Những ngày hè lên rẫy
Chiều nhạt nắng, tôi lên rẫy, vô tình thấy người ta thu hoạch đậu (đỗ). Phải rồi, mùa hè về cũng là mùa thu hoạch các loại đậu. Lưng cúi lom khom, các mẹ, các chị tỉ mẩn, chăm chỉ nhặt (hái) từng quả, người thì kẹp bên mình cái thúng, người xách theo cái bao, thi thoảng họ trêu nhau cười đùa như cố tình xua tan cái mệt mỏi… Chạm vào khung cảnh yên bình ấy, ký ức về những ngày hè tuổi thơ, tung tăng thu hoạch đậu cùng chúng bạn, đã xa lắm rồi, mà cứ ngỡ như vừa sang…
Những cơn mưa đầu mùa kéo đến, đất đai ẩm rồi, cũng là lúc bước vào mùa rẫy. Mùa rẫy bắt đầu từ việc gieo hạt. Người địa phương thì gieo lúa. Nhưng, với người miền xuôi lên miền ngược sinh sống như gia đình tôi, lại không quen làm lúa trên cạn nên mùa rẫy của chúng tôi thường xuống giống các loại cây lương thực, thực phẩm khác, mà chủ yếu là hạt đậu đen, đậu xanh. Người lớn đi trước cuốc từng cái hốc nhỏ, một nhát cuốc là một hốc, khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây chừng bốn mươi xentimét, trẻ con đi sau bỏ một đến ba hạt đậu vào hốc và lấy chân gạt đất lấp hốc lại. Chỉ chừng năm bảy ngày sau, hạt đậu nảy mầm lên đều răm rắp. Cây đậu được làm cỏ, bón phân, vun gốc, nó sinh trưởng tốt tươi. Khi đậu chuẩn bị ra hoa thì phải bấm ngọn để cây ra nhánh, ra nhiều hoa và cho năng suất.
Hạt đậu từ khi gieo xuống đất, cho đến ngày có quả thu hoạch cũng ba tháng trời. Cây đậu đen trong thời kỳ đẻ nhánh, lá xanh mơn mởn xen lẫn hoa màu tím thu hút ong, bướm về. Lên rẫy, chẳng may không kiếm được ngọn măng hay rau rừng, chỉ cần bấm vội những lá đậu non, cũng chế biến được món ăn. Lá đậu non, vò nhẹ, rửa sạch, có thể luộc, xào, ăn hơi thô ráp nhưng lạ miệng, thơm ngon không kém gì món rau ở nhà.
Nghỉ hè, con trẻ có công việc mới, cùng lên rẫy với người lớn. Gia đình thuần nông, thì ngày hè phụ ba mẹ làm việc trở thành một thói quen. Bởi vậy, dù có phải đạp cái xe đạp cũ, đạp gần mười kilômet từ nhà vào rẫy, cũng chẳng quản ngại. Sáng, chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp, kèm theo một cái giỏ xách, có cà mèn cơm và nước uống. Vào hè, ve kêu râm ran trên các tán cây. Muốn việc đi rẫy vui hơn, thường nhóm bạn học rủ nhau đi làm chung, rồi hôm sau làm cho nhà bạn khác. Cúi lom khom hái đậu được một lúc thì đau lưng, mỏi cổ, cả nhóm tụm lại bóng cây trên rẫy mà chuyện trò rôm rả, mặc người lớn phải đốc thúc.
Mùa hè cũng là đầu mùa mưa, đôi ba ngày lại có một trận mưa, có khi mưa liền mấy hôm không dứt. Khi quả đậu vừa chín tới, phải tranh thủ nhân công nhặt nhạnh, chứ để ngoài rẫy không may mưa nhiều ngày, những quả đậu già, nảy mầm hết. Mà nếu để khô quá, nắng nóng, vỏ nứt ra, hạt rơi vương vãi xuống đất.
