lựa lời nói chuyện với ba về quyết định của Tý.
Vừa nghe xong ba nổi giận lôi đình, cho rằng hai mẹ con vào hùa với nhau, nào là không hiểu biết gì, nào là không có kiến thức xã hội... cũng không cho giải thích gì thêm. Không khí trong gia đình mấy ngày trời nặng nề khủng khiếp! Tý không dám đối mặt với ba trừ khi ngồi vào bàn ăn cả nhà.
Không bỏ cuộc trước quyết định cho tương lai của mình, Tý lên kế hoạch nhờ gia đình ngoại tác động đến ba. Tý chọn đúng vào ngày giỗ bà cố ở nhà ngoại khi có đầy đủ ông ngoại, bác, dì và cậu và có cả các anh chị họ… Lúc đó, Tý đứng dậy thưa về quyết định chọn ngành của mình mong ba chấp nhận, vì ngành y, Tý không hợp và cũng không thích.
Tý nói thêm, nếu ba nhất quyết không đồng ý con vẫn chiều theo ý ba thi vào ngành y để ba vui lòng, nhưng sau đó con vừa học, vừa tự làm thêm kiếm tiền tiếp tục ôn và thi vào trường kinh tế. Sau này nghề chính của con không phải là nghề y.
Thấy quyết tâm chọn ngành tương lai của Tý như thế, mỗi người trong nhà ngoại góp mỗi câu để ba Tý suy nghĩ lại. Đại loại là: cha mẹ chỉ nên định hướng nghề nghiệp cho con thôi; công việc gắn bó với con phải do con quyết định; nào là cha mẹ không nên áp đặt mà phải là bạn đường đồng hành tiếp sức cùng con; Tý đã 18 tuổi rồi, ý Tý đã quyết dì dượng cần tôn trọng, quyết định của Tý có đúng hay sai Tý phải gánh chịu không thể đổ thừa cho di dượng được…
Cuối cùng ba Tý cũng ngượng ép chấp nhận quyết định của Tý. Tý biết ba rất buồn vì quyết định của mình và một lần nữa Tý lại làm hỏng ước mơ dang dở của ba. Nhưng biết làm sao? Chọn ngành nghề cho tương lai của mình phải phù hợp với năng lực và sở thích mình chứ! Trong công việc, phải có đam mê, mới có động lực để tìm tòi, sáng tạo thì công việc mới trôi chảy, mới thành công được.
Gia Thịnh