Nông sản “tắc” đầu ra và điệp khúc “giải cứu”
Gần tết, tại tỉnh ta và nhiều địa phương trong cả nước, không ít loại nông sản lại rơi vào tình cảnh “bí” đầu ra. Thế là, những cuộc “giải cứu”, kêu gọi người dân ủng hộ lại diễn ra. Nông sản ùn ứ, tắc đầu ra, được mùa rớt giá... là chuyện không mới, nhưng vẫn khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa những thông tin về tình trạng hàng nghìn xe hàng chở thanh long, xoài, mít, chanh leo…bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vì không thể thông quan. Nhiều xe hàng phải quay đầu về kêu gọi người dân “giải cứu”. Dĩ nhiên, doanh nghiệp, người dân nhiều nơi vẫn chung tay “giải cứu” bằng tấm lòng sẻ chia và cảm thông.
Nhưng, điều đáng nói là khi xuất khẩu khó khăn, thương lái bỏ mối đã khiến giá cả nhiều mặt hàng nông sản rơi xuống mức thấp, không thể tiêu thụ được. Việc “giải cứu” chỉ là biện pháp tình thế để nông dân vớt vát lại chút vốn liếng chứ không thể giúp người dân tránh được thua lỗ hay đảm bảo có lãi.
Tại tỉnh ta, thời điểm này, những người trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô cũng đang buồn rầu khi dưa đã đến kỳ thu hoạch, nhưng chờ mỏi mắt vẫn không thấy thương lái tới thu mua hoặc có bán được cũng “rẻ như cho”. Đi qua nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng ta không khó để bắt gặp thương lái đổ dưa ra ngay vệ đường, vỉa hè để bán với giá khá rẻ. Vậy là, sau nhiều tháng vất vả trồng, chăm sóc, ngóng trông, họ lại đang đứng trước nguy cơ trắng tay vụ dưa Tết.
|
Trước đó, trong vụ thu hoạch gừng cuối năm 2021, giá gừng cũng giảm sâu, chỉ còn khoảng 7.000 đồng-8.000 đồng/kg, thương lái hạn chế thu mua cũng khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh điêu đứng.
“Tắc” đầu ra và câu chuyện “được mùa, mất giá” và điệp khúc “giải cứu” không riêng với quả dưa hấu hay củ gừng, cũng không phải năm nay mới xảy ra. Thực trạng này đã diễn ra đối với nhiều mặt hàng nông sản và trong nhiều năm qua với tần suất ngày càng dày. Người nông dân luôn yếu thế mỗi khi xảy ra những biến động từ thị trường.
Thực tế, trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta, những cây trồng chủ lực, có quy hoạch, định hướng cụ thể như mì, cao su, cà phê, mía... thì đầu ra và giá cả tương đối ổn định. Tuy nhiên, nhiều loại cây trồng mà nông dân trồng tự phát, manh mún và không được khuyến khích luôn bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Song, nhiều nông dân vẫn trồng theo phong trào hoặc thấy vụ trước làm được vụ sau lại trồng, nhất là những loại cây trồng, sản phẩm mang tính mùa vụ như dưa hấu, bí đỏ... Để rồi, khi hàng hóa hiếm thì giá tăng, khi thừa thì xuống giá, thậm chí không biết bán cho ai. Nông dân đánh cược với ruộng đồng, mùa vụ, chấp nhận may rủi kiểu “được ăn cả, ngã về không”.
Điều này đặt ra câu hỏi về vấn đề tiêu thụ nông sản bền vững trong tình hình mới. Thời gian gần đây, những mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp với bà con nông dân đã xuất hiện và có những chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã tiếp cận với bà con nông dân ngay từ khâu tổ chức sản xuất để chất lượng nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Lẽ tất nhiên, các sản phẩm này luôn đảm bảo làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó với mức giá ổn định. Thế nhưng, hình thức này lại chưa nhiều và chưa được nhân rộng.
Liên kết được xem là hướng đi phù hợp và là xu hướng tất yếu đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay, mang lại lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp. Thế nhưng, những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tư duy sản xuất manh mún của người dân đang là rào cản khiến các chuỗi liên kết sản xuất nông sản gặp khó. Ngoài ra, vấn đề niềm tin và chữ tín giữa người sản xuất và đơn vị kinh doanh còn lỏng lẻo khiến cả 2 bên vẫn còn e dè, ngần ngại khi xây dựng các mối liên kết.
Có thể nói, để sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân thì không thể cứ mãi sản xuất theo kiểu trào lưu, mạnh ai nấy làm để rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”, “tắc” đầu ra. Khi đó, “giải cứu” vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm” mỗi khi thị trường có biến động. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, định hướng sản xuất từ manh mún, tự phát sang liên kết chuỗi là điều cần làm. Dẫu biết rằng con đường này còn nhiều khó khăn và không thể thành công ngay trong “một sớm, một chiều”.
Thiên Hương