Những “thầy giáo đặc biệt”
Tôi rất khâm phục những cán bộ, quản giáo đang làm việc ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Ðể quản lý, giáo dục những đối tượng bị cách ly khỏi xã hội, những cán bộ quản giáo phải có sự nỗ lực lớn lao, am hiểu nghiệp vụ và cảm thông sâu sắc với phạm nhân...
Tôi có một anh bạn là quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Và tôi lấy làm tự hào về điều đó.
Anh được đào tạo nghiệp vụ công an bài bản qua trường lớp, trải qua nhiều vị trí công việc, nhưng quản giáo là nhiệm vụ mà anh gắn bó lâu nhất.
Từ đáy lòng mình, tôi rất khâm phục anh và các đồng nghiệp của anh. Ðể quản lý, giáo dục những đối tượng bị cách ly khỏi xã hội, họ - những cán bộ quản giáo phải có sự nỗ lực lớn lao, không chỉ am hiểu nghiệp vụ mà còn cảm thông sâu sắc với phạm nhân...
Bằng lòng bao dung, sự kiên trì, nhẫn nại, đức tính hy sinh của mình, nhiều năm qua, các anh đã giúp nhiều người lầm đường lạc lối trở về đường sáng, viết lại trang sách cuộc đời mình, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội...
Mỗi khi gặp lại anh, những người đã một thời lầm lỡ, nay hoàn lương, đều trân trọng gọi anh là Thầy. Tôi vẫn thường gọi đùa anh là "nhà giáo đặc biệt", dù không hề có một ngày học nghiệp vụ sư phạm, chưa bao giờ đứng trên bục giảng.
Khi nói về nghề của mình, anh hay đùa: Nếu nói người thầy đứng trên bục giảng nhà trường là "giáo dục đi", tức là hình thành nhân cách, truyền đạt kiến thức cho học trò thì "người thầy" trong trại giam làm nhiệm vụ “giáo dục lại”.
Cùng quê, cùng tuổi nên chúng tôi khá thân thiết, vì vậy tôi hiểu nhiều về công việc của anh. Can, phạm nhân đã vào trại giam hầu hết là những đối tượng đã trưởng thành, có nhận thức, có va chạm xã hội, từng trải. Có người vì vô tình mà phạm tội, cũng có những đối tượng lưu manh, trộm cắp, móc túi chuyên nghiệp, rồi lừa đảo, thậm chí giết người... Vì vậy, người quản giáo luôn phải linh hoạt trong giáo dục, cải tạo can phạm; chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của can phạm nhân.
Chắc chắn rằng, hoàn toàn không có một giáo án chung nào cho những "nhà giáo đặc biệt" này. Với mỗi phạm nhân, họ lại phải có một “bài giảng” riêng, được hình thành bởi chữ tâm và tình người.
Điều khiến tôi nể phục nhất ở anh và những đồng nghiệp của anh, là rất hiếm khi tôi thấy anh nóng giận. Tôi nghĩ, có lẽ sự điềm đạm của anh được hình thành từ chính đặc thù nghề nghiệp. Bởi, những can phạm khi mới bước vào trại giam, tâm lý dễ thay đổi nhất nên những người này thường bất cần, muốn bỏ trốn, hoặc tự tử..., cán bộ quản giáo phải quan tâm, hỏi han, động viên chu đáo, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, kèm cặp, khuyên nhủ, tâm sự để họ chấp hành nội quy.
Làm cái việc của mình ấy mà, không phải lúc nào những hình thức kỷ luật cũng phát huy tác dụng - anh nhấn mạnh.
Một trong những yêu cầu cơ bản trong công việc là mình phải nắm bắt được tư tưởng của can phạm, tùy theo độ tuổi và nhận thức để truyền đạt đến họ những tác dụng của việc học tập, cải tạo, giúp họ có tinh thần tự giác hơn để khi mãn hạn tù, trở lại với xã hội, họ không bị tụt hậu mà tiếp tục sa ngã trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu..
Có những đối tượng cộm cán, côn đồ không chịu cải tạo, những “nhà giáo đặc biệt” một mặt kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, mặt khác tìm cách gần gũi, tâm sự, khơi dậy phần lương thiện còn lại trong mỗi con người; từ đó, chạm được đến trái tim của can, phạm nhân, giúp họ hiểu được những lẽ phải ở đời mà cải tạo tốt hơn, sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Thêm một điều đặc biệt nữa từ những "nhà giáo đặc biệt" này: khi phạm nhân tiến bộ, dù chỉ là một chút thôi, cũng là niềm vui lớn. Và phần thưởng quý nhất chính là "mầm thiện" trong tâm hồn phạm nhân được các anh "đánh thức" để họ làm lại cuộc đời.
Tôi biết, nhờ sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của những "nhà giáo đặc biệt" này mà không ít phạm nhân cải tạo tốt, trở về sống lương thiện bên người thân.
Và tôi cũng biết, mỗi khi gặp lại ngoài đời, họ lại trân trọng gọi các anh là Thầy!
Thành Hưng