Phố đi bộ không rác thải nhựa
Tiết trời nóng bức, tôi và cô bạn mua 2 ly nước mía để mang vào phố đi bộ ở phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum), dự định vừa đi vừa uống cho mát. Thế nhưng, vừa bước vào phố đi bộ, từ đầu đường, một bác bảo vệ đã chặn chúng tôi lại và nói rất nhỏ nhẹ: “Theo quy định, không được mang ly nhựa, túi nilon vào bên trong phố đi bộ, nếu là ly giấy hoặc cốc giấy thì được. Mình có thể uống hết nước, bỏ ly vào thùng rác hoặc gửi nước lại đây, tí nữa ra lấy”.
Cả hai đều bất ngờ, đặc biệt là cô bạn. Cô bạn trầm trồ nói, ở Hội An (Quảng Nam), quen với cảnh phố đi bộ tấp nập với khách ta, khách tây nhộn nhịp. Ở đây, dù lượng khách không đông, không đa dạng như Hội An nhưng mọi thứ rất gọn gàng và sạch sẽ. Mọi người có ý thức bảo vệ môi trường rất cao.
Khi vào bên trong phố đi bộ, thật sự thấy rất ấn tượng. Các hàng quán đều tuân thủ quy định, sử dụng các sản phẩm bằng tre, bằng giấy để phục vụ việc ăn uống cho khách. Từng dòng người lướt qua, không túi nilon, không khói thuốc, chỉ có tiếng cười nói rộn ràng. Các thùng rác được đặt gọn gàng, ngăn nắp; nhà vệ sinh công cộng có biển chỉ dẫn rõ ràng để phục vụ khách đi bộ.
|
Kể từ ngày phố đi bộ đi vào hoạt động, đây là lần thứ 2 tôi ghé vào. Lần này, cảm nhận rõ nét sự khác biệt so với lần trước. Phố đi bộ nhộn nhịp hơn, đẹp hơn. Các gian hàng nhiều hơn, đa dạng hơn, mang lại không khí rộn ràng hơn nhiều so với trước. Đặc biệt, điều đáng mừng, với những quy định hướng đến bảo vệ môi trường, phố đi bộ mang lại cảm giác thân thiện, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Đồ ăn, thức uống với mức giá vừa phải, giúp du khách vừa tận hưởng không gian mát mẻ, vừa trải nghiệm được ẩm thực ở phố núi.
Không phải đến bây giờ, việc bảo vệ môi trường mới được các cơ sở kinh doanh hưởng ứng thực hiện. Trước đây, nhiều quán ăn, quán cafe cũng sử dụng ống hút tre, túi giấy, ly giấy, chai thủy tinh... để thay thế các sản phẩm bằng nhựa. Thế nhưng, vì giá thành các sản phẩm bằng giấy, bằng tre cao hơn so với các sản phẩm bằng nhựa; hơn nữa, việc sử dụng túi nilon tiện lợi hơn và người tiêu dùng chưa quen với việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường nên chỉ sau một thời gian, chỉ còn lác đác một vài quán cà phê duy trì.
Nhiều năm về trước, khi đến Cù Lao Chàm ở Quảng Nam, tôi đã rất ấn tượng với thông điệp không sử dụng túi nilon. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương phải mất một thời gian dài để thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của người dân và du khách. Đến nay, mọi thứ đã bắt đầu đi vào nền nếp, mọi người quen dần với việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp môi trường ở đảo thêm xanh, thêm sạch.
Và bây giờ, câu chuyện ở phố đi bộ cũng vậy. Chắc chắn, các quy định hướng đến việc bảo vệ môi trường sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho môi trường và để lại nhiều ấn tượng, nhất là cho những du khách từ nơi xa đến. Nhưng cũng sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Mong muốn rằng, chính quyền địa phương sẽ có các giải pháp tích cực, duy trì được các hoạt động hay bảo vệ môi trường. Bởi, chỉ cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định trên, thay vì các buổi tuyên truyền, vận động, người dân, người đi bộ nói chung, du khách nói riêng sẽ tự cảm nhận được việc cần thiết phải bảo vệ môi trường. Và các hàng quán bán trong phố đi bộ cũng vậy, khi tuân thủ theo quy định, họ cũng nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian xung quanh khu vực buôn bán.
Phát triển du lịch, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường mới có thể phát triển bền vững. Do đó, việc nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và tăng cường chất lượng môi trường là điều rất cần thiết. Nếu duy trì được công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân, du khách trong quá trình tham quan, du lịch, phố đi bộ bên dòng Đăk Bla hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến thú vị, hấp dẫn không chỉ với người dân Kon Tum mà còn với du khách trên cả nước.
Hoài Tiến