Ơi sóng về đâu!
Ngày còn nhỏ, mỗi lần ngồi bên bờ suối trước nhà, ngâm đôi chân trần trong những con sóng lao xao, nó lại tự hỏi mình rằng, những con sóng ấy đang chảy về đâu? Người già nói, phía sau dãy núi xám đang nhuộm vàng bởi ánh nắng chiều kia là một vùng đất khác, một con sông lớn, và sóng đang chảy về đó.
Rất nhiều lần, nó đã tự hứa sẽ đi về nơi ấy, như những con sóng kia!
Ông nội thường nói với nó, khi 2 ông cháu ngồi trước hiên nhà, có đi mới biết đất quê mình rộng bao nhiêu, nước mình mênh mông cỡ nào. Đứng ở làng thấy trời nhỏ xíu, chỉ thấy núi, thấy cây, mãi rồi bàn chân chỉ quen với gai góc, bụi bờ, đầu óc không nghĩ đến cái mới, rồi không muốn đi đâu nữa, vì trời đất chỉ có bao nhiêu đây thôi mà.
Nó vừa nghe vừa đốt tẩu thuốc cho ông nội, cái hiểu cái không. Ông nó đi bộ đội, đánh Pháp, đánh Mỹ; đi nhiều nơi, Nam - Bắc đủ cả, rồi về huyện làm cán bộ, cho đến khi không còn sức lội suối, leo núi nữa mới được nghỉ.
Vậy cho nên, dân làng luôn tự hào về những người con của làng, những người đã từng được ghi tên vào lịch sử chiến đấu của quê hương, như ông nội nó.
|
Vậy cho nên, dân làng sống đùm bọc, yêu thương nhau, sống sạch, sống thơm. Tình nghĩa với nhau đã đành, còn không tham lam, kiếm đỏ con mắt không ra một vụ mất cắp vặt. Nói như anh cán bộ văn hóa xã lâu lâu xuống nói chuyện với ông, ấy là truyền thống quý lắm.
Ông nội nó thường kể nhiều về những ngày đánh giặc ở làng. Dù đã lâu lắm rồi, nhưng dân làng vẫn nhớ kỹ, nhất là những người già. Làng bị giặc càn bao nhiêu lần, đốt bao nhiêu lần? Bao nhiêu người làng chết vì bom đạn; bao nhiêu gia súc bị giặc cướp? Du kích xã đánh bao nhiêu trận, diệt bao nhiêu địch…?
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4, xã thường tổ chức tọa đàm, cho người đi rước mấy cụ lão thành lên nói chuyện truyền thống, những chuyện mà các cụ cất trong tim, trong máu, buổi sáng nhớ, buổi chiều nhớ, buổi tối cũng nhớ. Ông nội thường dẫn nó đi theo. Nên chuyện của ông, nó cũng thuộc lòng. Nhưng thuộc thì thuộc, nó vẫn thích nghe, như người già thích hơmon vậy.
Nhớ lần đầu, hồi ông mới nghỉ Nhà nước, được xã mời đi nói chuyện truyền thống, ông như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông lục lọi cái tủ gỗ ọp ẹp, lôi mấy cái gùi đựng quần áo ra giữa nhà, xổ tung hết, rồi lầm bầm: Rõ ràng ông cất ở đây, sao bây giờ tìm không thấy.
Nó cũng chạy lại, nghiêng ngó tìm giúp, dù không biết ông tìm gì.
Rồi ông mừng quýnh khi cầm đến cái gối: Thì ra ở đây mà ông tìm cả buổi không thấy. Lúc này nó mới biết ông tìm mấy cái cuống Huân chương. Và buồn cười thay, chính tay ông cất ở dưới gối.
Ngày ông về với Giàng, cả tỉnh, cả huyện, xã về viếng. Vòng hoa xếp dài từ trong nhà ra đến đường làng. Dân làng vắng một người già thường kể chuyện xưa. Mấy chú cán bộ văn hóa, nhà báo, nhà văn tiếc đứt ruột vì không còn “kho sử sống” là ông- người đã sống qua những tháng năm biến động, và nhất là nhớ chi tiết những gì đã xảy ra trên mảnh đất này.
