Phố hoa
Tâm mở cửa ngó ra đường mà giật mình. Nửa nôn nao, nửa thất thần khi thấy con đường rộng thênh thang đã và đang “thay áo”, rực rỡ sắc màu thay vì xám xịt bê tông.
Vậy là Tết đến sát lắm rồi!
Sáng nay, Tâm mở cửa ngó ra đường mà giật mình. Nửa nôn nao, nửa thất thần khi thấy con đường rộng thênh thang đã và đang “thay áo”, rực rỡ sắc màu thay vì xám xịt bê tông.
Lô đất trống cạnh nhà đã xếp đầy mai, cúc. Hai bố con chủ vựa đang mải mê làm việc dưới cái lạnh buổi mai. Có lẽ xe chở đến vào đêm khuya, và họ đã chuyển cây cả đêm.
Trong khi anh con trai vừa nối ống nước vừa ngái ngủ thì ông bố săm soi những chậu mai đang lấm tấm nụ, ngậm sương sớm chờ ngày mãn khai.
Sau đó ông đủng đỉnh trải cái chiếu nhựa trên vỉa hè, ngồi nhìn phố phường bắt đầu có người xe qua lại.
Mới hôm qua, mấy anh dân quân phường còn lui cui kéo thước dây đi đo đạc, chia lô rồi đánh số gian hàng chợ hoa. Dăm ba người xúm vô bình: Chia là chia vậy, nhưng biết đến hôm nào mới có hoa về.
Ấy vậy mà chỉ mới một đêm, vỉa hè hai bên đã phấp phới, đã chộn rộn, đã rạng rỡ những hoa là hoa. Ngồi ở hiên nhà, Tâm có thể ngửi được hương thơm của nhiều loại hoa phảng phất theo gió.
Vựa hoa của bố con ông già xuất hiện sớm nhất ở chợ hoa Tết năm nay. Sớm hơn cả mấy gian hàng bán thiệp Tết, bao lì xì kê sát đường.
“Nhà tôi gần, từ Đăk Hring (huyện Đăk Hà) xuống không bao nhiêu đường đất, phải đi sớm để đón khách đến ngắm nghía, đặt hàng”- ông già mỉm cười, thân thiện bắt chuyện, khi thấy Tâm bước ra cửa.
|
Tiếp đến là những vựa hoa cúc, quất cảnh vàng rực, hoa giấy đủ màu, dăm ba sạp dưa hấu bóng mẩy, thẫm xanh chất tầng tầng trên vỉa hè, chủ sạp bắc ghế ngồi bên, thấp thỏm chờ khách đến khắc chữ “Phúc-Lộc-Thọ” hay linh vật trên trái dưa cúng Tết.
Tâm thích nhất là gian hàng bày những chậu hoa giấy rực lên dưới nắng. Có cây cho hoa trắng, có cây cho hoa tím, rồi hoa đỏ, hoa vàng, 3 màu, nhìn vào cứ hoa cả mắt.
Cái thứ hoa giấy này chịu nắng, chịu hạn là nhất. Đến mùa rộ, càng ít nước, càng cằn cỗi càng nở nhiều, dày đặc, xúm xít.
Ngày mới từ Bắc vào đây kiếm việc, Tết đầu tiên ở lại, khu tập thể vắng hoe vì các anh chị đồng nghiệp hoặc có nhà riêng, hoặc về quê hết, nên Tâm cứ lang thang ra chợ hoa suốt, hồi ấy mở ở khu sân bay cũ, nay là đường Ba Đình (thành phố Kon Tum). Và năm nào cũng vậy, đều ngẩn ngơ trước những gian hàng bán hoa giấy.
Rồi những gian hàng hoa, cây cảnh, trái cây, bánh mứt, đồ gỗ, cũng lục tục “trình diện”, khiến đường phố trở thành nơi phô diễn “đại tiệc” của sắc màu.
