Những biển cấm… có như không
Dạo qua các tuyến đường, các điểm công cộng trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng ta dễ dàng bắt gặp các biển cấm như: cấm xả rác, cấm họp chợ, cấm đỗ xe… Thế nhưng, biển cấm thì cứ cấm, vi phạm vẫn cứ vi phạm...
Cấm mặc cấm
Chạy dọc bên Trung tâm thương mại nên đường Ngô Quyền, chiều nào cũng vậy tấp nập người mua kẻ bán. Đặc biệt mấy năm gần đây, trên tuyến đường này (đoạn nối giữa Trần Phú và Hoàng Văn Thụ), một bên có các ki ốt cố định bán quần áo các loại, một bên cũng bán quần áo, giày dép, túi xách… theo kiểu di động với mức giá khá bình dân nên càng thu hút lượng khách đến tìm mua.
Chẳng có gì là đáng nói nếu như đoạn vỉa hè ngay trước chùa Huệ Hương không có biển cấm ghi rõ “Cấm mua bán dưới lòng đường, trên vỉa hè”. Thế nhưng, qua tháng, qua năm, biển cấm này được dựng lên mà dường như chẳng được mấy ai mảy may quan tâm. Các tiểu thương không chỉ bán trên vỉa hè, ngay gần tấm biển cấm ấy mà còn đổ dồn xuống dưới lòng đường để tiện bề buôn bán. Đủ các loại hàng hóa được bày ra, nào quần áo, nào túi xách, nào giày dép… Người bán cứ thế mà bán, người mua cứ thế mà chọn lựa. Mải mê theo bán buôn, xe máy, xe đạp dựng xuống cả dưới lòng đường. Đoạn đường này vốn bị các ki ốt phía bên cố định dựng gần sát mép, các chủ hàng lại còn tranh thủ mắc treo hàng hóa lô nhô ra phía trước, chiều chiều lại thêm người mua bán, thêm xe dựng… nên lòng đường như chỉ còn lại phân nửa.
Chen chúc là vậy nên không ít người mỗi khi cần có việc đi qua đoạn đường này đều cảm thấy ngán ngại, thậm chí có người chọn đi đường vòng để né.
Một chị bán hàng áo quần gần biển cấm này cho hay, ai cũng vậy cả chứ có riêng gì mình chị. Mình phải cho hàng hóa nhô ra mặt đường một tý thì mọi người mới dễ nhìn thấy, chứ thụt vào trong vỉa hè, các gian hàng khác che khuất ai thấy mà mua. Hỏi chị bán ngay kề biển cấm này mà không sợ phạt à, chị chân thành mà kể rằng cũng không quan tâm lắm vì xung quanh Trung tâm thương mại này biển cấm như vậy cả vài cái nhưng ai cũng bán, ai cũng mua có sao đâu. Thỉnh thoảng, cũng có lực lượng trật tự đô thị của phường Quyết Thắng đến, họ đến thì mình dọn cho gọn, họ đi mình lại bỏ ra bán. Chịu khó một chút, chứ đi nơi khác bán hàng hóa ế ẩm lắm…
Đúng như lời chị bán hàng tâm sự, chúng tôi đã thử chạy vòng quanh các tuyến đường khu vực Trung tâm thương mại. Nhẩm đếm sơ sơ có khoảng 5 biển cấm tương tự. Chỉ ngay đoạn đường Hoàng Văn Thụ (khúc giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo) có đến 3 biển cấm buôn bán kiểu này. Dù qua thời gian, sắc màu, chữ viết trên biển cấm đã phai nhạt nhưng ngay dưới biển cấm ấy, những người bán hàng cá đồng, cá biển, bán chuối… vẫn cứ bán buôn cố định, khách mua nhẵn cả mặt, biết cả tên!
