Quà quê
Sống xa nhà, nó yêu lắm hai tiếng “quà quê”. Với nó, “quà quê” không chỉ có ý nghĩa vật chất đơn thuần, mà chất chứa trong đó biết bao tình nghĩa đậm đà.
Sáng nay, nghe tin nó chuẩn bị về quê, chị bảo: “Về nhớ mang quà quê lên nhé”. Nó thích thú giới thiệu hàng loạt món đặc sản, chị chăm chú lắng nghe, rồi nói ngay: “Chị thích món mắm mực quê em”.
|
Mắm mực- chỉ là món mắm làm từ con mực tươi thôi- nhưng không hiểu sao có rất nhiều người thích. Lâu lâu có người hỏi thăm nó “có về quê thì mang mắm mực lên nhé!”. Người cùng quê thích đã đành, người ở quê khác, thậm chí ở tít trong Nam, ngoài Bắc cũng yêu món quà quê kiểng này.
Nhà nó cách biển không xa, mỗi khi có mực ngon là má lại mua một ít về làm mắm. Nhìn má làm lâu ngày, nó cũng thuộc lòng “công thức”. Nói khó thì không hẳn, nhưng cũng không phải là dễ. Mực mua về rửa sạch, để nguyên con như vậy rồi ướp muối mấy tháng là có thể mang ra dùng.
Nói thì đơn giản vậy đấy, có vẻ ai cũng làm được mắm mực, nhưng không phải ai làm cũng thơm, ngon. Quy trình tuy đơn giản, nhưng đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm, được tích lũy qua học hỏi và thời gian “thực hành” lâu dài.
Mắm mực sẽ ngon hơn khi được nêm nếm thêm ít đường, ớt, tỏi, mấy lát cam hôi và thêm ít thơm bằm hay mít xé nhỏ, trộn đều. Mằn mặn, ngòn ngọt, cay cay, chua chua, thơm thơm, chén mắm mực sẽ “tốn cơm” vô cùng.
Nhớ những ngày mưa, lạnh, bữa cơm gia đình chẳng thể thiếu món mắm mực. Trời càng lạnh, má giã nhiều ớt hơn một chút để trộn mắm mực ăn cho ấm bụng.
Bánh tráng cuốn với thịt luộc, rau sống mà chấm với món mắm mực thì ngon hết sảy. Bụng đã no căng đi rồi mà con mắt vẫn còn đói, cái miệng vẫn thòm thèm.
Xa quê, lâu lâu nó lại thèm món mắm mực, gọi điện thoại nói má gửi lên. Nó mang chia cho chị một ít. Chị ăn rồi cũng nghiện. Lâu lâu gặp nó, chị lại nhắc: Có mắm mực không em? Thèm rồi đây này.
Chị cũng vậy, mỗi khi về quê, một tỉnh ở miền Tây sông nước, cũng không quên mang “quà quê” là bánh lá dừa- đặc sản trứ danh quê chị- biếu nó.
Hồi mới lên thành phố học đại học, nó được đứa bạn quê ở miền Tây-nhà có làm món bánh lá dừa bán- mang lên biếu. Lạ mà ngon hết nấc. Bánh lá dừa làm bằng gạo nếp trộn đậu đen xào nước cốt dừa bọc bên ngoài, nhân bên trong là chuối sứ chín. Đặc biệt hơn, bánh lá dừa được gói bằng lá cây dừa nước quấn hình xoắn ốc, dài chưa tới gang tay, nên trông hay hay, ngộ nghĩnh lắm.
Bánh lá dừa có độ dẻo của nếp, vị bùi của đậu đen, ngọt thơm của chuối, dịu nhẹ của lá dừa quyện vào vị béo của cốt dừa tạo nên hương vị khá đặc trưng. Cầm cái bánh lá dừa trên tay, bóc từ từ lớp vỏ ra, đừng ăn vội, hãy “thưởng thức” mùi thơm của bánh bốc lên ngào ngạt, sẽ thấy thêm yêu, thêm quý món quà quê dân dã ấy.
Bạn nói, quê bạn người ta thích ăn ngọt, có lẽ vì vậy mà chuộng bánh lá dừa nhân chuối, chứ cũng có thể làm nhân bằng đậu xanh. Ở đó, cây dừa nước cũng nhiều nên thay vì gói lá chuối, người ta gói bánh bằng lá dừa nước. Cũng vì nghiện món ăn này mà có dịp, nó theo bạn về quê để được xem mẹ bạn gói bánh lá dừa. Chiếc bánh trông rất đẹp mắt, hay hay, dân dã và đặc biệt là đậm chất miền Tây Nam bộ.
Từ ngày biết chị, lâu lâu được chị biếu cho xâu bánh lá dừa mà thấy nhớ nhỏ bạn, nhớ miền quê sông nước. Nó mường tượng ra quê của chị chắc cũng giống như quê nhỏ bạn nó, bởi cùng một tỉnh. Nó hào hứng kể về miền Tây sông nước như thể đã sống ở đó nhiều năm khiến chị vui lắm, vì ở nơi đất khách quê người lại có người biết đến, đồng cảm và sẻ chia tình cảm quê hương với mình. Quà quê có giá trị đặc biệt như vậy đấy!
Bây giờ, đường sá thông thương, ở bất kỳ đâu cũng có thể mua món này, món kia thưởng thức. Nhưng “quà quê” thì vẫn quý lắm. Người con xa quê lâu ngày được món quà quê như thấy cả quê hương trong đó. Người nhận được món quà quê cũng cảm nhận được sâu thẳm điều gì đó rất quê hương. Ăn một chút mắm mực hay một miếng bánh lá dừa không chỉ đơn thuần để ta cảm nhận vị ngon của món ăn mà cao đẹp hơn đó là nét văn hóa độc đáo của người Việt, luôn nhắc mỗi con người dẫu đi xa đến đâu trong tim cũng luôn nhớ đến hình bóng quê nhà.
|
“Của một đồng, công một lượng”, quý nhau không phải ở chỗ món quà ít hay nhiều mà là công sức của người không quản ngại đường sá xa xôi mang món quà của quê hương mình để biếu tặng người thân, bạn bè. Bởi thế, quà quê chẳng cần biếu, tặng nhiều mà một chút thôi cũng đã trân quý.
SÔNG CÔN