Nỗi đau dai dẳng
Xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả nặng nề, đè nặng trên tâm lý, cuộc sống của trẻ. Thế nhưng tình trạng này ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Đáng buồn hơn, đa số các vụ việc, đối tượng thực hiện hành vi là người thân, người quen trong gia đình.
Chiều muộn, chị bạn gọi điện với giọng gấp gáp, kể và kêu gọi ủng hộ quần áo, bỉm, sữa… cho một mẹ trẻ ở phường Trường Chinh đang gặp nhiều khó khăn. Từ lúc nghe câu chuyện của người mẹ trẻ ấy, nghĩ về nỗi đau, nghĩ về tương lai mờ mịt của hai mẹ con vô tội, tôi không sao nuốt nổi bát cơm đang cầm trên tay.
Cô bé đang ở tuổi đẹp nhất của thanh xuân lại phải sinh con. Nghiệt ngã hơn, đứa bé vô tội ấy lại là con của chính người cha ruột. Bị cha hiếp dâm nhiều lần, thế nhưng vì chưa hiểu chuyện, vì sợ, em không dám nói với ai, đến khi bụng to vượt mặt, cả nhà mới vỡ lở.
Còn nỗi đau nào hơn khi bị chính người sinh ra mình hiếp dâm và phải sinh ra đứa con không mong muốn? Chắc chắn rằng em đã khóc rất nhiều. Khóc vì tuổi thơ bị vấy bẩn; khóc vì tương lai phút chốc bị dập vùi. Tôi không biết em sẽ phải mạnh mẽ như thế nào để vượt qua nỗi đau về tinh thần, thể xác đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Rồi sẽ phải kiên cường ra sao để lo cho con thơ thiếu thốn đủ bề và đón nhận một tương lai mờ mịt. Nghĩ tới đó thôi, đã thấy nhói lòng.
Càng buồn hơn khi câu chuyện đau lòng kể trên không phải là hiếm. Mới đây, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo A D (31 tuổi) 20 năm tù giam vì hành vi hiếp dâm con ruột dưới 16 tuổi. Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2019 đến 26/4/2019, A D đã nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu, quan hệ tình dục với con gái mới được 8 tuổi 7 tháng. Tổ ấm gia đình vỡ toang, cha đi tù, mẹ dày vò, xót xa về tuổi thơ của con gái. Nhưng ám ảnh hơn là ánh mắt của cô bé chưa đầy 9 tuổi, đôi bàn tay gầy guộc, run rẩy, chới với nơi góc tường tăm tối với nỗi đau dày vò. Tương lai của em sẽ ra sao khi vết thương về thể xác và tinh thần khó có thể phai mờ trong suốt cuộc đời.
|
Xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả nặng nề, đè nặng trên tâm lý, cuộc sống của trẻ. Thế nhưng tình trạng này ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, có 6 vụ hiếp dâm, 7 vụ giao cấu và 1 vụ dâm ô trẻ em. So với năm 2018, số vụ xâm hại tình dục tăng 5 vụ. Đáng buồn hơn, đa số các vụ việc, đối tượng thực hiện hành vi là người thân, người quen trong gia đình.
Chuyện trẻ em bị xâm hại tình dục luôn là vấn đề nóng, thế nhưng, thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn thờ ơ, chủ quan, vô tư, nghĩ rằng: “nó sẽ trừ con mình ra”. Mãi đến khi sự việc xảy ra, mới ân hận. Từ những vụ việc trên để thấy rằng, nếu không trang bị các kỹ năng cần thiết, trẻ em có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục bất cứ lúc nào, bởi bất cứ ai, ngay cả người ruột thịt hay thân thiết nhất.
Dẫu biết công việc bận rộn, cơm, áo, gạo tiền quan trọng, nhưng mỗi gia đình, mỗi người cha, người mẹ hãy dành thời gian, là bạn đồng hành, dạy con biết cách tự bảo vệ mình, cảnh giác với người lạ, biết tìm kiếm sự giúp đỡ, biết cách phòng vệ, thoát thân khi bị xâm hại vào cơ thể. Cùng với đó, cần mạnh dạn lên tiếng tố cáo, nhờ sự giúp đỡ để bảo vệ con em mình một cách đúng đắn nhất.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip các cô giáo mầm non ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn trẻ 4 tuổi cách phòng vệ khi bị kẻ xấu tấn công từ phía sau. Ngoài ra, cô còn dạy trẻ một số kiến thức căn bản về không nhận đồ từ người lạ, kêu cứu thật to… đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng mạng. Những tiết học như vậy thật sự thiết thực, bổ ích. Ngoài việc dạy kiến thức, các trường học nên có những tiết thực hành, ngoại khóa, hướng dẫn cho các em kỹ năng bảo vệ mình trước những kẻ xấu.
Để bảo vệ trẻ em tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức hỗ trợ triển khai dự án về trẻ em. Trong đó, tổ chức Plan hoạt động trợ giúp trẻ em, bảo vệ trẻ em, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở làm công tác trẻ em. Hay tổ chức Unicef triển khai hoạt động trong Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện, các hợp phần về bảo vệ trẻ em, về giáo dục, về y tế. Nhìn nhận thực tế, các xã có dự án hỗ trợ, hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng hoạt động rất tốt và có hiệu quả góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là điều rất cần thiết. Bên cạnh gia đình, nhà trường, các tổ chức hỗ trợ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em; cần có các giải pháp phù hợp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ; để những đứa trẻ ngây thơ không trở thành nạn nhân, không phải gánh chịu nỗi đau xé lòng dai dẳng suốt cuộc đời.
Hoài Tiến