Nồng nàn tháng Giêng
Thế rồi Tết cũng qua. Những ngày đầu tháng Giêng, cũng là đầu Xuân, đầu năm mới nhẹ nhàng trôi qua trong mơ màng của đất trời và phơi phới của lòng người.
Những ngày đầu tiên của tháng Giêng, hay còn gọi là Tết, người ta vẫn còn đang mơ màng, ngất ngây khi nàng Xuân gõ cửa nên vẫn chưa kịp nhận ra, có điều gì đó thật lạ lẫm, xôn xao, man mác, rưng rưng trong gió, trong nắng, trong ngày, trong đêm của tháng Giêng.
Chỉ đến khi chậu mai đang rưng rức bông vàng bỗng ló lên những mắt lá phơn phớt tím, ngơ ngác nhìn, thì mới nôn nao mà kêu lên: Ơ, vậy là ra Giêng rồi.
Hóa ra là vậy. Tháng Chạp và tháng Giêng, dù chỉ cách nhau có khoảnh khoắc giao thừa, nhưng lại đem đến cho người cảm giác của 2 năm, sự đối lập về tâm thái của con người.
Tháng Chạp ấy à, người ta gọi là tháng của vội vàng, của tất bật chuẩn bị cho sự kết thúc viên mãn.
Ngày tháng Chạp dường như ngắn lắm, “không đủ để làm việc”- dường như ai cũng than như vậy. Vì ngắn nên vội, và vì vội nên hóa ra ngày càng thêm… ngắn.
|
Có nhà văn đã viết thế này: Tháng Chạp, ngày ngắn và đêm cũng ngắn. Giấc ngủ tháng Chạp thường không tròn, hay bị cắt ngang bởi những tính toán, lo toan chợt ùa đến lúc nửa đêm. Bao nhiêu chuyện phải lo còn chưa xong thì đã Tết rồi.
Trong tâm thức người Việt, cái kết của một năm luôn phải gọn gàng, sạch sẽ, chỉn chu thì mới yên tâm được. Tháng Chạp là khoảng thời gian nước rút để hoàn tất mọi chuyện dây dưa. Nên mới tất bật, mới vội vàng.
Còn tháng Giêng, là tháng của mơ màng, của đủng đỉnh, của mật ngọt và hoa thơm, của tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã thốt lên rằng “tháng Giêng ngon như cặp môi gần”. Ngày xưa, ông bà nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là vậy. Dù ngày nay, tháng Giêng không “ăn chơi” nữa, nhưng cũng không có tâm thái tất bật.
Tôi yêu tháng Giêng, bởi khi phút giao thừa lặng lẽ trôi qua, cũng là lúc đất trời vào Xuân, vào tháng Giêng, vào một năm mới. Và tháng Giêng thường mang lại cho con người ta cảm giác khởi đầu đáng trân trọng.
Những ngày đầu Giêng thật lạ. Lúc này, Tết đã qua nhưng không khí Tết chưa hết hẳn. Bên những cây mai đã vươn lá non phơn phớt tím vẫn còn không ít cây treo mấy tầng hoa vàng rực đón nắng. Tiết trời cũng đẹp hơn. Nắng vàng nhưng không quá gắt, làm cho nền trời xanh và cao vời vợi.
Trưa và chiều có nóng, nhưng không nóng quá. Tối đến thì mát mẻ, đêm xuống hơi se se lạnh, đủ để cô gái khoác hờ một chiếc áo gió mỏng manh lên vai, cùng người yêu dạo phố. Thỉnh thoảng lại nũng nịu trách anh chàng mới đi một chút mà đã than mỏi chân.
Đêm dịu dàng với gió nhẹ, tuy thỉnh thoảng có mây kéo ngang trời, nhưng nhanh thôi lại thấy rõ từng vì sao nhấp nháy. Về khuya, sương có rơi, nhưng không dày như tháng Chạp, chỉ phảng phất, tình tứ và nên thơ, dễ khiến người ta nảy thi tứ mà ngâm ngợi đôi câu.
Nếu là nhà ở vùng ven thì không còn gì thích bằng lúc sáng dậy, được nằm bên cửa sổ, nhìn ra ngoài cánh đồng, ngắm trà lúa đông xuân không còn vàng vọt, khẳng khiu như ngày cuối Đông mà mướt xanh, thoảng một mùi hương man mác.
Rồi phía đỉnh núi, bắt đầu có những vệt xanh tươi hiện ở trên trời. Bình minh lên, trên nền trời trong veo bắt đầu có những làn sáng hồng hồng hình rẻ quạt.
Hãy ghé vào một làng nào đó để cảm nhận rõ hơn hơi thở của tháng Giêng. Ở thành phố Kon Tum thì làng gần thôi, ở ngay trong phố, những Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… Chỉ cần ngoặt vào bất cứ một con đường nhỏ nào đó là ta đã hòa mình vào đời sống của người dân chất phác.
Dù cây nêu dựng ở nhà rông trước Tết đã hạ xuống, nhưng mùa Xuân vẫn kéo dài theo tiếng cười trong trẻo của cô thôn nữ. Dường như ở làng, mùa Xuân đến sớm và rời đi thật muộn. Bởi những cành anh đào núi, mai rừng vẫn còn khoe những mầm nụ bẽn lẽn.
Trong lúc rong ruổi ấy, thể nào cũng được nhà nào đó mời thưởng thức một bữa cơm thường. Ấy là lúc thịt mỡ, bánh chưng đã ngán, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị, có cà đắng, bắp chuối nấu cá suối, đọt mây luộc chấm muối tiêu rừng, hay bát canh lá mì chua.
Ngon đến không thể ngon hơn.
Dưới sàn nhà, hoặc trước hiên, nơi có bóng me che mát, người ta còn ngồi nhắc lại chuyện Tết với nhau. Rồi câu chuyện rẽ ngang sang việc ruộng, việc rẫy, việc học hành của con em khi nào không hay. Những dự định mới về trồng rừng, trồng cây ăn quả, tham gia tổ hợp tác trồng rau, trồng nấm, trồng sa nhân sẽ cuốn hút người ta đến đêm khuya.
Và cũng từ câu chuyện bên hiên nhà ấy, có thể thấy rõ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách chơi xuân của bà con nông dân. Họ ra đồng chăm bẵm cây trồng từ khi hương vị Tết vẫn còn níu kéo trong nhà. Người trồng cà phê nô nức rủ nhau kéo máy, rải ống bước vào mùa tưới; người trồng cao su đi dọn thực bì phòng cháy; người trồng lúa đi lấy nước, bón phân, làm cỏ..., trong lòng chộn rộn hi vọng một vụ mùa thắng lợi.
Đó, ai nói tháng Giêng là “tháng ăn chơi” nữa?
Ngày 8 tháng Giêng, xóm tôi cũng tổ chức ra quân nạo vét mương thoát nước, phát cỏ, dọn rác… Khi tôi vừa dừng xe trước cổng, chị trưởng thôn đã dúi vào tay cái cuốc, băm bổ: “Này cậu, sao còn lơ ngơ đứng ở đó? Cuốc đây, xắn tay áo vào làm đi”. Mọi người cười xòa. Không khí náo nức mà hòa hợp.
Từ tháng Giêng tần tảo này, những mầm non đang tí tách vươn lêntrong tiết Xuân. Dịu êm mà nồng nàn.
HỒNG LAM