Những mùa Đông yêu dấu
Cái lạnh tràn về buôn buốt trên da thịt, cơn gió đông xào xạc trên những chiếc lá khô cong, ta bần thần ngồi chênh chao giữa phố, và lòng nghĩ về những mùa Đông yêu dấu đã qua.
Với ta, mùa Đông luôn mang một hình dáng đặc biệt, một nỗi nhớ mà chẳng thể nào nhòa phai. Quê nhà trong ta vẫn còn đó, hình ảnh những mái nhà lúp xúp núp dưới bóng cây bạch đàn cao vút. Mỗi mùa Đông về, lá bạch đàn rụng dày thành thảm, lũ trẻ con cặm cụi mang “đồ nghề” đi gom lá về làm củi đốt. Những mùa Đông của tuổi thơ, chao ôi sao lạnh vô cùng. Cái lạnh tưởng chừng như không gì lạnh hơn. Cái lạnh va vào hàm răng trẻ thơ run lập cập. Cái lạnh làm tim tím đôi môi. Cái lạnh làm da thịt chẳng được hồng hào. Đứa nào đứa nấy co ro trong cái lạnh gió đông thông thốc thổi. Hồi ấy nhà đứa nào cũng nghèo, may mắn thì có được manh áo ấm, nhưng chỉ để dành khi đi học. Chứ đi lao động, lên rừng hái củi, quét lá khô thì không dám mặc vì sợ bẩn, sợ nhanh hỏng. Và rồi những bếp lửa ven đường được thắp lên. Ngọn lửa nhỏ bập bùng vui trong ánh mắt trẻ thơ, cháy suốt mùa Đông yêu dấu.
|
Ta lại nhớ bếp lửa nhỏ trên cánh đồng tuổi thơ năm nao. Cả lũ quây quần bên bếp lửa tự chế. Đứa tìm củi vụn, đứa cào rơm rạ khô, lá khô, bất kể thứ gì có thể làm chất đốt. Mặc kệ trâu bò ngoài kia gặm cỏ, ở bên bếp lửa, các “mục đồng” đang hân hoan với “bữa tiệc” ngoài đồng là những củ khoai, củ sắn, bắp ngô nướng thơm lừng cả một khoảng không. Nụ cười đứa nào cũng giòn tan, má đứa nào cũng ửng hồng với niềm hạnh phúc tột độ. Ta đã đi qua những khoảnh khắc tuyệt vời như vậy với đám bạn trong làng thân thương. Và nó như một thước phim tuyệt đẹp, bằng một cách nào đó thật đặc biệt, thước phim ấy luôn quay lại trong tâm trí của ta mỗi khi mùa Đông ghé thăm, mặc dù tuổi thơ đã trôi xa mãi mãi.
Nghĩ về mùa Đông năm xưa, ta lại nhớ tới chiếc giường ọp ẹp cả nhà nằm ngủ bên nhau. Cả nhà chỉ có một chiếc chăn mỏng dính, đắp hụt chỗ nọ, thiếu chỗ kia nhưng cha mẹ luôn nhường phần ấm cho các con, không để các con thiếu chăn. Thi thoảng tỉnh giấc, chạm phải bàn chân của cha mẹ thấy lạnh buốt, ta không khỏi nhói lòng, thương cha mẹ không nói nên lời. Ngày hôm sau, cha nảy sinh sáng kiến chế tạo ra chiếc nệm bằng những sợi rơm khô đặt phía dưới tấm chiếu cói. Những buổi tối, nằm trên chiếc nệm rơm lạo xạo, đủ thứ mùi của hương đồng gió nội nhưng ấm biết phần nào. Cha luôn dặn dò những đứa con rằng, biết thương những gian khó, biết vượt khổ mà vươn lên như cha mẹ đã từng trải qua bao nhiêu mùa Đông khắc nghiệt.
Những mùa Đông nhớ về bữa cơm quê nhà đạm bạc mà ấm cúng vô cùng. Có những ngày mưa rét, cả nhà ăn cơm trắng với cá khô, vừng lạc và một nhúm rau luộc. Có khi thì mẹ nấu một nồi khoai thật to ăn trừ bữa. Chẳng hiểu sao lúc đó ta ăn vẫn thấy ngon lành. Sau này đi xa lớn lên, có cơ hội được thưởng thức bao nhiêu là của ngon vật lạ, nhưng bữa cơm mùa Đông năm xưa thì ta vẫn chẳng thể nào quên được. Đó không chỉ là bữa cơm thông thường nữa mà còn là tình cảm gia đình thiêng liêng hạnh phúc. Được ở bên cha mẹ, bên người thân là một diễm phúc của mỗi chúng ta. Và ta may mắn có được diễm phúc ấy trong cuộc đời.
Những mùa Đông yêu dấu cứ thế đi qua cuộc đời của ta, làm hành trang cuộc đời dầy thêm với bao nhiêu ký ức ngọt ngào. Chẳng thể nào kể hết được những kỉ niệm, những khoảnh khắc mà mỗi mùa Đông mang lại. Nó là khoảnh khắc vĩnh cửu, là bình yên trong tâm hồn của ta mỗi khi mệt mỏi ta luôn níu vấu để trở về. Mùa Đông quê nhà là yêu thương, là một phần không thể thiếu, gắn bó cùng ta suốt hành trình này.
NGUYỄN VĂN CHIẾN