Phía sau là nụ cười
Khi núi rừng còn chìm trong màn đêm, Tuấn- Trưởng trạm y tế xã, với đôi dép mòn vẹt và cái áo mưa tiện lợi thủng lỗ chỗ, tất tả lội suối vào làng trong màn mưa bụi. Gió quất ù ù, lạnh như cắt da cắt thịt.
Trước đó, anh nhận được tin báo của trưởng thôn về việc trong làng có người nghi bị ngộ độc thức ăn. “Sau bữa uống rượu, nó đau bụng lắm, nôn nữa. Mọi người đều sợ”- trưởng thôn nói phập phù trong điện thoại.
Tuấn chỉ kịp khoác áo mưa, quơ vội đèn pin, túi thuốc luôn treo đầu giường, rồi lên đường, không kịp gọi cậu nhân viên ngủ phòng bên.
Làng nằm chênh vênh bên sườn núi, với mấy chục nóc nhà quần tụ với nhau. Từ trạm y tế xã vào làng phải đi bộ vượt núi, vượt suối gần tiếng đồng hồ. Ngày mới lên nhận công tác, Tuấn theo một cán bộ xã vào làng, đi mãi, đi mãi, nhìn lại vẫn thấy núi, thấy rừng.
Bao đời nay vẫn vậy, làm cho bàn chân con người quen với chuyện lội suối, băng rừng, đạp gai góc, bụi bờ; cái đầu con người không nghĩ được cái hay, cái mới. Nhất là trong chuyện chăm sóc sức khỏe; dân số- kế hoạch hóa gia đình.
“Mọi chuyện do Giàng”- ngay trong chuyến đi đầu tiên, chàng y sĩ mới rời ghế trường y đã bị già làng “dội gáo nước lạnh” bằng một câu nói ngắn gọn và “miễn tranh luận” như vậy.
Anh cán bộ xã rỉ tai: Ở đây, dù ai ốm đau, bệnh tật gì, bà con đều tin là “do con ma rừng gây ra”. Dù có nằm liệt giường thì cũng chỉ nghĩ đến mời thầy mo, thầy cúng đầu tiên, chứ không nghĩ đến trạm y tế.
Trẻ con sốt rét, bà con cúng ma; phụ nữ đẻ khó, cũng cúng ma; đàn ông viêm ruột thừa, tất nhiên là cúng ma. Càng không nói gì đến chuyện kế hoạch trong sinh đẻ.
Kể từ hôm ấy, Tuấn đã có một quyết định đi ngược lại dự định ban đầu của mình và ý nguyện của gia đình. Về thành phố ư? Nếu ai cũng vậy thì bao giờ nơi đây mới thay đổi. Mình sẽ ở lại- Tuấn hạ quyết tâm.
Và 16 năm trôi qua, kể từ hôm ấy, Tuấn vẫn bám làng, bám xã. Từ một y sĩ trẻ tuổi, non kinh nghiệm, anh dần trưởng thành, dạn dày kinh nghiệm, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào DTTS nơi đây. Đến đâu, anh cũng được bà con quý mến, coi như con em trong làng.
16 năm, từ nhân viên đến bác sĩ, trưởng trạm y tế xã, nếm trải không ít gian khổ, nhưng Tuấn vẫn tâm huyết, gắn bó với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, bằng trách nhiệm và lương tâm của thầy thuốc.
16 năm bám làng, bám dân, chuyện vui nhiều mà chuyện buồn cũng không ít. Có lần, một thanh niên bị thương khi sửa nhà, Tuấn khâu vết thương xong, cẩn thận kê đơn, cấp thuốc cho cậu ta về nhà uống trong nhiều ngày để phòng nhiễm trùng. Ngày hôm sau, anh tá hỏa thấy cậu thanh niên quay lại xin thêm thuốc vì “số thuốc cấp hôm trước đã uống một lần hết”.
Kể từ hôm ấy, Tuấn rút kinh nghiệm, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc của bà con, anh chia thành liều cho mỗi ngày, sau đó yêu cầu uống tại chỗ một liều trước sự giám sát của mình để bà con hiểu rõ.
Gian khổ nhất là tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, không còn tin vào “ma rừng”, thầy cúng; khi đau ốm thì đến trạm y tế để khám bệnh, lấy thuốc.
Đây là hủ tục đã đeo bám cuộc sống người dân bao đời, không thể nói bỏ là bỏ được ngay. Chính quyền địa phương cũng đã dày công triển khai xóa bỏ hủ tục này, nhưng có vận động thế nào dân cũng không nghe. Thời gian đầu, Tuấn đến từng nhà tuyên truyền, giải thích, nhưng đều nhận được sự thờ ơ, lạnh nhạt hoặc né tránh của chủ nhà. Thậm chí có nhà còn đóng cửa khi thấy bóng anh từ xa.
Không bỏ cuộc, Tuấn cùng đồng nghiệp, phối hợp với chính quyền xã, các đoàn thể tăng cường vận động già làng, người có uy tín. Với sự ủng hộ của già làng, anh đến từng nhà có người ốm, thầy cúng cũng “bó tay”, vì cúng mãi người bệnh không khỏi, thuyết phục gia đình đưa người bệnh đến trạm y tế xã chạy chữa, điều trị đến khi hết bệnh.
Từ những trường hợp cụ thể, Tuấn từng bước gây dựng được niềm tin của bà con vào thầy thuốc. Cho đến nay, người dân không còn tin vào ma rừng, tin thầy cúng chữa bệnh nữa. Không chỉ vậy, bà con còn tích cực tham gia xây dựng nếp sống mới, ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh môi trường.
|
So với việc người dân gọi điện cho cán bộ y tế khi có người đau ốm thì những gian khổ ấy có là gì. Đây là một niềm vui lớn nhất, thành công lớn nhất của cán bộ y tế vùng sâu- Tuấn nói, khi trả lời phỏng vấn trên một tờ báo. Không có một lời nào kể về những việc mình đã làm, đang làm...
May sao, trường hợp bị ngộ độc cũng nhẹ, do uống phải rượu không đảm bảo chất lượng. Sau khi cấp thuốc, dặn dò kỹ lượng, Tuấn lại khoác túi thuốc rời làng trong sự lưu luyến của mọi người. Già làng nắm tay lắc lắc: Hôm nào bác sĩ Tuấn vào chơi, ở lại với dân làng lâu lâu nhé.
Vào làng từ mờ sáng, lúc trở về thì đã xế chiều. Lúc này Tuấn mới có thời gian để ý đến sự khác lạ của con đường quen thuộc. Những cành anh đào núi, mai rừng hôm nào còn khẳng khiu, gầy guộc chợt thức những mầm nụ bẽn lẽn, rồi bừng đám mây hoa, kéo xuân về lưng núi.
Hai bên đường loáng thoáng những vạt cải nở hoa vàng rưng rưng dưới mưa lạnh. Con đường lầy lội những bùn, hằn vết móng trâu bò đi về. Trên những mảnh ruộng nước, bà con bắt đầu cuốc đất sạ lúa, rổn rảng nói cười với từ ruộng nọ sang bờ kia. Tiếng nước rót từ ruộng thang cao xuống tầng thang thấp róc rách, chăm chỉ.
Mưa phùn vẫn dệt trên triền núi xanh thẫm. Vạt mì non nép bên đường run lá đón mưa. Dường như ở núi, mùa Xuân đến sớm và rời đi thật muộn- Tuấn thầm nghĩ, rồi bắt đầu lội qua con suối. Đôi dép mòn vẹt trượt qua những cục đá xám.
Phía sau anh là những nụ cười!
Hồng Lam