Những hy sinh thầm lặng
Một thầy giáo vùng cao đã từng nói với tôi rằng, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương. Quả vậy, khi đến vùng sâu, vùng xa dạy chữ, ngoài giáo án, trong hành trang của mình, mỗi giáo viên còn mang theo một trái tim ấm áp, cống hiến hết mình để những con chữ nảy mầm, sinh sôi trên những vùng đất khó. Đó chính là sự hy sinh thầm lặng, khó có thể kể hết bằng lời.
Có lần tôi đến một ngôi trường dưới chân núi Ngọc Linh vào những ngày đầu năm học mới, các thầy cô giáo phấn khởi khoe: “Năm nay nhà trường vừa xin, vừa mượn, đủ sách vở cho các em rồi. Sắp đến thầy cô tiếp tục kêu gọi, vận động, kết nối với các nhà hảo tâm để “xin” cho các em có quần áo chỉnh tề đến lớp”.
Không biết tự bao giờ, nỗi lo sách vở, quần áo, dụng cụ học tập không chỉ đến từ phía học sinh, phụ huynh mà còn là nỗi băn khoăn, lo lắng thường trực của các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô giáo dạy học ở những vùng sâu, vùng xa. Hiểu các em sinh ra trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không cần các em phải nhờ vả hay thổ lộ, bằng ánh mắt quan sát, bằng tình yêu thương chân thành, các thầy cô giáo luôn tìm cách để chia sẻ.
Những câu chuyện thầy cô đi xin sách cũ, vở mới; kết nối, huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ dụng cụ học tập, quần áo, phương tiện đi học để các em có hành trang đến lớp không còn xa lạ. Ở một số ngôi trường, thầy cô còn chắt chiu tiền lương, ủng hộ hàng tháng để lo thêm cho từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh. Chúng tôi biết, nhiều khi niềm vui với thầy cô thật đơn giản: học sinh có quần áo mặc, có cặp, sách đến trường.
|
Ở vùng sâu, vùng xa, thầy cô phải chịu nhiều bất lợi từ đường đi, nơi ăn ở, cho đến điều kiện cơ sở vật chất trong giảng dạy. Từng chứng kiến cảnh thầy cô trèo lên cây để dò sóng điện thoại gọi về gia đình; nhìn cảnh thầy cô vượt núi chênh vênh, dầm mưa hàng tiếng đồng hồ để đến các điểm trường; tê cóng trong giá rét đi từng nhà phát tài liệu; tay chân lấm lem lên tận rẫy tìm kiếm, vận động, dẫn học sinh ra lớp mới cảm nhận được tấm chân tình của thầy cô.
Nhìn niềm vui của thầy cô khi cố gắng chuẩn bị từng món quà, tự tay cắt những bao ni lông làm lân, làm rồng, trang trí lồng đèn để các em có những mùa trung thu đầu tiên, mới thấu hiểu được niềm hạnh phúc của cả thầy và trò. Quả đúng, dạy học đâu chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương với các em học sinh của mình. Nếu không, liệu có mấy ai bám trụ được với nghề cao quý ở những vùng khó khăn nhiều hơn thuận lợi như thế.
Thầy cô dạy các em từ con chữ cho đến cách giao tiếp, cách cư xử trong đời sống hàng ngày. Nhiều em rụt rè đến mức chỉ nhìn thấy người lạ đã bỏ chạy. Thế nhưng, bằng sự chân tình, chia sẻ, chỉ dạy của các thầy, các cô, các em học sinh ở những ngôi làng leo cheo trên sườn núi từng bước mạnh dạn lên, chịu khó học tập, tiếp thu kiến thức. Nhiều em học hết trường làng, trường xã, trường huyện, vào đại học, rồi tìm kiếm cho mình việc làm phù hợp như mơ ước và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của địa phương, đất nước.
Không chỉ theo các em từ cấp I, cấp II, cấp III, thậm chí khi các em đi học và thành tài, thầy cô vẫn là bạn đồng hành. Tôi nhớ, cách đây vài năm về trước, một thầy giáo tìm cách liên lạc, kêu gọi khắp nơi để tìm cách hỗ trợ cho học sinh cũ (từng học cấp II) có chi phí đi học đại học. Trong suốt 4 năm học đại học, thầy vẫn luôn hỗ trợ giúp đỡ học sinh cũ trong lúc khó khăn. Cho đến bây giờ, khi học sinh cũ trở thành đồng nghiệp của mình, thầy vẫn luôn là điểm tựa vững chắc trên đường đời của em ấy.
Thương học trò, sự hi sinh dành cho học sinh là vô cùng lớn, nhưng khi nói về mong muốn, nhiều thầy cô lại không nghĩ gì về phần mình. Các thầy cô vẫn luôn mong ước học sinh vùng cao được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Đó là mong muốn mùa đông các em có áo ấm, có dép mang đến lớp; là bữa cơm của các em có thịt, có cá; các em đến lớp đông đủ, học hành thành tài.
Ngày 20/11, với các thầy cô vùng cao cũng thật giản đơn. Món quà nhận được là bó hoa dại, củ mì, rau rừng, quả bí, quả bầu hay chỉ là những nụ cười bẽn lẽn. Nhưng, chỉ từng ấy thôi, trong trái tim, thầy cô đã vui mừng, lâng lâng hạnh phúc.
Xin dành lời tri ân với các thầy cô giáo. Thật đáng trân quý biết bao khi những hy sinh thầm lặng của các thầy cô đã nuôi giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn.
Hoài Tiến