Nơi ấy bình yên
Đêm trước khi đi biên giới, gã gọi điện cho chú em lái xe ở văn phòng huyện hỏi thăm đường sá bây giờ ra sao. “Nhiều năm không đi, dù có nghe vùng đất ấy đã đổi thay nhiều nhưng cẩn thận vẫn hơn”- gã nghĩ thầm.
Trong điện thoại, tiếng chú em cười vang “Yên chí lớn. Đường đẹp, anh cứ lên đi”. Dù tạm yên tâm, nhưng gã vẫn chuẩn bị hành trang khá kỹ, với những gì cần thiết cho một hành trình giữa núi rừng, vì rất hiểu cái gọi là đường tốt của cánh lái xe vùng biên. Chỉ cần có “hình dáng” đường là họ chạy được hết, nói chi đến có đường thật.
Xe bon nhanh trên đường Hồ Chí Minh trải nhựa như dải lụa uốn lượn lưng núi, ngược mãi lên cao, rồi rẽ sang Quốc lộ 14C.
Chui qua một vạt rừng rậm rạp, vượt qua một con dốc thì xe lọt vào một vùng đất bằng phẳng, tít tắp cao su. Trời đang mưa rỉ rả chợt hửng lên, nắng nhuộm vàng vạt rừng cao su khiến ngọn cây sáng bừng lên một màu vàng rực, chạy hút tầm mắt.
Gã chợt nhớ lại chuyến rong ruổi trên Quốc lộ 14C cùng bạn đồng nghiệp ở báo Sài Gòn giải phóng, cách đây đã 6 năm. Cũng vào đầu mùa mưa. Người ta nói, rừng cao su đẹp nhất là mùa thay lá, khi ấy, trên mặt đất đã trải một lớp lá khô, còn trên cây thì lá vàng, lá đỏ chen lẫn lá xanh. Nhưng có đi qua rừng cao su trong mùa mưa mới thấy được vẻ đẹp tươi tắn, sung mãn của những tán lá xanh ngằn ngặt; vẻ đẹp của bài ca lao động từ sự lam lũ, chuyên cần của những công nhân đang trút mủ cao su.
Vẻ đẹp ấy không nên thơ như mùa thay lá, mà hừng hực nhựa sống!
Sau chuyến đi ấy, đồng nghiệp ở báo Sài Gòn giải phóng viết loạt phóng sự về đất và người vùng biên. Bạn trân trọng đặt tít cho loạt phóng sự ấy là “Bản trường ca Mô Rai”.
Xứng đáng lắm chứ!
|
Chuông điện thoại đổ. Đầu dây bên kia, Hiền- cô em đồng hương líu ríu: Trời đất ơi, anh đi từ sáng sớm mà sao chưa đến vậy? Hay anh quên đường, đi lạc mất rồi? Gã cười phá lên: Không lạc đâu, đừng lo.
Quên thật sao? Gã cũng từng tự hỏi mình suốt dọc đường đi. Bởi vậy, gã luôn chăm chú để ý nhìn, nhỡ đâu chạy qua xóm 14 hộ thì gay. Nhà Hiền ở đó. Trước khi đi, gã đã hứa sẽ ghé thăm cô.
Ừ, mà có quên cũng phải. Khung cảnh vùng biên thay đổi nhiều rồi. Không còn những mái nhà lụp xụp như túp lều ven lô cao su, đêm về muỗi bay như trấu, mà thay vào đó là những nhà xây, mái lợp tôn xanh đỏ, bờ rào vươn lên những chùm hoa giấy đỏ thẫm. Dọc đường, đã thấy những quán tạp hóa bán đủ mặt hàng; xe khách, xe hàng qua lại khá nhộn nhịp.
Chuyến đi trước, chẳng phải con đường vắng hoe, đến mức anh bạn đã mừng quá mà hét toáng lên khi nhìn thấy một cậu thanh niên phóng xe máy ào qua, để lại một quầng bụi đỏ sao?
Cho đến khi dừng trước cửa nhà Hiền, gã vẫn còn ngơ ngác, sợ mình nhớ nhầm, dù vẫn thấy cây kơnia cao vút, gốc cây có một vết cháy; phía sau là trụ ăng ten của Viettel. Điều làm gã băn khoăn là đang đứng trước ngôi nhà mái bằng khang trang, chứ nào phải căn nhà vách đất, mái tôn.
“Xóm 14 hộ bây giờ khác trước quá chừng”- gã nói, khi cùng Hiền đi vào nhà. “Em cũng còn thấy lạ, nói gì anh, 6-7 năm rồi chưa về chứ ít gì. Chưa la trời, vẫn còn nhìn ra là giỏi ấy chứ”- Hiền đùa. Nhưng gã nhìn ra sự tự hào trong ánh mắt cô.
Lâu không gặp, dường như nắng gió miền biên viễn càng làm cho cô gái Thái xứ Thanh thêm mặn mòi hương sắc. Theo anh trai vào vùng biên viễn mưu sinh. Cùng với một số hộ gia đình khác, họ lập nên xóm 14 hộ nằm sát Quốc lộ 14C. Đây từng là xóm “đặc biệt” nhất, không điện, không giếng nước; đất canh tác ít, đời sống bà con còn nhiều khó khăn.
