Quà 20/11
Mỗi năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại nhớ da diết mái trường làng, nơi gắn bó suốt tuổi thơ, và những thầy, cô giáo đã từng dạy mình. Càng thấy thương nhớ những món quà 20/11 trong sáng nhưng đầy ắp nghĩa tình của tuổi học trò vụng dại.
Thời học trò của thế hệ 8X chúng tôi, ở nông thôn nên gần như nhà nào cũng khó khăn về kinh tế. Vậy mà, mỗi khi đến dịp 20/11, chúng tôi quen gọi là Tết thầy cô, đứa nào cũng rất háo hức, dặn dò nhau chuẩn bị trước cả tháng. Đứa nào cũng chắt chiu, dành dụm một khoản tiền nhỏ để gom góp mua quà tặng thầy cô, để tri ân người đã dìu dắt, giúp đỡ, truyền đạt cho mình những bài học hay, những kiến thức bổ ích.
Gần đến ngày 20/11, tôi và những bạn bè trong lớp thường chọn một buổi được nghỉ học rồi xin phép ba mẹ đi chọn mua quà tặng, cũng giản dị thôi, thường là cuốn sổ, cây bút. Nhưng gửi gắm trong đó tấm lòng và sự hồn nhiên của những học trò nghèo.
|
Chọn được quà rồi thì cả bọn lại ngồi nắn nót viết những nét chữ thật đẹp vào cuốn sổ trước khi mang tặng thầy, cô: "Lớp… mừng Ngày Hiến chương nhà giáo", "Tập thể lớp… chúc thầy, cô 20/11 thật nhiều niềm vui"… Tiếp đến là công đoạn cắt giấy màu gói ghém những phần quà sao cho đẹp đẽ. Việc này được giao cho những bạn tỉ mỉ, khéo léo, còn gọi là có “hoa tay” thực hiện.
Đến ngày lễ, cả bọn còn gom góp những cành hoa thật đẹp cắt ở vườn nhà mình để kết lại thành một bó hoa thật to, thật đẹp, kèm với gói quà chuẩn bị sẵn, để đến nhà thầy cô.
Mà cũng buồn cười lắm, năm nào chúng tôi ngày ấy cũng chỉ nghĩ ra mấy món quà này. Bởi trong tâm trí non nớt của lũ học trò trường làng, hình ảnh thầy cô luôn gắn liền với phấn trắng và bảng đen, sổ và bút.
Món quà chỉ có vậy, nhưng mỗi khi đến nhà thầy cô thì đứa thụt đứa thò, ngập ngừng mãi mới dám trao tặng, nơm nớp sợ bị mắng bởi cái tội bày vẽ. Thầy cô la vậy đó, nhưng vẫn nhận một cách trân trọng, phần vì biết món quà ấy mang ý nghĩa tinh thần chứ không nặng về vật chất, phần để học trò của mình khỏi buồn lòng.
Tôi nhớ, ở nhà thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 của mình có những kệ sách lưu giữ khá nhiều cuốn sổ do các thế hệ học trò của thầy tặng. Chúng tôi đã mừng quýnh lên, và cả tự hào nữa, khi thấy thầy đặt lên kệ những cuốn sổ còn mới tinh mà tôi và bạn bè trong lớp mới tặng. Sau đó, mỗi lần chúng tôi đến thăm nhà thầy đều xúm xít quanh những cuốn sổ lưu niệm. Thấy vậy, thầy vui lắm, sẵn lòng kể về những thế hệ học trò của mình, nhiều nhất là những trò quậy phá của những cô, cậu chỉ đứng sau “ma quỷ”.
Một câu nói của thầy mà tôi nhớ mãi đến bây giờ: "Những cuốn sổ này sẽ là tài sản vô giá, thầy sẽ cố gắng lưu giữ như những kỷ niệm về những học trò thân thương của mình".
Bây giờ nói ra thì hơi… xấu hổ, nhưng hồi ấy, thích nhất là sau phần tặng quà, chúng tôi được thầy cô đãi những món ngon. Khi thì những đĩa bánh mứt, kẹo me ngào đường, khi thì món chè trôi nước, bánh chuối chiên… do chính tay thầy cô hoặc người thân của thầy cô chế biến. Những món ăn bây giờ thấy dân dã, nhưng ngày ấy với chúng tôi là một bữa tiệc thịnh soạn.
Có những dịp Tết về quê, bạn bè thuở nhỏ được gặp nhau, chúng tôi cũng không quên dành thời gian đến thăm thầy giáo chủ nhiệm. Theo thời gian, những món quà chúng tôi tặng thầy ngày nào cũng không còn, vì bão lũ, vì những lần thầy chuyển nhà…, nhưng điều đáng trân quí là thầy luôn nhớ về những kỷ niệm, những món quà mà bao thế hệ học sinh của mình đã dành tặng.
Ngày 20/11 năm nay, đi trên phố nhìn những hàng hoa rợp sắc màu được gói trong những tờ giấy bóng đẹp đẽ mà thương nhớ những bó hoa cây nhà lá vườn của những đứa học sinh như chúng tôi thời đó. Bó hoa đơn giản chỉ có mấy bông dâm bụt, cành liễu, nhánh mít nhưng luôn được thầy cô nâng niu, cắm vào những chiếc bình xinh xắn.
Và trong tôi lại cồn lên nỗi nhớ về những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình với tất cả lòng yêu thương và kính trọng.
Sông Côn