Nồi khoai của mẹ
Chắc hẳn ai cũng có tuổi thơ đong đầy kỷ niệm. Với tôi, nồi khoai của mẹ là cả một trời thương nhớ, nhất là mỗi khi không khí lạnh của mùa đông tràn về.
Nhớ những sáng mờ sương, lạnh buốt thịt da, mẹ đã thức dậy từ lúc nào. Bên góc bếp, mẹ nhóm lửa nấu nước, nấu khoai chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Tôi thường dậy sớm cùng mẹ ra ngồi hơ tay trên bếp lửa sưởi ấm. Chiếc nồi đất bên trên có dằn thêm mấy chiếc lá chuối cong queo vì hơi lửa sực nức mùi thơm. Mẹ bảo, nấu khoai gì cũng vậy, nếu có dằn thêm chiếc lá chuối bên trên sẽ giữ được hơi ấm để khoai luộc thơm ngon hơn. Có hôm nấu khoai mì, chờ đến khi nồi khoai vừa rút hết nước, từng củ khoai bắt đầu nứt ra, mẹ cắt mấy cọng lá dứa trồng ở vườn nhà cho vào nồi, đậy kín nắp trước khi nhấc xuống vần bên bếp lửa chờ cả nhà thức dậy để cùng quây quần thưởng thức.
Nhà nghèo, bữa sáng thường là khoai. Khi ngán khoai lang thì được mẹ đổi sang nấu khoai mì. Hôm nào cuối tuần, mấy chị em được nghỉ học, mẹ lại nấu bữa cơm sáng ăn với muối đậu, muối mè. Nhưng rồi trước khi đi làm, mẹ cũng không quên vần nồi khoai bên bếp để chị em tôi ở nhà lúc nào đói có cái để ăn.
Để có khoai nấu, mẹ dành trọn diện tích đất quanh vườn nhà để trồng; phía trước mẹ trồng khoai lang, phía sau mẹ trồng khoai mì. Để khoai lang cho nhiều củ, củ to, trước khi trồng, ba và mẹ thường dành rất nhiều thời gian làm đất, vun luống. Mẹ nói, phải vun luống thật to, bên trong phải độn rất nhiều cây xanh (thân mềm) được cắt quanh bờ rào để vừa tạo phân xanh, vừa khiến đất tơi xốp thì dây lang mới cho nhiều củ được. Mà cũng đúng thật, ngày ấy, làm gì có tiền để mua phân bón, người trồng khoai ở quê đa phần đều làm theo cách này mà rất là hiệu quả. Chừng 4 tháng khoai lang đã có thể cho thu hoạch; kết hợp với chất đất thịt pha cát nên khoai cho củ rất to, củ nào củ nấy cứ tròn trùng trục. Khoai luộc chín rất bùi, thơm nức mũi.
|
Có mùa, khoai lang cho nhiều củ, ăn không hết, mẹ thường luộc một ít mang ra giã, phơi khô (ở quê gọi là củ chà) hoặc xắt lát mỏng phơi khô (ở quê gọi là củ trụng). Củ chà, củ trụng như một thứ lương thực để phòng khi mùa khoai hết mẹ lại mang những thứ ấy ra nấu lên, trộn thêm ít đường nữa là thành món ăn tuyệt vời mà có lẽ ai là dân “xứ nẫu” cũng đều biết đến.
Cũng nồi khoai của mẹ đã nuôi mấy chị em tôi lớn lên.
Nghĩ cũng lạ, thời nhỏ đã ăn nhiều khoai đến thế nhưng bây giờ tôi vẫn không thấy ngán. Ngược lại, mỗi khi không khí lạnh tràn về, lòng lại thấy nhớ thương vô cùng nồi khoai của mẹ.
Còn với mẹ tôi, dù cuộc sống có thay đổi nhưng khoai lang, khoai mì vẫn luôn là món ăn yêu thích của mẹ. Mẹ nói: “Có những món ăn không phải là cao lương mỹ vị nhưng cảm thấy rất ngon, ăn hoài không ngán”. Ẩn sâu trong câu nói ấy, tôi hiểu mẹ không bao giờ muốn quên những ngày tháng gian khó, nhờ có khoai mà mẹ đã có thể nuôi các con của mình.
Có lẽ vì vậy mà bây giờ mỗi khi con, cháu về quê, dù bữa sáng cho cả nhà đã sẵn sàng, nhưng mẹ vẫn nấu kèm nồi khoai. Ngày xưa, ăn khoai là món chính, bây giờ khoai được xem là món phụ nhưng món phụ của mẹ nấu ra lần nào cũng được con cháu thưởng thức rất ngon lành. Nhớ dịp tết đến, sáng sớm, trời rất lạnh, mấy đứa cháu thấy bà ngoại ngồi nấu khoai bên bếp lửa, chúng cũng chạy ra ngồi bên bà hơ tay cho ấm và chực chờ nồi khoai chín như hồi mấy chị em tôi ngày nhỏ vậy.
Biết mẹ sắp lên thăm, tôi không quên ra chợ mua ký khoai lang về rửa sạch định bụng sáng hôm sau tự tay mình luộc cho mẹ món ăn yêu thích như mẹ vẫn hay làm. Ấy vậy mà, sáng ra, khi còn đang nằm trong chăn ấm, tôi đã nghe mùi khoai thơm nức lan tỏa khắp căn phòng. Tung chiếc chăn bật ra khỏi giường, chạy xuống gian bếp: “Ôi, mẹ đã nấu khoai rồi sao?”. Gần 20 năm sống xa nhà, ở nơi xa mà được thưởng thức nồi khoai do chính tay mẹ nấu như thế này khiến tôi dâng trào cảm xúc. Ký ức tuổi thơ cùng biết bao kỷ niệm ngày xưa lại ùa về. Ngồi ăn những củ khoai mẹ nấu ngon đến không thể nào diễn tả được...
Sáng nay, trời trở lạnh hơn mọi ngày. Dậy đi làm, ghé vào quán ăn sáng, tôi ước gì bây giờ lại được thưởng thức nồi khoai của mẹ.
Tú Quyên