Nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Nhiều hộ dân tại tổ dân phố 4, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum chăn nuôi heo tại khu dân cư nhưng không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Thực trạng trên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, khiến người dân trong khu phố bức xúc.
Tổ dân phố 4, phường Lê Lợi có 50 hộ dân, trong đó có 10 hộ chăn nuôi heo. Đa số các hộ nuôi từ 5-10 con heo nhưng cũng có hộ nuôi đến 300 con heo. “Qua rà soát mới có 2 hộ xây hầm biogas, các hộ còn lại đa số đào hầm rút hoặc dội rửa ra bên ngoài nên gây mùi hôi” - ông Nguyễn Văn Ba - Tổ trưởng tổ dân phố 4 cho biết.
Chăn nuôi tại khu dân cư, xả thải ra môi trường đã gây tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh. Chị V.T.T, một hộ dân trong tổ bức xúc: Đóng kín cửa nhưng mùi phân heo vẫn xộc thẳng vô nhà. Mỗi lần ăn cơm, đi ngủ, tôi đều xịt nước hoa khắp nhà nhưng vẫn không át được mùi hôi thối. Ngửi mùi hôi khiến con tôi đau ốm, ho hen liên tục còn gia đình không dám mời khách đến nhà chơi.
|
Cũng là một trong những hộ chăn nuôi heo (nuôi 1 con heo – PV) nhưng cô N.T.T vẫn bức xúc trước mùi hôi ở các cơ sở chăn nuôi khác trong tổ gây ra. Cô T nói rằng, sáng khoảng 7-8h, chiều khoảng 3-4h, nhiều hộ gia đình bắt đầu dội chuồng heo rồi xả nước thải ra ngoài môi trường.
“Nhiều lúc thối quá, tôi dùng tấm ni lông che một bên ống xả lại để khỏi xộc vô nhà. Lúc nào tôi cũng đóng kín cửa nhưng vẫn thối lắm. Năm ngoái mẹ tôi từ quê vô chơi, dưỡng bệnh nhưng vì thối quá, không chịu được nên lại phải về quê”- cô T ngao ngán.
Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân thường xuyên phản ánh với tổ dân phố, với phường cũng như ý kiến tại các đợt tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, ông Rông A Ba Ruk – Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi xác nhận thực trạng trên đã diễn ra vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, qua nhiều lần người dân ý kiến, kiến nghị, phường đã xuống làm việc và 2 hộ chăn nuôi nhiều nhất đã tiến hành làm hầm biogas.
“Đã nhiều lần chính quyền mời các hộ chăn nuôi lên làm việc, thậm chí nhắc nhở nếu tái phạm sẽ xử phạt hành chính nhưng người dân vẫn chưa thực hiện bởi chăn nuôi heo là nguồn thu nhập chính của cả gia đình” – ông Ruk nói.
Như hộ gia đình ông Phạm Bá Tơn, khi nuôi 300 con heo, gia đình ông đã cố gắng xây hầm biogas nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc. “Đàn heo là miếng cơm, manh áo của gia đình tôi, nếu chính quyền quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư đô thị thì tôi sẵn sàng di dời” - ông Tơn, hộ chăn nuôi heo ở tổ dân phố 4 nói.
Qua nhiều lần tiếp nhận đơn kiến nghị về các điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong địa phận dân cư tập trung của thành phố, ông Phan Bính - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố Kon Tum cho biết: Phòng Tài nguyên – Môi trường đã nhiều lần đề nghị UBND thành phố Kon Tum sớm quy hoạch khu chăn nuôi, giết mổ tập trung. Nếu có, Phòng sẽ phối hợp với chính quyền di dời các chủ cơ sở, hộ gia đình hoạt động gây ô nhiễm môi trường đến hoạt động tại vị trí tập trung để thuận tiện công tác quản lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực dân cư.
“Đồng thời, Phòng đã có văn bản đề nghị các cơ sở, hộ gia đình hiện tại đang chăn nuôi tự phát ngừng xả thải trực tiếp vào môi trường. Chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, hạn chế số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm để tránh ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Nếu không chấp hành sẽ xử lý vi phạm hành chính.” - ông Bính nói.
Không riêng gì tổ dân phố 4, phường Lê Lợi, hiện nay hầu như các phường trên địa bàn thành phố đều tồn tại các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư. Thiết nghĩ, thành phố cần sớm có khu giết mổ, chăn nuôi tập trung để tránh những bức xúc vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường.
Bình An - Phạm Điệp