Những "thí sinh không vào phòng thi"
Khuya 22/6, tôi nhận được điện thoại của anh bạn thân công tác ở huyện Tu Mơ Rông. Lâu nay anh vẫn có kiểu gọi "hù chết người" đêm hôm như vậy. Tôi góp ý mãi mà anh vẫn chưa sửa.
Nghe điện thoại xong, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra anh chị xin nghỉ làm hẳn mấy ngày để xuống với cô con gái chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất - kỳ thi THPT quốc gia, như lời anh nói.
"Nhưng căn phòng trọ chật chội lắm, mình tính, 2 vợ chồng với thằng cu em đang nghỉ hè, ở nhà không có ai trông, cũng đi theo, tới ở nhờ nhà ông mấy ngày, để cháu nó một mình yên tĩnh mà ôn bài" - anh tiếp tục phân trần.
Lẽ tất nhiên là tôi sẵn lòng!
Và thế là nhà tôi đón khách. Gọi là ở nhờ, nhưng chỉ đêm anh mới về ngủ, cứ sáng sớm là anh "biến" khỏi nhà, chẳng biết đi đâu. Vặn mãi mới biết, anh tới xem con gái ôn thi, rồi ra một quán cà phê nào đó ngồi ngóng chuyện thiên hạ bàn tán về kỳ thi.
Không nghi ngờ gì nữa, chuyện "vượt vũ môn" của các sĩ tử là có sức hút mạnh nhất, ở bất cứ đâu cũng chỉ nghe nói về kỳ thi ông ạ. Gặp nhau, câu đầu tiên là hỏi về chuyện thi cử. Nhà có con thi đợt này thì lo lắng ra mặt, nhà có con chưa thi thì chia sẻ, khích lệ- anh kể.
Âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng tôi không hài lòng nhất với việc anh ép con học bài khi ngày thi đã cận kề.
- Anh nên cho cháu thư giãn, để đầu óc tỉnh táo, có sức thi cho tốt - tôi nêu ý kiến.
Lập tức anh bạn tôi gạt phắt đi: Phải xem lại bài vở chứ, thi xong tha hồ thư giãn. Ngày xưa, anh với chú có thư giãn đâu. "Tụng" bài đến khi vào phòng thi ấy chứ.
“Ôi chao, lại ngày xưa!”, không biết có bao nhiêu học sinh phải khổ vì cái "ngày xưa..." của các ông bố, bà mẹ rồi - tôi nghĩ, nhưng không dám nói vì sợ anh giận.
Sáng 25/6, anh chị dậy từ mờ sáng, hối hả xuống phòng trọ của con gái, giục giã con chuẩn bị bút mực, nhắc nhở lại nội quy phòng thi (được anh tham khảo từ nhiều nguồn và chép cẩn thận vào giấy); hối hả đưa con đi ăn sáng và hối hả... đến điểm thi.
Tôi giật mình khi nhìn thấy cổng trường chen chúc những người là người, trong đó nhận ra không ít người quen, đều một biểu cảm căng thẳng và hồi hộp. Không nghi ngờ gì nữa, cha mẹ của các em học sinh cũng chính là những "thí sinh không vào phòng thi" vất vả nhất khi mỗi kỳ thi diễn ra.
Kỳ thi THPT quốc gia bây giờ đã bớt căng thẳng vì cách thức thi; thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển nên khả năng đậu đại học khá cao. Đặc biệt, bố mẹ và con không còn phải dắt díu nhau về các thành phố lớn thi đại học…
Nhưng những điều đó là chưa đủ để các "thí sinh không vào phòng thi" bớt đi sự vất vả, lo toan. Tiết trời khá nóng, nhưng rất đông phụ huynh vẫn chịu khó, chịu khổ đứng trước cổng trường chờ con hoàn thành bài thi.
Một ông bố, có lẽ do thấm mệt, nên ngồi dựa vào gốc cây tranh thủ chợp mắt. Những bà mẹ thì rì rầm chuyện trò, phía sau lớp khẩu trang chống nắng là ánh mắt đầy sự lo lắng, chờ mong, hy vọng.
Đứng trước cổng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, anh vẫn dặn dò con từng chút, dù tối qua và sáng sớm nay anh đã dặn đi dặn lại.
Thấy vậy, tôi lắc đầu: Anh để cháu nó vào, dặn nhiều quá nó rối.
Anh cười, vẻ có lỗi: Biết vậy, nhưng lo quá, không dặn dò không được. Đó, cậu không thấy ai cũng vậy mà.
Bên cạnh, một người mẹ còn lôi ra phần ăn sáng bắt con phải ăn hết để làm bài không bị đói.
Thậm chí, có người mẹ còn muốn theo con vào tận... phòng thi để động viên. Lẽ tất nhiên, lực lượng bảo vệ không thể đồng ý, và thế là chị đứng mãi ở cổng trường, nhìn theo cậu con trai trai cao lớn đã khuất sau cánh cổng...
Tôi giục anh về, nhưng anh không chịu: Thôi, ông về trước, tớ ngồi đây chờ, dù cháu nó không nhìn thấy, nhưng nó biết bố đang chờ ở ngoài cổng nên thêm vững tin, sẽ có động lực để cố gắng hoàn thành bài thi thật tốt, mà mình cũng yên tâm.
Thế rồi, những ánh mắt lo âu và hồi hộp nhìn vào cổng trường của anh chị cũng được đền đáp bằng nụ cười tươi của cô con gái: "Con làm bài khá tốt...".
Có một câu nói thật hay, nhưng cũng thật xót: Nếu ai muốn hiểu lòng cha mẹ, hãy cứ đến cổng trường những ngày thi...
Vậy đó! Khi con cái vào phòng thi, ở bên ngoài, cha mẹ cũng đang tự động viên mình: Hãy thả lỏng nào! Hít một hơi thật sâu! Chờ con bước ra với nụ cười...
Thành Hưng