|
Kiểu buôn bán ngay bên biển cấm này không phải chỉ riêng ở các tuyến đường bao quanh Trung tâm thương mại tỉnh. Trên đường Nguyễn Viết Xuân (đoạn từ đường Trần Nhân Tông đến đường Lê Đình Chinh) cũng có tới 2 biển cấm của UBND phường Trường Chinh cắm. 2 biển cấm sơn màu đỏ, chữ vàng ghi rõ “Khu vực cấm tụ tập buôn bán- đậu xe, đổ rác nơi công cộng, trồng rau, cây xanh trái phép”, nhưng cách đó khoảng không bao xa là xà bần đổ, là ghế nệm vứt chỏng chơ, là đám cây bí bò bên vệ đường, là hàng thịt heo, là hàng nước mía…
Nào đâu mỗi nhóm họp chợ, buôn bán hàng hóa, trên địa bàn thành phố Kon Tum còn có muôn kiểu biển cấm được dựng lên cho có. Ngay trước cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh, dù cho các biển cấm đậu đỗ xe được gắn lên nhưng thỉnh thoảng vẫn có xe taxi, xe ô tô đậu đỗ. Ngay kề biển cấm chăn thả gia súc ở khu vực Quảng trường 16/3 hay ở các hoa viên, thi thoảng lại có từng đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ…
Phổ biến hơn cả là tình trạng đổ rác ngay trước biển cấm, Báo Kon Tum đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này. Lấy đơn cử ngay ở đường Bắc Cạn, dù UBND phường Thắng Lợi đã cắm biển khu vực cấm đổ rác và kèm theo mức xử phạt (nếu vi phạm phạt tiền lên đến 2 triệu) thì cũng lăn lốc ngay đó là chiếc chiếu rách, là bì bóng, là những bao tải rác…
Xin đừng “đánh trống bỏ dùi”!
Kiểu cắm biển cấm nhưng không đủ sức ngăn chặn hành vi vi phạm này dường như ngày càng phổ biến đến mức nghịch lý và phản cảm. Cấm thì cứ cấm, vi phạm thì cứ ngang nhiên mà vi phạm. Bên dưới biển cấm đổ rác là những bịch rác vứt ngổn ngang; đằng sau biển cấm đỗ xe ô tô là đây đó những chiếc xe đậu đỗ; kề bên biển cấm họp chợ, cấm buôn bán dưới lòng đường, trên vỉa hè là kẻ bán, người mua nhộn nhịp; kề bên biển cấm chăn thả gia súc là đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ; kề bên biển cấm dẫm đạp trên cỏ là người lớn, trẻ em tung tăng nô đùa…
|
Vậy, những biển cấm này có đủ sức răn đe hay cũng chỉ là “đánh trống bỏ dùi”?
Quay trở lại những biển cấm buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè quanh các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Kon Tum. Cũng đã có nhiều cuộc họp bàn, nhiều kế hoạch triển khai, nhiều đợt ra quân dẹp nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường… nhưng mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Chứng kiến cảnh này, không ít người chép miệng, kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” này đúng là khó thật. Khó vì lực lượng chức năng không chỉ có mỗi việc canh chừng ở những biển cấm ấy; khó vì nhận thức của người dân vẫn còn những hạn chế nhất định và khó vì không ít hộ gia đình vẫn lấy bán buôn dọc bên những biển cấm làm kế mưu sinh cho cả gia đình…
Chính vì vậy, dù có cắm biển, dù có tuyên truyền nhắc nhở, dù có ra quân… nhưng kỷ cương cũng chỉ được thiết lập khi ngành chức năng có mặt. Và thực tế, dù họ có bị phạt, dù có bị tịch thu hàng hóa (những hộ bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè) thì vì kế mưu sinh, nên thua keo này họ lại bày keo khác… Thậm chí, có cấm được chỗ này, cũng chuyển sang phát chỗ khác mà thôi.
Hay như chuyện bỏ rác ngay bên biển cấm, chuyện thả bò rông nơi cấm chăn thả gia súc…, ai phạt, phạt ai đến giờ vẫn là câu hỏi khó!
Có lẽ, khi thói quen sinh hoạt tùy tiện, ý thức của người dân còn hạn chế (dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần) thì ngành chức năng, chính quyền địa phương không thể trông chờ kỷ cương được thiết lập chỉ từ những biển cấm ấy. Vì suy cho cùng, một khi thiếu đi sự kiểm tra, giám sát, xử lý, thiếu đi các biện pháp giải quyết đồng bộ thì những biển cấm ấy cũng chỉ là lời nhắc nhở cho có lệ mà thôi!
Thành phố Kon Tum đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2020 và hướng đến xây dựng một đô thị theo hướng xanh, văn minh, hiện đại. Do đó, tình trạng nhếch nhác, vi phạm bên những biển cấm như vừa nêu sẽ gây mất mỹ quan, trật tự đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố. Vẫn biết rằng, việc thay đổi thói quen vốn không dễ; thay đổi sự tùy tiện lại càng khó hơn. Nhưng, nếu chế tài đủ nghiêm, đủ mạnh, đủ kiên quyết; nếu chính quyền địa phương, ngành chức năng có những giải pháp căn cơ, đồng bộ…, kiểu vi phạm bên những biển cấm này sẽ dần được hạn chế.
Nguyên Phúc