Nỗi lo từ chiếc cần cẩu thi công công trình Vietinbank Kon Tum
Nơm lớp lo sợ mỗi khi đi qua những công trình cao tầng, thậm chí có người vì quá sợ đã không dám đi qua những công trình cao tầng đang xây dựng, nhất là trên đó có chiếc cần cẩu treo lơ lửng… Đó là tâm trạng của không ít người dân thành phố Kon Tum khi đi dưới chiếc cần cẩu ngay đầu đường Nguyễn Huệ.
Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh và những tâm sự bày tỏ nỗi lo sợ mỗi khi đi dưới chiếc cần cẩu đang thi công công trình cao tầng tòa nhà của Ngân hàng Công thương (Vietinbank) Kon Tum ở đầu đường Nguyễn Huệ (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum).
Chị Nga (ở phường Lê Lợi) cho biết: Mấy năm nay, từ khi chiếc cần cẩu được đơn vị đưa vào sử dụng, mỗi lần đi qua đoạn đường này tôi luôn cảm thấy bất an vì ngay trên đầu tấm bê tông ở đầu cần cẩu có thể rơi bất cứ lúc nào. Vì thế, mỗi lần đi qua, tôi luôn nhìn, chọn chỗ đi khác né xa tấm bê tông lơ lửng trên cao rồi đi thật nhanh. Nhưng nói thật tôi vẫn thấy sợ mỗi lần đi qua đây.
|
Chị Sâm cũng ở phường Lê Lợi, cho biết: Tôi đã nghe nhiều về sự cố sập cần cẩu, nên cả năm nay tôi không dám đi qua đường Nguyễn Huệ. Mỗi lần từ nhà đi làm tôi thường rẽ ngay đường Bạch Đằng đi lên đường Trần Phú. Khi về tôi cũng đi đường Bạch Đằng rồi vòng qua bùng binh cho an toàn. Bởi nếu đang đi mà cần cẩu gãy hoặc cục bê tông rớt xuống thì nguy hiểm đến tính mạng…
“Thà mình chịu khó đi xa, đi vòng một chút, chứ đi đường mà cứ nơm lớp lo chiếc cần cẩu lơ lửng ngay trên đầu có thể rơi, gãy vừa nguy hiểm cho tính mạng, vừa không đảm bảo an toàn giao thông…”- chị Sâm nói.
Với những người dân đi đường còn đỡ, những hộ sống bên ven đường còn lo lắng hơn gấp bội. Anh Long - nhà ngay đường Nguyễn Huệ đoạn gần nơi có chiếc cần cẩu tâm sự: Nhà tôi ở đây nên cũng lo lắm, thậm chí đêm ngủ không yên, cứ nghĩ đến là sợ nhưng biết làm sao được. Đành để mặc số phận thôi.
Theo người dân sống bên đường Nguyễn Huệ, cho dù chưa xảy ra sự cố gì, nhưng việc đơn vị thi công trong quá trình sử dụng cần cẩu không hề có người cảnh giới, điều khiển hay đặt biển cảnh báo từ xa cho người đi đường biết cần cẩu đang hoạt động để tránh xa, đề phòng bất trắc.
“Tôi chứng kiến nhiều lần rồi, khi cần cẩu hoạt động, phần đuôi cần cẩu lắp bê tông đối trọng nặng cả chục tấn treo lơ lửng ngoài đường, tay cẩu liên tục đưa ra phía ngoài phạm vi xây dựng mà không có cảnh báo hay công nhân canh gác, điều này rất nguy hiểm. Ấy vậy mà không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý” - một người dân cho biết.
Với tôi cũng là người thường xuyên đi qua đoạn đường này cũng có cùng nỗi lo với người dân. Mỗi lần đi qua cứ phải ngước cổ lên nhìn cần cẩu rồi phóng thật nhanh. Điều đáng nói, đoạn đường Nguyễn Huệ là một trong những đường có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất khó lường…
Theo quy định, trước khi cẩu tháp được đưa vào hoạt động, các đơn vị phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Cẩu tháp chỉ được phép hoạt động trong hàng rào công trình, nếu vượt ra ngoài là vi phạm do không đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư và đường giao thông. Trong quá trình thi công, phải đặt biển báo và phải có người cảnh giới…
Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi thấy chiếc cần cẩu này thỉnh thoảng hoạt động, đầu và đuôi cần cẩu thỉnh thoảng chĩa ra đường, lơ lửng trên cao, tạo cho người đi đường luôn có cảm giác lo sợ. Điều đáng nói, đơn vị thi công cũng không đặt biển báo, không cho người cảnh giới.
Trước thực trạng đó, nhiều người dân đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở nhà thầu thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người đi đường và người dân xung quanh khi cần cẩu hoạt động…
Văn Phương