Như anh em một nhà
“Bộ đội ấy à...Bao năm qua, dân mình coi bộ đội như anh em, bà con một nhà vậy”. Câu nói ấy của già A Glá - Nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã Mô Rai không chỉ là tình cảm của người dân nơi đây dành cho những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đóng quân trên địa bàn xã mà nó như thay cho lời muốn nói của người dân biên giới với những người “lính quân hàm xanh”.
Hôm ấy, chúng tôi có chuyến công tác vào xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), chưa đến nơi nhưng nhìn chiếc kim xăng xe máy tôi đã thấy báo vạch đỏ. Tôi đang loay hoay tìm chỗ đổ xăng thì gặp được hai chiến sĩ biên phòng cùng trên đường vào xã, tôi liền hỏi thăm, các anh cười trừ, vỗ vỗ vào chiếc bình xăng của chiếc xe Win bảo “cây xăng đây, các chị chờ chút nhé”. Tôi “mắt tròn, mắt dẹt” chưa kịp hiểu ra thì một anh nhanh chóng mở yên xe lấy ra một chiếc ống hút nhựa rút xăng ra chiếc chai đựng nước lọc đã hết, rồi đổ sang xe chúng tôi.
Xong việc, anh quay sang hỏi thăm: “Chắc các chị từ dưới phố lên hả? Từ đây vào tới cây xăng trong xã phải gần chục cây số nữa, bây giờ có thể yên tâm đi đến nơi rồi. Chúng tôi vào đơn vị, tiện đường dẫn các chị đi luôn”.
Lẩm cẩm thế nào mà tôi quên béng việc hỏi tên, chỉ biết các anh là cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Ia Lân. Dù mới gặp, nhưng tôi thấy như đã thân quen nên bông đùa: “Chắc các anh biết hôm nay chúng tôi lên xã công tác và biết trước rằng xe sẽ hết xăng dọc đường nên chuẩn bị sẵn đồ nghề phải không ạ?!”.
Một anh đáp lại: Chị khéo đùa, cả hai việc chúng tôi đều không biết. Nhưng có một điều chúng tôi biết chắc là, ở một nơi khó khăn như Mô Rai chuyện hết xăng giữa đường xảy ra không phải ít, mua xăng càng không dễ và ở một cung đường lô mô sỏi đá mà ngay cả nhìn thôi đã ngao ngán, thì phải dắt bộ xe máy không phải đơn giản tý nào. Vì vậy, chúng tôi mới chuẩn bị đồ nghề để sẵn sàng chia sẻ cho những ai gặp phải trường hợp như các chị. Thực tế, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như các chị. Khổ nhất là những trường hợp bà con trong xã đưa người nhà đi khám bệnh hay chở con nhỏ đi xa mà không may gặp phải cảnh này thì thật “khóc dở mếu dở”. Cho nên xe của chúng tôi thường đổ đầy xăng để nếu lỡ ai đó trên đường đi cần hỗ trợ mình còn giúp được...
Vừa dứt lời, đi được chưa bao xa, chúng tôi thấy có hai người phụ nữ và một cháu bé đang đứng cạnh đường giơ tay ra hiệu giúp đỡ. Tấp vào, chưa kịp hỏi han tình hình thì một người phụ nữ nhanh chóng phân trần: “Xe hết xăng rồi bộ đội ơi, nhà mình ở xa quá, mãi dưới làng KĐin cơ”.
Dường như đã quen với điều này, không hỏi gì thêm, các anh lại lục đục thao tác chiết xăng sang xe cho hai người phụ nữ. Xong xuôi, các anh tươi cười nhắc nhở: “Xong rồi, đi về cẩn thận, đến xã nhớ đổ xăng nha”.
Mấy ngày ở lại Mô Rai, gặp gỡ nhiều người, nghe nhiều câu chuyện về tấm lòng của các chiến sĩ Biên phòng, tôi hiểu, bộ đội Biên phòng là chỗ dựa của người dân nơi đây. Chuyện gì khó khăn hay bất trắc trong cuộc sống mà người dân gặp phải, chỉ cần các anh biết hoặc người dân nhờ vả, các anh đều hết sức giúp đỡ. Từ chuyện cấy lúa, làm vườn, nuôi bò rồi đến chuyện hoà giải mấy thanh niên làng đánh nhau, giúp đỡ con em trong xã đi học, cưới xin, ma chay...các anh đều không nề hà. Thế nên, mọi người rất tin tưởng, yêu thương các chiến sĩ Biên phòng. Đến Mô Rai, gặp bất kể người nào từ già đến trẻ, từ người Ja Rai ở làng Rẽ, làng Tang... đến người Rơ Măm ở làng Le, hỏi về bộ đội Biên phòng, họ đều hết lời ca ngợi với tấm lòng biết ơn.
Mấy năm rồi, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt đầy tự hào và biết ơn của ông già A Glá (làng Le) khi nhắc tới bộ đội Biên phòng ở nơi biên giới này. Ông bảo: “Bộ đội ấy à! Nhà báo biết không, người dân Mô Rai mình yêu quý bộ đội lắm. Bao năm qua, dân mình coi bộ đội như anh em, bà con một nhà vậy. Cái bụng của bộ đội tốt lắm nên dân mình tin tưởng, một lòng theo bộ đội, gắn bó cùng bộ đội để canh giữ vùng biên giới của đất nước”.
Ngẫm lại mới thấy, chẳng riêng gì ở Mô Rai, những nơi tôi đã từng đến từ biên giới Đăk Nhoong, Đăk Long (huyện Đăk Glei) Đăk Dục, Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) hay Ia Dal, Ia Tơi (Ia H’Drai)...nơi đâu tôi cũng được nghe, được thấy những việc làm nghĩa tình, ấm áp của những người lính Biên phòng đối với người dân vùng biên giới. Chính những hành động, việc làm cụ thể bằng cả tấm lòng và trái tim của những “người lính mang quân hàm xanh” ấy đã tạo nên câu khẩu hiệu “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” chứ không phải là dòng chữ khô cứng trên các tấm biển đặt trước mỗi đơn vị.
Theo năm tháng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương” với nhân dân các dân tộc trên dọc miền biên giới của những người lính Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã hun đúc lên tình cảm quân dân cá nước. Vì thế mà, nơi nào có các anh, người dân nơi ấy đều gọi các anh với cái tên chung đầy thân thương, trìu mến như con, như anh em trong nhà: “Bộ đội ơi”!
Thùy Hương