Những ánh đèn trong đêm
Tôi bất ngờ nhận được một lá thư, hai chữ “A Vét” đề ngoài phong bì dù khá nghệch ngoạc lại làm tôi xúc động. Vậy là A Vét đã giữ đúng lời hứa rằng sẽ tự tay viết cho tôi một lá thư khi “cây bút đã theo tay mình”.
Lá thư chỉ có mấy dòng, chữ viết rất to và xiêu vẹo: Tôi là A Vét đây. Nay tôi đã biết đọc, biết viết chữ rồi. Cả làng không còn ai mù chữ nữa.
Đọc thư mà tôi nôn nao nhớ đến cái thôn nhỏ với vài chục nóc nhà bám cheo leo vên sườn núi Vắc Già, phía Đông dãy Trường Sơn, ở độ cao 900-1.000m. Ba bề bốn bên là núi cao, rừng già, đứng ở làng phóng tầm mắt đi đâu cũng chỉ thấy rừng là rừng.
Tôi nhớ đến những con người mà tôi đã gặp nơi đây. Họ mộc mạc, cũ kỹ, nhưng phóng khoáng, chân thành như cây rừng, vững chãi như những ngọn núi vươn mình lên trời cao.
Tôi đã lên làng nhiều lần. Và lần nào cũng vậy, đều cảm động rơi nước mắt bởi tình cảm nồng ấm của bà con. Sống đùm bọc, yêu thương nhau, sống sạch, sống thơm đã đành, dân làng còn hiếu khách lắm lắm. Hiếu khách một cách tự nhiên, đậm đà chứ không màu mè, lấy lòng.
|
Và tất nhiên là tôi nhớ A Vét, người đàn ông có gương mặt hiền lành, và cách nói chuyện chậm rãi, tiết kiệm từng lời, nhưng đã nói là chắc như dao chém đá. Càng nhớ những bữa cơm ăn với thịt chuột, rau rừng chấm muối ớt bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng của A Vét.
Trong chuyến đi cách đây mấy tháng, tôi cùng mọi người quây quần quanh đống lửa cháy rừng rực giữa nhà sàn của A Vét. Câu chuyện cứ miên man không đầu không cuối, từ phòng, chống rét cho trâu đến chuyện làm lúa vụ đông xuân, đào ao nuôi cá.
Chợt có tiếng gọi í ới ngoài cửa, vợ A Vét khoác vội cái áo ấm, chào tôi rồi đến góc nhà khoác cái túi nhỏ lên vai, kéo tấm cửa đan bằng nứa đập dập bước ra. Những người khác cũng lục tục đứng dậy chào về. Ánh sáng từ những chiếc đèn pin loang loáng, cùng hướng về đầu làng.
Tôi ngạc nhiên hỏi: Mọi người đi đâu vậy? A Vét cười: Đi đến lớp học xóa mù chữ đấy. Lớp xóa mù chữ ấy à? Tôi bật lên thích thú. Chứ sao. Vợ mình đã biết đọc, biết viết rồi đấy- A Vét nói, giọng tự hào.
Thì ra, sau một quá trình vận động, từ mấy tháng nay, lớp xóa mù chữ được mở tại điểm trường ở làng. Lớp có hơn 20 người, hầu hết ở độ tuổi 30 trở lên. Dù đã lớn tuổi, nhưng mọi người đều ham học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính.
|
Mỗi tuần 3 buổi, khi màn đêm buông xuống, giữa núi rừng lại vang lên tiếng tập đánh vần, tiếng đọc bài. Những bàn tay cứng cáp, thô ráp, quen cầm cuốc, cầm dao lại đánh vật với việc điều khiển cây bút.
Hèn chi, lúc tôi mới lên đến cổng làng, gặp một người phụ nữ hai tay xách 2 túi nilon đi trên đường, hỏi rằng “đi đâu về mà nhiều túi thế?”. Chị vui vẻ đáp rằng “đi mua vở với bút về”.