Sau này, chiều về, nó vẫn ngồi ở hiên, nhìn về ngọn Ngók Ngáck xanh thẳm phía xa mà mường tượng rằng, có lẽ giờ này ông đang kể chuyện với đồng đội, với những người làng ở bên nước Giàng. Cho đến cái ngày, nó gói ghém mấy bộ quần áo vào cái túi thổ cẩm đã cũ của ông, đi về hướng dãy núi xanh lam, phía con sóng chảy. Nó đã biết, dòng suối chảy qua làng chảy về sông nhỏ, rồi hòa vào dòng Đăk Bla, trước khi nhập với Sê San hùng vĩ.
Học xong trung học phổ thông ở trường nội trú tỉnh, nó đậu đại học, rồi ra trường, dạy học ở một trường dưới phố.
Những tưởng rằng, nó đã hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống mới, với phố xá, với đèn đường và xe cộ. Ngày giỗ ông, nó tranh thủ về thắp nén nhang rồi vội vã đi, như chạy trốn ánh nhìn buồn rười rượi của mẹ, của dân làng và những đứa trẻ tóc khét nắng.
Rồi nó nhận ra, trong tim nó, trong máu nó vẫn khôn nguôi nỗi nhớ làng, nhó dòng suối nhỏ với những con sóng lao xao, nhớ dãy núi xanh lam và những câu chuyện xưa của ông nội.
Ở thành phố, buổi chiều, nó thường ra bờ sông, ngồi tiễn mặt trời chìm xuống dòng nước và thèm được khỏa đôi chân trần xuống dòng suối quê nhà.
Sâu trong tâm trí nó, luôn có lời giục giã trở về.
Có một ngày nó đưa anh về làng. Anh háo hức đi trên con đường nhỏ chạy men suối, phấn khích khi thấy một chòm nắng quét qua đám ruộng bậc thang, làm vạt lúa xanh rì cũng đổi màu vàng óng. Anh hít hà và vui mừng khi được một chị phụ nữ tặng trái bí đỏ, được cậu bé con chị dúi vào tay trái dưa nước căng mọng.
Nhìn cảnh ấy, nó bỗng dưng nghĩ đến ngày, nó và anh về làng… Anh đã từng hứa sẽ cùng nó đi đến bất cứ đâu.
Nhưng rồi, những vẻ đẹp ấy không thể níu giữ chân anh, và ngược lại, anh muốn nó tiếp tục ở phố thị. “Ở đó, em có công việc đúng với sở trường, có cuộc sống đầy đủ, và nhất là có anh” - anh nói.
Nhưng nó chọn quay về.
Phải chăng sự khao khát khám phá thế giới chung quanh đã không đủ mạnh để thôi thúc nó lên đường? Nó nhớ lại ánh mắt mang ánh nhìn chất vấn của anh.
Không, nó thấy mình đi đủ rồi. Nó muốn về với dân làng, về với những đứa trẻ tóc khét nắng. Trong sâu thẳm tâm hồn, nó luôn thấy mình mắc nợ với vùng đất nghèo này, nơi nó đã sinh ra và lớn lên. Nơi đã nuôi nó học hành từ bí bầu, lúa, bắp và những vết chai sần trên tay cha, vai mẹ.
Như dòng Đăk Bla, nhận nước từ suối nhỏ, ngày ngày miệt mài hướng về biển, nhưng rồi lưu luyến vòng lại, chẳng phải cũng là vì không nỡ xa, chẳng phải vì thương nhớ phố núi đó sao? Sông nước còn vậy, huống chi người?
Ngày nó đặt ba lô xuống dưới sân nhà rông, chìa quyết định phân công về điểm trường làng dạy học, người già lặng lẽ nhìn nó lúc lâu, rồi cười hiền: Con về là tốt rồi. Lũ trẻ cần con, dân làng cần con.
Chiều chiều, sau giờ học, nó và lũ trẻ tóc khét nắng lại ra con suối trước nhà ngồi ngắm hoàng hôn nhuộm vàng rực dãy núi xám. Khỏa đôi chân dưới sóng nước lao xao.
Bây giờ thì nó đã biết sóng về đâu!
Hồng Lam