Phần lớn trong số họ là nông dân, gương mặt dạn dày sương nắng. Có thể là ở Đoàn Kết, Hòa Bình, Lê Lợi sang, hay huyện Đăk Hà xuống, phần nhiều là từ Hội An (Quảng Nam), Phú Yên chở quất cảnh, Bình Định chở mai vàng lên.
Bắt đầu từ khi xuống hàng, treo đèn, kéo ống nước cho đến đêm ba mươi Tết, họ gần như sống trong phấp phỏng, mong chờ.
“Kể từ khi ấy, nhịp tim của tụi tui cứ phấp phỏng, nhanh chậm bất thường lắm chú”- ông già nói đùa, nhưng nghe giọng buồn rười rượi.
Tâm cũng từng nghe câu nói y hệt như vậy của chủ sạp hàng bày trước cửa nhà mình vào Tết năm ngoái. Đó là hai chị em từ Phú Yên lên bán quất cảnh.
Hôm chuyển hàng xuống, thấy chủ nhà xởi lởi, dễ gần, cậu em hí hửng khoe rằng, năm nay vay tiền chạy “hàng độc” quất bonsai. Anh coi, “cây nhỏ nhưng có võ”, dáng đẹp, quả to, đều, màu vàng rực, không lẫn màu khác, đảm bảo hút hàng.
Cô chị cười hiền. Hoàn cảnh khó khăn, hai chị em bươn chải từ nhỏ, giống như cỏ ven đường, dù bị đạp xuống, dù đất đai cằn cỗi, vẫn ngoi lên sống, vẫn mơn mởn xanh khi Xuân về.
Nhưng có ai ngờ, Tết năm ngoái “hoa dội chợ”, do kinh tế khó khăn, ế ẩm là tình trạng chung, gian hàng quất bonsai của 2 chị em lại càng kén khách. Người bán sốt ruột, nhưng người mua thì nhẩn nha.
Một số chủ vựa thấy khó, bắt đầu dọn hàng nghỉ từ ngày 28-29 Tết. Hai chị em ráng chờ đến tối ba mươi, người bắt đầu thưa, nhưng quất thì vẫn vàng rực lên, trong khi tim của người bán thì nhoi nhói.
Đến khi người đi chợ hoa đã vãn hẳn, Tâm giúp hai chị em chất hàng lên xe để về quê mà nẫu ruột theo vì khi xuống xe đầy, khi về chỉ vơi được một góc thùng.
Đứng nhìn theo bóng chiếc xe cuối cùng rời khỏi chợ hoa rồi khuất vào màn đêm mà Tâm thấy buồn. Trên vỉa hè, còn sót lại vài vạt hoa, vẫn vàng, vẫn đỏ, vẫn hồng rực rỡ, nhưng sao thấy ruột đau đau.
Chợt Tâm hình dung, trên một chuyến xe xuôi về Phú Yên trong đêm giao thừa, có hai chị em đón năm mới với những nỗi lo trĩu lòng.
Nghĩ về chuyện cũ, Tâm sực nhớ, năm nay không biết hai chị em có trở lại chợ hoa Tết nữa không? Chắc chiều nay phải đi dạo một vòng xem có gặp lại không. Mong là họ sẽ không bỏ cuộc- Tâm tự nhủ.
Thời gian trôi qua như bị người ta “rút bớt”. Tết nay không có ngày ba mươi, ngày 29 rồi tới luôn mùng Một, khiến người ta như hụt hẫng, như thấy thời gian chuẩn bị Tết quá ngắn ngủi. Còn người bán hoa thì lo lắng hơn, vì bớt đi một ngày để hy vọng.
Nhưng dù thế nào thì hoa Tết vẫn không lỗi hẹn, vẫn trải đầy trên phố, như dòng nước mát, tưới tắm tâm hồn người, gột rửa đi một năm mệt nhọc, chuẩn bị đón một năm mới với nhiều hy vọng hơn.
Tâm nghĩ vậy, khi kéo ống nước giúp ông già. Cậu con trai ông đã về nhà chở thêm mấy gốc mai xuống.
HỒNG LAM