Nước mắt chảy xuôi
Trong văng vẳng tiếng chuông chùa mùa Vu lan từ xa vọng lại, lắng nghe lời hát thấm đẫm tình mẫu tử trong bài “Nhật ký của mẹ” cùng minh họa tranh cát sống động: “Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa mẹ. Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng. Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng mẹ chợt nhớ con vô bờ. Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời”, khiến mẹ - cũng là một người mẹ - rưng rưng.
Không rưng rưng sao được khi nào riêng người mẹ trong bài hát kia, mẹ và bao nhiêu người mẹ khác đều vậy cả. Mỗi ngày của con là mỗi trang nhật ký của mẹ, suốt cả cuộc đời mãi dõi theo con. Chẳng phải mẹ đã bần thần suốt nhiều ngày liền khi lần đầu tiên con trai biền biệt xa nhà khăn gói lên phố lớn trọ học. Cứ nghĩ những bữa cơm qua ngày thiếu đi sự chăm chút của đôi bàn tay mẹ. Cứ nghĩ con trai bé nhỏ quê mùa, ngơ ngác đi giữa đất trời mênh mang, phố xá rộng lớn mà lòng mẹ như có sóng xa gợn về.
Chỉ nghĩ đến đó thôi, nỗi nhớ trào dâng. Mẹ vội lục tìm những tấm ảnh ngày con thơ bé, lại hiển hiện ngày đó, tháng đó, năm đó, cả nhà mình đủ đầy, các con ríu rít thơ ngây. Khi con mới hình thành, mẹ 9 tháng 10 ngày mỏi mòn ngóng đợi. Ngày con chào đời, cả nhà rộn ràng tiếng cười vui đón chào thiên thần bé nhỏ. Con còn nhỏ, mẹ bận rộn với lịch trình hết cho con bú mớm, cho con ăn, con uống, lại đến thay tã, giặt giũ mà dường như quên cả bản thân mình. Nghe con hắt hơi, sổ mũi, mẹ cuống cuồng lo. Con sốt bao nhiêu ngày là bấy nhiêu đêm mẹ không chợp mắt. Con lớn lên một chút, mẹ làm người thầy đầu tiên dạy con bi bô o, a… từng chữ, từng vần.
|
Xong chừng ấy việc, mẹ nào hết nỗi lo. Cuộc sống hiện đại với bao nhiêu cạm bẫy: Game chực chờ, ham chơi, lười học, tai nạn thương tích…, đủ cả. Đến ngày con lớn, đủ sức đi xa, mẹ từ quê nhà xa xôi ngày ngày canh cánh về con với muôn ngàn nỗi lo, muôn ngàn nỗi nhớ. Nghe con ốm, lo. Gọi điện, nhắn tin mãi con chưa trả lời, cũng lo.
Mà ngẫm tới ngẫm lui, chẳng phải hôm nay, còn nhiều, nhiều năm sau nữa, dẫu con có lớn bao nhiêu, nỗi lòng người mẹ sẽ trọn đời canh cánh. Con buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc cũng là nỗi buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc của mẹ.
Còn con, bao lo toan của mưu sinh sẽ cuốn con đi trong hối hả. Mỗi ngày cứ thế mà trôi qua, chưa bao giờ dừng lại. Quê hương xa ngái, cha mẹ xa ngái, muốn bày tỏ tấm lòng cũng chỉ là những hoài niệm và chút điện thoại thăm hỏi thường ngày.
Từ con, mẹ lại nghĩ về ngoại. Cuộc sống ngày càng tiện nghi, đủ đầy hơn, cách chăm chút, sẻ chia của mẹ, người mẹ hôm nay cũng khác với ngoại, người mẹ của mẹ mấy chục năm trước. Nhưng, con ạ, dẫu thời gian có trôi đi, vật có đổi sao có dời, nỗi lòng của người mẹ muôn đời vẫn thế, vẫn mãi là những giọt nước mắt chảy xuôi. Ngày mẹ còn nhỏ, ngoại tảo tần sớm hôm để cho chị em mẹ được cặm cụi với sách vở, bút mực. Mái tóc bạc ấy, những nếp chân chim trên khóe mắt, nốt sần sùi, đồi mồi trên đôi bàn tay gầy guộc ấy đâu chỉ có bước đi của vòng đời sinh lão mà chất chứa cả những nỗi buồn khi cuộc sống của chị em mẹ còn trắc trở, chưa trọn vẹn, như ý.
Giờ đây, dẫu mẹ cũng đã là mẹ của hai con, tóc cũng đã bạc, mắt cũng đã mờ nhưng ngoại vẫn canh cánh những lo toan. Vẫn chất chồng những dặn dò muôn thuở. Vẫn trọn một đời dõi theo hình bóng mẹ. Chỉ cần nghe mẹ đi công tác về muộn, lo; nghe mẹ ốm, lo; ba mẹ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, cũng lo.
Kể ra lắm khi cũng buồn, vì nước mắt chảy xuôi chẳng chảy ngược bao giờ. Nhưng làm mẹ, làm cha nuôi con chẳng quản chi thân, có bao giờ đòi hỏi. Mẹ nhớ câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thủy tuyệt đối. Khi mất mẹ rồi thì bạn hãy tin chắc rằng không thể ở nơi nào có một lòng chung thủy tương tự như vậy nữa, bởi đối với mẹ, bạn là mục đích đầu tiên và sau cùng”.
Lúc nào cũng vậy, chẳng riêng mùa Vu lan, tình nghĩa mẹ - đạo hiếu con vẫn mãi là bông hoa đỏ thắm phập phồng sâu thẳm nơi trái tim. Nên mẹ tự nhủ lòng, mải mê bươn chải kiếm tiền, lúc đầu lo miếng cơm manh áo, sau lo nhà cửa tiện nghi, lo gia đình yên ấm, lo nuôi dưỡng, chăm chút cho các con như ngoại đã từng làm cho mẹ cũng là một cách hiếu lễ. Chỉ mong ngày con lớn khôn, “bước chân vững vàng”, sẽ thấu hiểu mà tiếp tục cuộc hành trình nước mắt chảy xuôi để làm được những điều như cha mẹ đã làm cho con.
Nguyên Phúc