Cây đậu thu hoạch không tập trung như cây cà, cây lúa nên không cần nhiều nhân công, lại là công việc nhẹ nhàng, nên tranh thủ được sự giúp công, giúp sức của con trẻ. Và những con trẻ đang được nghỉ hè, lại là nguồn “lao động” tích cực. Vậy là hình thành từng nhóm đi rẫy và cũng bắt chước đổi công như người lớn, làm nhà bạn này xong thì sang nhà bạn khác. Còn người lớn thì tặc lưỡi với nhau: Đó cũng là một cách cho con em rèn luyện sức khỏe, tránh chơi bời lêu lổng, lại thấm hiểu công việc nặng nhọc của cha mẹ mà biết trân quý giá trị lao động.
Ngày được nắng, chỉ cần phơi một buổi là quả đậu sẽ khô giòn. Mỗi người được trang bị một cái bao tải và một cái gậy. Qua đến trưa, quả đậu đã khô cong queo, dễ tách hạt vô cùng, hót quả đậu vào lưng chừng hơn nửa bao, buộc dây lại, rồi lấy cái gậy cứ thế đập bên này, lại trở sang bên kia, đập ngang bao rồi đến đập dọc, đập ngược đập xuôi cho vỏ đậu nát hết, hạt tách ra. Trưa hè, những tiếng kêu bộp, bộp phát ra từ bao đậu, cứ thế thi nhau dội vào núi rừng hoang vắng, nghe cũng vui tai. Sau đó, vơ nhặt hết vỏ, chỉ còn những hạt đậu đen bóng, thật bắt mắt. Với bàn tay khéo léo sàng sẩy, nhặt nhạnh của mẹ, những vỏ, những hạt lép bay mất, để lại những mẻ đậu đen ruột xanh lòng, hạt căng mẩy, to tròn, trăm hạt đều như một.
Những năm đầu mới khai hoang, đất rẫy còn tơi xốp, chưa bị hoang hóa, xói mòn, do vậy canh tác cây trồng nào cũng nhanh chóng bén rễ, tốt tươi. Giữa những hàng cây công nghiệp dài ngày cà phê, cao su mới trồng, bàn tay chăm chỉ, không ngơi nghỉ, ba mẹ hết gieo trồng các loại cây này đến loại cây khác. Mẹ bảo, có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho, mỗi thứ mỗi ít, phòng khi loại này rẻ thì loại kia được giá kéo lại. Nói là mỗi thứ một ít, nhưng riêng đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh có mùa thu được cả mấy tạ.
Không chỉ cho hạt, mang lại nguồn thu nhập mà gieo trồng cây đậu, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, tăng độ tơi xốp chứ không làm đất bạc màu như trồng mì. Cây đậu sau khi thu hoạch hết quả còn được tận dụng dùng để ép xanh, ủ gốc cho cây cà phê, cao su qua mùa khô.
Ngày ấy, hạt đậu bán rẻ lắm. Thường giá đậu đen chỉ dao động từ tám ngàn đến mười hai ngàn một kí. Chiều, đi rẫy về, xe đạp nào không chở người thì phải “thồ” phía sau chừng mười kí đậu, ngang quầy hàng tạp hóa của bà Tám đầu huyện, đợi mẹ vào bán đậu. Có ngày, thành quả của chị em tôi và nhóm bạn, thu được gần cả tạ hạt đậu đen, mà chỉ bán được tám trăm ngàn. Nhưng tám trăm ngàn từ cách đây hai mươi năm giá trị lắm. Mẹ tôi gop góp lại, vào năm học may áo quần, mua giày dép, sách vở… để chúng tôi đến trường.
Kết thúc một ngày làm lụng chịu khó, sau mỗi lần bán đậu, kiểu gì, những nhân công tí hon, cũng được thưởng thức một vài thức quà. Khi thì quả mít tố nữ thơm phức, khi thì bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, khi thì hộp sữa ông thọ… Nhìn chị em tôi ăn quà ngon lành, mẹ trêu, đổi ba kí đậu mới mua được quả mít tố nữ…
Tôi đã có những mùa hè tuổi thơ ở rẫy ngọt ngào, lắm dư vị và nhớ mãi vậy đó!
Phạm Miên