Phía sau là cả tương lai con trẻ
Người lớn luôn tự cho mình có lý, luôn làm được những điều mình thích, mình muốn. Nhưng, đã bao giờ người lớn tự hỏi, liệu mình hoàn toàn đúng, liệu mình có ảnh hưởng đến con trẻ và liệu vì mình cuộc đời con trẻ sẽ bước ngoặt sang hướng đi khác?
1. Khi đọc những dòng thông tin một người quen bị bắt giam vì ăn cắp được đăng tải trên các trang báo, tôi chợt bần thần như vừa đánh mất một điều gì đó.
Thông tin cậu bị bắt lần này, nhiều người không lấy làm lạ. Đi đêm lắm có ngày gặp ma - đó là quy luật tất yếu mà cậu phải gánh chịu từ những tắt mắt nho nhỏ… Làm việc sai, việc xấu, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, ai cũng vậy.
Chỉ đáng buồn cho cậu, từng tốt nghiệp đại học chính quy, từng làm trong các cơ quan nhà nước, có năng lực công tác nhưng vì thiếu đi sự chí thú làm ăn mà dần dà trượt dài theo sa ngã.
Chỉ buồn cho cậu vì phía sau còn cả gia đình, còn 2 con nhỏ. Quen biết gia đình cậu đã lâu, biết rõ hoàn cảnh của cậu. Vợ chồng cậu ấy cũng tầm tuổi mình và cả 2 đứa con trai cũng tầm tuổi với 2 đứa con trai của mình.
Sau thông tin đăng tải, mấy hôm rày, khi đưa đón con trai học, tôi lặng lẽ quan sát cậu con trai lớn của cậu ấy đang học lớp 8. Không biết mình có quá nhạy cảm, nhưng nhìn cháu, tôi cứ cảm giác có điều gì đó khiến cháu thiếu đi sự tự tin, có điều gì đó khiến cháu như phải gồng mình lên để chống chọi với những ánh mắt xoi mói.
Thầm nghĩ, cháu mới 14 tuổi đã phải đón nhận thông tin không mấy tốt đẹp từ phía người cha của mình. Người ta vẫn bảo, “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, “Rau nào sâu ấy”, “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, “Cha nào con nấy”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”… Liệu cháu có đủ vững vàng để vượt qua và vượt lên những quan niệm nhằm chỉ sự giống nhau mang tính kế thừa giữa thế hệ trước và thế hệ sau? Cha như thế, làm sao dạy dỗ được con, con nào mấy khá hơn(!?) Vẫn biết cũng có trường hợp “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ sinh con sinh cả tính tình. Vì cha mẹ như thế sẽ không là tấm gương cho con, con cái vì thiếu giáo dục hay vì thụ hưởng sự giáo dục sai lạc mà trở nên thay đổi…
Bâng quơ nghĩ vậy, chỉ thầm mong sao cháu được hồn nhiên đúng như lứa tuổi, vững vàng trước nghịch cảnh. Vẫn biết, con người ta không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, không thể chọn được bố mẹ nên cháu không thể chối bỏ được thực tế; nhưng, không vì thế mà cháu không nỗ lực vươn lên một nếp sống hướng thiện.
2. Anh bạn kể chuyện, anh đã đánh đập và đuổi cậu con trai đang học lớp 9 ra khỏi nhà vì đã vi phạm một số lỗi khá nghiêm trọng: đánh nhau, đi chơi ở lại qua đêm không xin phép… Anh đuổi vậy, cháu sẽ đi đâu? Ở với anh phải ngoan, con hư, anh không nuôi nữa mà đuổi về ở với mẹ…
Chả là, vợ chồng anh chia tay đã lâu. Chị lấy chồng khác, có thêm con nhỏ; còn anh ở vậy một mình nên mấy năm gần đây, khi cháu đã lớn, chuyển sang ở với anh. Bình thường, cháu tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép; nhưng nghe một vài chuyện anh kể, đúng là cháu dần bộc lộ những ương bướng không đáng có.
Tự dưng thấy thương cho cả anh, lẫn cháu. Ở lứa tuổi của cháu, những thay đổi về tâm sinh lý, cháu thích thể hiện bản thân mình, thích có cách nhìn riêng về cuộc sống, về cuộc đời với muôn vàn sắc thái. Trong khi đó, cháu lại thiếu đi một gia đình sum vầy, hạnh phúc, có cả sự dạy bảo của cả cha lẫn mẹ. Nếu cha, mẹ chỉ một chút lơ là, đùn qua đẩy lại trách nhiệm, vô tình dẫn cháu đi sai đường.
Tôi chợt nghĩ, chắc có một khi nào đó, nhìn đám bạn mình đi đủ đầy cha mẹ, tung tăng trên trên con đường quang đãng, cháu cũng tự vấn mình, tại sao mình không cùng lúc nhận được sự quan tâm, chở che của cả cha lẫn mẹ như các bạn?
Tôi liền nói với anh, nhắc nhở và đòn roi khi con trẻ có sai phạm là đúng; nhưng nếu đuổi bỏ cháu ra khỏi nhà, chính là anh đã đẩy cháu ra xa gia đình anh và đến gần hơn với những sai phạm, những lỗi lầm tiếp theo, nếu không nói là nặng hơn. Vì khi nào cũng vậy, gia đình luôn là ảnh hưởng đầu tiên đến nhân cách của trẻ, tiếp sau mới đến xã hội. Xã hội có thay đổi sẽ chỉ gây khó khăn cho việc dạy bảo, còn gia đình vững vàng, có giá trị trong cách giáo dục vẫn giúp trẻ trưởng thành và tự tin trong cuộc sống.
Cuộc sống bon chen lo toan sinh kế khiến cho mỗi người ít có thời gian dành cho gia đình, giá trị truyền thống của gia đình như đạo đức, chung thủy… có vẻ xem nhẹ hơn trước. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình vì thế cũng trở nên gấp gáp hơn, gọn tiện hơn, lỏng lẻo hơn đã vô tình làm lu mờ dần những giềng mối cũ. Vẫn biết cuộc sống, cuộc đời mỗi người lấp lánh sắc màu, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, còn lắm những góc khuất, không có một ai, không có gia đình nào chung mẫu số…, nhưng những câu chuyện bâng quơ lại khiến cho không chỉ riêng tôi bận lòng.
Chợt nghĩ, có lẽ, ý nghĩa của cuộc hành trình trên đường đời nằm đâu đó trong khoảnh khắc ta đang đi qua, không chỉ bước đi cho riêng mình mà mỗi người lớn hãy ngoái lại phía sau, còn là tương lai con trẻ. Chỉ mong rằng, người lớn đừng chỉ mải mê cho riêng mình mà vô tình khiến con trẻ thêm lo lắng, mất đi những niềm vui mà đáng lẽ ra ở lứa tuổi này được thụ hưởng.
Nguyên Phúc