Quảng cáo hay… xả rác?
Đang đứng chờ ở các trụ đèn tín hiệu giao thông, bỗng có người nhét vội vào tay mảnh giấy. Vài ba lần đầu, vội vàng mở ra xem nội dung gì; những lần sau, vẫn cầm với thái độ khó chịu… và, đến khi nhiều lần quá, có người chẳng buồn xem mà ném vội xuống đường. Quảng cáo dưới hình thức phát tờ rơi ở các điểm công cộng kiểu này khiến không ít người đã đặt câu hỏi: Quảng cáo hay xả rác?
Mấy chiều này, tầm 16h30 - khi đón cu con đi học về, dừng đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum), tôi đều gặp một thanh niên chạy vội xuống lòng đường, len qua dòng xe, nhét vào tay từng người mảnh giấy nho nhỏ.
Đưa cho cu con mở ra xem nội dung gì, cu con bảo, họ giới thiệu cho vay trả góp chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân, không phụ phí và hàng loạt số điện thoại di động để liên hệ nhưng không có bất kỳ địa chỉ kèm theo nào…
Quan sát xung quanh, chúng tôi nhận thấy khi “bị” nhét tờ rơi vào tay, có người cầm trong tay rồi đi tiếp, có người mở ra liếc vội rồi vứt và có người chẳng buồn mở ra xem mà vứt ngay xuống đường Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo…
Nhìn cảnh đó, một người đàn ông quay sang tôi nói như tìm sự đồng tình: Quảng cáo kiểu này khó chịu thật. Người và phương tiện giao thông dừng chờ đèn tín hiệu giao thông lúc nào cũng đông, bỗng dưng có người chạy tới nhét vội vào tay lái mình mảnh giấy, giật thột cả người. Đã thế, người cầm, người vứt, như là đi xả rác...
Đúng như lời người đàn ông nọ nói, nhìn dưới lòng đường Lê Hồng Phong ngay đoạn trụ đèn tín hiệu giao thông lúc đó, những mảnh giấy màu vàng nhỏ như lòng bàn tay rơi rớt, chỉ cần ngọn gió thổi mạnh là bay lả tả khắp nơi…
Chưa nói đến việc ảnh hưởng an toàn giao thông của người và phương tiện ngay tại những trụ đèn giao thông khá đông đúc mà kiểu quảng cáo tra tấn, quảng cáo như xả rác này khiến không ít người cảm thấy khó chịu.
Và kiểu quảng cáo này đâu phải chỉ là vài ba lần, đâu chỉ mỗi trụ đèn tín hiệu giao thông Lê Hồng Phong – Trần Hưng Đạo như vừa kể. Nhiều lần, vào khoảng tan tầm, ngay các trụ đèn tín hiệu giao thông ở các tuyến phố lớn đều có người đứng phát tờ rơi, có khi 1 người/ngã tư, có khi tới 3-4 người/ngã tư chia nhau đứng. Nội dung của tờ rơi thì cũng đủ các loại: khi thì cho vay không cần thế chấp, hỗ trợ tài chính, bán hàng trả góp, khi thì khai trương chỗ nọ, khuyến mãi chỗ kia…
|
Mà đâu chỉ các ngã tư, trước cổng trường giờ tan học và trước khi vào lớp, không ít phụ huynh, học sinh cũng nhận tờ rơi quảng cáo đủ các loại, từ giới thiệu các trung tâm daỵ tiếng Anh, dạy tin học, cho đến các cơ sở nhận gia sư, dạy kèm…
Rồi, những lần có đoàn xiếc, có hội chợ, xe chạy quảng cáo phát loa giới thiệu, kèm theo hàng loạt tờ rơi quảng cáo về gánh xiếc, về hàng hóa bán ở hội chợ, về những ca sĩ, nghệ sĩ tham gia biểu diễn ở hội chợ hàng đêm… được ném xuống đường, mặc cho có ai lấy, có ai đọc hay không…
Mới đây, Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 5/5/2017 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Dù Nghị định ra đời được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng phát tờ rơi một cách bừa bãi như thế này nhưng trên thực tế sau hơn nửa năm có hiệu lực, mọi chuyện vẫn như cũ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những người đi phát tờ rơi này đa số là sinh viên làm thêm hoặc là nhân viên, người thân… của các đơn vị cần quảng cáo. Và khi được hỏi, đã có quy định xử phạt về việc phát tờ rơi này mà không sợ à, cậu thanh niên phát tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp trên ngã tư Trần Hưng Đạo – Lê Hồng Phong thật thà trả lời rằng, cậu nhận làm việc này cho nhiều cơ sở rồi nhưng cũng chưa thấy ai nhắc nhở, xử phạt cả.
Dù không nói rõ số tiền nhận được khi làm công việc này nhưng cậu cũng cho biết, phát được càng nhiều tờ rơi thì cậu càng được nhiều tiền, nên cách nhanh nhất là đến các chỗ công cộng đông người, đặc biệt là các ngã tư đèn đỏ đèn xanh có lưu lượng người qua lại nhiều, luân chuyển liên tục để thông tin quảng cáo được lan rộng hơn.
Kiểu phát tờ rơi quảng cáo này diễn ra công khai tại các điểm công cộng (đã thế, tờ rơi còn thường kèm theo số điện thoại, địa chỉ liên lạc) nên việc phát hiện, xử lý không phải là quá khó. Nghị định 28/2017/NĐ-CP cũng đã có hiệu lực và quy định chi tiết mức xử phạt. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý để sớm chấn chỉnh kiểu phát tờ rơi quảng cáo làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người đi đường, cản trở giao thông này.
Nguyên Phúc