Tôi tò mò quá, không phải sách vở, bút cho con em đồng bào DTTS đều được mua, được phát từ đầu năm học hay sao? Nên hỏi tiếp: Chị mua cho con à? Không, mình mua cho mình, tối đi học lớp xóa mù mở ở làng.
Ngày xưa, con đường đất nhỏ dẫn lên làng mảnh như sợi chỉ, quanh năm suốt tháng chỉ thấy bóng người lầm lũi đi bộ. Đường đi không tính bằng cây số mà bằng giờ đi bộ. Một giờ, hai giờ, nhìn lại vẫn thấy núi, thấy rừng.
Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân vẫn quan niệm “con chữ không no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, cộng thêm đường đến trường khó khăn, chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện học hành.
Cho nên, ở lứa tuổi anh A Vét, từ nhỏ chỉ biết đi rừng, phát rẫy, trồng mì, trồng bắp. Hầu hết đều không biết chữ, hoặc có được học đến biết đọc biết viết thì sau đó cũng tái mù.
Rồi con đường vào làng được bê tông hóa; điện được kéo về xua đi cái giá lạnh của núi rừng. Ngôi làng heo hút như thay da đổi thịt. Đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản thuận tiện; đời sống bà con được nâng cao.
Điểm trường được mở tại làng. Dù chỉ là một gian nhà cấp 4 xây gạch, với 2 phòng học, nhưng con em trong làng không còn phải đi xa, thật xa để đến trường. Mỗi buổi sáng, trong sự tĩnh lặng của núi rừng đã vang lên tiếng đọc bài, như dấu hiệu của một cuộc sống mới tươi đẹp đang về.
A Vét rất thích nghe đám trẻ, trong đó có con của mình, đọc bài. Mỗi sáng, dù không có việc gì, anh cũng đi qua điểm trường, đứng ỏ đó một lúc nghe và mỉm cười.
A Vét không đi học à? Tôi hỏi, nhìn khuôn mặt góc cạnh của anh hồng lên trong ánh lửa. Anh xua xua tay: Có chứ. Có đi học được mấy buổi, nhưng con chữ, phép tính không chịu ở lại trong đầu mình, bàn tay mình không cầm nổi cây bút. Nên nản, nghỉ rồi.
Cứ theo A Vét thì đánh vần đã khó, không chỉ có A Vét mà nhiều người nữa, cứ bực mình vì lẫn lộn mãi giữa o với ô, ơ, giữa a với ă, ấ, rồi e với ê, đến khi viết chữ còn khó hơn.
Cây viết bé tý, nhẹ hều, vậy mà cầm vào tay cứ nặng chịnh chịch, ngang bướng lắm, không chịu làm theo sự điều khiển của người viết. Toát mồ hôi mà không khép nổi vòng tròn chữ o, thành ra méo xẹo, cả lớp cười ồ.
Trong khi đó, vợ A Vét tiến bộ nhanh, đã biết được mặt chữ, có thể ghép vần và đánh vần được các từ đơn giản, phát âm chuẩn hơn và viết được những từ cơ bản thành câu, được cô giáo khen. Thế là A Vét vừa tự ái vừa xấu hổ, bỏ học luôn.
Như vậy là A Vét không đúng rồi. Có tự ái, có xấu hổ thì phải cố gắng để học giỏi hơn, chứ sao lại bỏ về. Như thế là thua hẳn đấy- tôi nói.
A Vét có vẻ suy nghĩ hung lắm, rồi quả quyết: Hôm qua, già làng, cô giáo gặp và nói rằng, giờ trong làng gần như chỉ còn mỗi A Vét là mù chữ, Cái tên mình cũng phải nhờ vợ viết giúp, xấu hổ vô cùng. Nên mình nghĩ phải đi học lại thôi. Khi nào biết viết, mình sẽ viết thư báo cáo với anh.
Vậy mới phải- tôi vỗ vai A Vét và nhìn ra đường. Những ánh đèn pin từ các ngả vạch ra những vệt sáng trong đêm, cùng hướng về điểm trường.
Hồng Lam