Ơi chiêng
Dù cuộc sống thay đổi nhiều theo thời gian, nhưng tình yêu chiêng luôn chảy trong dòng máu mỗi người đàn ông Xơ Đăng.
A Tuân sốt sắng nhận lời tham gia chuyến du khảo ở làng Đăk Phia. Đây là chuyến đi cuối cùng để đoàn hoàn tất đề tài khảo cứu về cồng chiêng ở làng đồng bào Xơ Đăng hiện nay.
Không cần nói cũng biết, bạn tôi- là chủ trì đề tài- vui như thế nào. Việc có một thanh niên người Xơ Đăng tham gia chuyến du khảo sẽ đem lại lợi thế lớn trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu, khảo cứu.
Riêng tôi thì biết lý do thực sự. A Tuân cười tủm tỉm, nhìn tôi với ánh mắt láu lỉnh. Đăk Phia là nơi cậu sinh ra và lớn lên. Già làng hiện nay cũng là ông nội của A Tuân.
Phải nói rằng, chỉ sau lần gặp đầu tiên, anh bạn tiến sĩ của tôi đã “mê” chàng thanh niên Xơ Đăng này như “điếu đổ”. Vốn quý đó- anh nói, khi A Tuân say sưa gõ nhịp chiêng trong ngôi nhà sàn nhìn ra sông.
Trong đêm giao lưu đầu tiên, khi tôi đón bạn, A Tuân đã mời mọi người về nhà. Bên bếp lửa, A Tuân cùng bố chơi bài chiêng Đón khách. Nhịp chiêng lúc bổng trầm, lúc réo rắt, khi mơ màng, khi hối hả, giữ chân mọi người lại tới quá nửa đêm.
Với A Tuân, tiếng chiêng đã ngấm vào máu thịt từ ngày còn thơ bé. Trong những ngày lễ hội của làng, chiêng được gióng lên. Rồi những ngày lễ của đời người, khi mừng lúa mới, cúng máng nước, nhịp chiêng cũng ngân vang rộn rã.
Chỉ khi ở bên chiêng, A Tuân mới lộ ra hết nét tài hoa vốn có của người đàn ông Xơ Đăng. Thử hỏi, A Tuân không rành chiêng sao được?
|
Theo hướng dẫn của A Tuân, xe rời đường lớn, len lỏi trên con đường đất dày đặc hoa dã quỳ đang vào mùa đẹp nhất. “Đi đường tắt có gập ghềnh đôi chút, nhưng rất đẹp và nhanh hơn”- A Tuân nói.
Trên đường đi, anh bạn tiến sĩ của tôi và A Tuân say sưa nói về hơmon, về Đăm Duông. Trước đó, anh có hỏi tôi biết gì về sử thi Xơ Đăng, về Đăm Duông? Tớ ấy à, biết được mỗi bài Ru em- tôi nhấm nhẳng. Anh bạn xì một cái rồi quay sang nghe A Tuân nói về Đăm Duông.
Hóa ra, Đăm Duông lại là một “nhân vật lý tưởng” trong sử thi của đồng bào Xơ Đăng. Theo như A Tuân, ngày nhỏ từng được nghe người già kể hàng đêm, đến thuộc lòng.
“Đó là một chàng thanh niên khỏe mạnh, làm việc gì cũng giỏi, từ đan lát, đi săn, làm nhà…, lại cực kỳ gan dạ. Chàng sẵn sàng chống chọi với thú dữ, quỷ thần, đánh bại các đối thủ"- A Tuân kể.
Chỉ khi đến làng mới có thể tách anh bạn và A Tuân ra.
Giữa trưa, gió quất lồng lộng. Bỗng có vút lên tiếng chiêng. Những thanh âm của đại ngàn âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, mang hơi thở của làng.
Tiếng chiêng ấy cất lên từ nhà rông, nơi già A Hiu ngồi. Ông nội em đấy- A Tuân giới thiệu.
Ông nội em à, là một người thạo chiêng- A Tuân từng nói, giọng đầy tự hào. Đã nhiều lần trò chuyện với chàng thanh niên này, tôi nhận ra rằng, chưa bao giờ cậu dùng từ “giỏi chiêng”.
Có lần tôi viết bài về ông nội A Tuân, trong đó có đoạn nói ông là người “giỏi chiêng”. Hôm sau, A Tuân gặp tôi phản ứng: Ông nội chỉ nhận là thạo chiêng thôi, chưa giỏi được đâu.
Làng A Tuân vốn có tiếng giàu chiêng. Nhà A Tuân cũng có, tới 2 bộ. Một bộ có 8 chiếc, để dùng trong những chuyện vui, như mừng nhà rông, ăn lúa mới, đám cưới; một bộ có 11 chiếc, để dùng trong những việc buồn, như ma chay.
Mọi người ngồi làm việc luôn trên sàn nhà rông. Tiếng già A Hliu khàn khàn: Cuộc sống thay đổi nhiều theo thời gian, nhưng tình yêu chiêng luôn chảy trong máu mỗi người đàn ông Xơ Đăng.
Lúc đứa bé sinh ra, được chào đón bởi tiếng chiêng vui mừng, náo nức; đến khi lớn lên, dựng vợ gả chồng, tiếng chiêng thủ thỉ nhắc nhở yêu thương bền chặt, thuỷ chung. Khi về với Giàng, lại được tiễn biệt bằng nhịp chiêng khóc thương.
Chiêng cũng có hồn, khi ta vui, chiêng rộn rã, âm vang; khi ta buồn, chiêng nỉ non, an ủi; khi ta mệt, chiêng tha thiết, vuốt ve. Nên chơi chiêng là phải bằng tim mình, phải nối được với hồn chiêng, nếu không, cũng chỉ lã gõ chiêng mà thôi.
Trong khi già A Hliu giảng giải về kỹ thuật chơi chiêng, thỉnh thoảng diễn tấu một đoạn trong bài chiêng cổ, hoặc hát một giai điệu thành lời, thì anh bạn tôi ghi âm, hí húi ghi những mẫu ghi chú, đính vào sổ; viết lời, ký âm vào giấy. Đến cuối ngày, sẽ nghe băng và đối chiếu với bản ký âm.
Gió Đông Bắc không ngừng thổi về từ phía cánh rừng cao su. Ngồi bên cạnh, A Tuân đang chăm chú dõi theo từng động tác của ông nội. Nhìn nghiêng, khuôn mặt cậu rắn rỏi như tạc bằng đá.
Tiếng chiêng vẫn du dương, réo rắt dội vào vách nhà rông, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía núi rừng.
Trong hơi lạnh đầu đông, tôi thoáng nghe tiếng già A Hliu trầm đục, như vọng về từ đại ngàn: Ơi chiêng! Chiêng là máu thịt, là niềm vui, nỗi buồn của dân làng.
HỒNG LAM