Những việc làm tử tế đang lan tỏa
Khắp nơi vẫn có những người luôn sẵn sàng chung tay chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với người dân. Những việc làm tử tế đó đang lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thắp sáng thêm niềm tin của chúng ta về tấm lòng nhân ái, về những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu, giá cả sụt giảm sâu. Và một lần nữa, ở tỉnh ta và nhiều địa phương trong cả nước, từ cá nhân đến các tổ chức, hệ thống siêu thị đã chung tay vào cuộc “giải cứu” nông sản cho người dân. Đây là việc làm đầy nhân văn, ấm tình người trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông dân nhiều địa phương trong nước, trong đó, có nông dân ở một số nơi trong tỉnh ta như Đăk Tô, Đăk Hà, thành phố Kon Tum... bước vào vụ thu hoạch dưa hấu với nhiều hy vọng. Tuy nhiên, không ai ngờ được dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc khiến cho hoạt động xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, trong đó có mặt hàng dưa hấu. Dưa hấu ùn ứ ở biên giới, thương lái không thu mua, ép giá, đẩy người trồng dưa lâm vào tình cảnh khó khăn. Có những gia đình đứng trước nguy cơ vỡ nợ, vì không có tiền trả nợ vay ngân hàng.
Nhận thấy nỗi vất vả của người nông dân, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và cả ở các địa phương khác nghĩ ra cách giúp người nông dân tiêu thụ dưa trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đó là một giám đốc doanh nghiệp, một bà chủ khách sạn hay đơn giản chỉ là những người dân bình thường đã tự bỏ tiền túi ra mua dưa rồi phát miễn phí cho người dân. Đó là một số tổ chức thiện nguyện, siêu thị đã đến tận ruộng thu mua dưa rồi mang đi các tỉnh, thành khác trong cả nước tiêu thụ không lấy lời. Họ chỉ có một mong muốn duy nhất là hỗ trợ nông dân tiêu thụ được nhiều nhất, chia sẻ khó khăn với người trồng dưa.
|
Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum truyền tai nhau câu chuyện ông Trần Dũng Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú Hòa (xe buýt Phú Hòa) xuống tận ruộng thu mua dưa hấu của nông dân, sau đó, tổ chức phát miễn phí cho người dân ngay tại cổng bến xe. Giá trị của mỗi miếng, mỗi quả dưa thực sự không lớn, nhưng rõ ràng ở đây nồng ấm tình người. Hành động ấy của ông Thắng đã nhận được sự tán dương lớn của cộng đồng. Vì thế, nhiều người khi nhận dưa gia đình ông Thắng trao đã chủ động bỏ tiền lại với mục đích góp thêm một phần cùng với ông Thắng tiếp tục “giải cứu” dưa hấu cho nông dân. Đây chính là sức “lan tỏa tự nó” của hành động, nghĩa cử cao đẹp; sự nhân ái tiếp tục được nhân lên trong cộng đồng, làm “ấm lòng” những người nông dân “tay lấm, chân bùn” lúc gặp khó khăn, còn gì bằng hơn thế nữa!
Hay như chị Nguyễn Thị Anh Thư (40 tuổi, ở xã Vinh Quang) đã lặn lội đến các vựa dưa trên địa bàn tỉnh ta và Gia Lai mua và mang phát cho người dân những thôn làng khó khăn, những trẻ em nghèo. Việc làm của chị đã chạm đến trái tim của nhiều người, sau đó một số nhà hảo tâm tự nguyện góp tiền lại để chị Thư có thêm kinh phí tiếp tục làm cầu nối giúp tiêu thụ bớt phần nào lượng dưa tồn đọng của nông dân và để những người nghèo khó có cơ hội được ăn dưa hấu miễn phí.
Không chỉ có các mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân ở tận Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tự nguyện bỏ tiền, bỏ công tới các vùng trồng dưa để mua và mang về phát miễn phí cho người dân nơi họ sống.
Các bạn trẻ của Câu lạc bộ Bếp cơm Vạn Tình (Đà Nẵng) hay Đoàn thiện nguyện và bác ái Hương Khê (Hà Tĩnh) lại có cách làm của riêng mình. Đó là, họ cùng nhau góp tiền rồi đến tận ruộng để thu mua dưa cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh ta, Gia Lai với giá cao hơn nhiều so với thương lái rồi vận chuyển ra Đà Nẵng, Hà Tĩnh bán gần như không lấy lời.
Và, cũng như nhiều đợt “giải cứu” nông sản trước đây, trong tình cảnh này, người dân khắp nơi đều nhiệt tình ủng hộ giúp những người nông dân không may mắn gỡ gạc, vớt vát lại chút vốn liếng.
Mỗi người một hành động, một cách làm, nhưng đã truyền cảm hứng đến nhiều tổ chức từ thiện khác, để các đơn vị và cá nhân cùng chung tay hỗ trợ các nông dân vượt qua “cơn bĩ cực”. Nhờ vậy, hàng trăm tấn dưa hấu của nông dân tỉnh ta và nhiều tỉnh trong khu vực được đưa đi khắp nơi tiêu thụ, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đến tận Hà Nội, Bắc Giang...và đến với nhiều người tiêu dùng một cách có ý nghĩa.
Giống như dưa hấu, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mặt hàng thanh long cũng bị ùn ứ, khó xuất khẩu. Giá thanh long theo đó mà tụt dốc không phanh, nông dân không bán được sản phẩm. Trước tình cảnh ấy, một số siêu thị, người dân kịp thời ra tay “giải cứu”.
Lẽ dĩ nhiên, người nông dân vất vả “một nắng hai sương” làm ra quả dưa, trái thanh long không ai muốn phải rơi vào tình cảnh nhờ cộng đồng “giải cứu”, nhưng chính việc đồng cảm, giúp đỡ của cả xã hội đã giúp họ cảm thấy được an ủi phần nào trong thời điểm khó khăn này. Và hơn thế nữa, đó chính là cái tình của người dân cả nước trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Rõ ràng, dù ở một số nơi, có một số người lợi dụng dịch bệnh để trục lợi như tăng giá khẩu trang, nước sát khuẩn tay, “chặt chém” người mua thiết bị y tế...thì ở khắp nơi vẫn có những người luôn sẵn sàng chung tay chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với người dân. Những việc làm tử tế đó đang lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thắp sáng thêm niềm tin của chúng ta về tấm lòng nhân ái, về những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống.
Thùy Hương