Được nhận vào làm công nhân nông trường cao su, Hiền nhận khoán chăm sóc 7ha cao su, thu nhập ổn định với tiền lương hàng tháng, trồng xen mì, bắp. Đất không phụ công người chăm chỉ. Chắt chiu, dành dụm mấy năm, cô làm được nhà, mua được xe.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của Nhà nước, đời sống người dân vùng biên nói chung và xóm 14 hộ nói riêng khá lên nhanh, nghèo thì vẫn còn, nhưng đói thì "cắt hẳn". Nhiều gia đình, từ hai bàn tay trắng, sau mấy năm cần mẫn, hai vợ chồng đã dựng được nếp nhà gỗ, mua xe máy; trong nhà không bao giờ hết gạo ăn, heo gà đủ cải thiện; mua nồi cơm điện, tivi, tủ lạnh.
Nhưng có một thứ vẫn vững bền, không thay đổi. Đó là tình người. Nó không màu mè, không lấy lòng, mà tự nhiên, đậm đà như thế. Nó là động lực để họ vượt qua và chiến thắng gian nan, thử thách.
Những ngày tháng gian nan, khó khăn đã rèn giũa con người nơi đây sự kiên cường, dẻo dai và chịu đựng. Cũng chính khó khăn đã kéo mọi người lại gần nhau hơn, sống quây quần, đùm bọc, yêu thương nhau hơn.
Ở đây, những ngôi nhà không bao giờ khóa cửa. Xe máy, xe đạp nằm ngoài sân cả đêm. Nhớ lần đầu tiên ngủ lại đây, gã cứ thao thức mãi, thỉnh thoảng giật mình thon thót khi nghe tiếng chó sủa bởi lo cho cái xe máy- tài sản quý giá nhì (sau cái máy ảnh luôn ôm khư khư trong người)- đang để tênh hênh ngoài sân.
Nhưng sau đó thì gã hiểu, và thấy may mắn khi không nói ra nỗi lo lắng của mình trong đêm ấy. Nếu không, hẳn gã sẽ bị coi thường, bị “mời ra đường” vì đã nghĩ xấu cho lòng dạ người dân nơi đây. Họ sống chân thật với nhau đến mức để trống cả vách nhà, của cải đồ đạc cũng có mất mát gì đâu, vậy thì mắc mớ gì phải dè chừng?
Anh em đang ríu rít trò chuyện thì có 2 người đi đến. Trong khi anh trưởng thôn mừng quýnh, hỏi dồn: Chú H. phải không? Có đúng không? Đúng hả, mới lên sao? Lên một mình hả? Thì cô gái đi cùng nhẹ nhàng mở cuốn sổ: Mời anh khai báo y tế.
Gã phục lăn, cán bộ cơ sở nắm thông tin nhanh thật, rồi khai rõ tên tuổi, nghề nghiệp, số chứng minh, nơi đi, nơi đến. Cô gái gấp cuốn sổ, cười khẽ, mái tóc dài xõa xuống, như muốn giấu đi lúm đồng tiền trên má: Anh thông cảm, quy định là vậy. Bây giờ thì, chúc anh có buổi tối thật vui nhé.
Gã vui vẻ gật đầu, thầm nghĩ: Gớm, ở vùng biên nắng gió thế này mà con gái da cứ trắng bóc ấy nhỉ. Cười khẽ mà lúm đồng tiền cũng rõ thế.
Ngoài cổng bắt đầu có tiếng trò chuyện lao xao. Ở xóm 14 hộ này, mỗi khi nhà nào có khách đến chơi là gần như cả xóm “trải lòng đón khách”, nhiệt tình và chu đáo. Khó gì đâu, gà, vịt trong chuồng, cá dưới ao, rau trong vườn. Mọi người xúm vào, loáng cái là xong.
Những món ăn được chế biến bởi những đôi tay khéo léo của những chị phụ nữ dân tộc Thái nên bắt mắt và dậy hương. Rượu gạo được ủ bằng men và chưng cất bằng bí kíp riêng của người Thái, rót tràn ly. Mọi người nâng ly, chúc cho cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Trong bữa cơm, cũng không thể thiếu được những phút giây ngậm ngùi khi nhớ lại những tháng ngày cơ cực buổi đầu lập nghiệp. Rừng núi mịt mùng, thăm thẳm, trừ Quốc lộ 14C còn có hình dáng con đường ra, tất cả đều là đường rừng, lâu lâu mới thấy nếp nhà tuềnh toàng, mái tôn, vách ván, nền đất... Mùa nắng thì như nung, gió quất hừng hực; mùa mưa thì sầm sập, ào ào, mù mịt. Không ít người đã nao núng, bỏ vườn cao su nhận khoán và căn nhà tạm, dắt díu vợ con về quê.
Âu cũng là ôn cố để tri tân, để thêm trân quý những gì đã có, đang có và sẽ có trong nay mai.
Sáng hôm sau, gã lưu luyến nổ máy, rời đi, phía sau chấp chới những cánh tay vẫy. Trước khi vào khúc cua, gã nhìn lại xóm 14 hộ, nhìn lại những cột khói mỏng lan ra từ mái bếp, những khuôn mặt lam lũ, nhọc nhằn, nhưng gần gũi, thân thiện.
Và gã biết rằng, sẽ nhớ lắm nơi bình yên ấy!
Thành Hưng