“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”
Tối hôm ấy tôi ở lại trong căn nhà sàn của già. Mặc cho cơn gió mang theo hơi lạnh từ con suối trong rừng sâu về, mặc cho cơn mưa giăng giăng qua mái nhà, rơi xuống từng giọt, từng giọt, bên bếp lửa hồng tỏa hơi ấm khắp không gian, cả chủ lẫn khách vẫn lúc rầm rì, lúc hào hứng với những chuyện xưa, chuyện nay.
|
|
Già kể, chuyện đã lâu, lâu lắm rồi, khi ấy núi rừng rậm rạp hoang sơ, dân làng thưa thớt, vắng người lại qua, tối tối nhà nào trong làng cũng đốt lửa sáng bên góc nhà. Bếp lửa thắp sáng ngôi nhà, xua tan bao nỗi lo âu, sợ hãi, xua tan thú dữ. Bếp lửa tỏa hơi ấm, ru dân làng vào giấc ngủ ngon hơn, đủ sức cho ngày mai, ngày kia phát quang chỗ này, khai hoang chỗ kia mà trồng bắp, trồng lúa. Riết thành quen, thành nếp, chẳng biết tự bao giờ, dân làng coi bếp lửa là nguồn gốc của hạnh phúc, no đủ, sum vầy.
Còn ngày nay, dù điện lưới thắp sáng đến mọi căn nhà, xóm làng quần cư đông đúc, nhưng bếp lửa nấu bằng những thanh củi khô mà dân làng kiếm dọc đường đi rẫy, đi rừng vẫn luôn rực sáng. Bếp lửa để nấu những bữa cơm ngon. Bếp lửa hong giữ món thịt rừng gác bếp khi cha con già đi rừng bẫy được con thú to, hay sấy khô mớ măng rừng để dành làm món nọ, món kia ăn cả năm trời. Bếp lửa là nơi cả gia đình già quây quần bên nhau, kể chuyện vui, chuyện buồn sau một ngày trời vất vả.
Được nhóm lên không chỉ bằng nhiên liệu mà còn cả những ấp iu nồng đượm, những tình yêu thương, những niềm hi vọng, bếp lửa vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi, thân thương. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ở làng có bao nhiêu căn nhà là có bấy nhiêu bếp lửa luôn bập bùng sáng. Cơm chín, nước sôi nhờ cả vào đấy. Mùi thơm cơm gạo mới, vị mằn mặn của nồi cá suối kho, vị thanh thanh của mớ rau rừng luộc như quyện lẫn với mùi khói cay nồng nơi sống mũi. Cái cay nồng ấy, cái ánh lửa hồng chờn vờn ấy mãi luôn như gọi, như mời, như dẫn lối người đi xa trở về.
Với tôi, chẳng còn gì thú vị hơn khi trong không gian yên tĩnh của núi rừng, trong cái mưa lạnh dầm dề, mùi khói bếp ngấm qua cánh mũi, hơi ấm ngấm qua từng tế bào da thịt. Như được sống lại cảm xúc xa ngái ngày nào trong gian bếp nhỏ ám khói của mẹ, bên bếp lửa ấp iu nồng đượm với những vệt khói lam nhẹ tỏa. Như được chìm đắm trong không gian đồng chiều cuống rạ, với những bữa cơm rau trộn sắn khoai và thấy ký ức xa xưa nhưng tràn đầy tươi mới. Và lại nhớ đến lời ví von của mẹ, lửa nguội thì nhà suy, lửa ấm là nhà thịnh, ráng mà giữ bếp lửa đỏ cho gia đình nồng ấm, “cơm lành, canh ngọt” nghe con.
Cuộc sống ngày càng phát triển, những chiếc bếp ga, bếp điện, bếp từ trở nên tiện dụng. Hình ảnh gian bếp ám khói với bếp lửa đỏ rực vào mỗi sáng, mỗi chiều thưa vắng dần ở vùng phố xá. Có dịp về làng, thể nào tôi cũng sà vào ngồi bên bếp lửa. Để được thấm cái tình người thắm đượm khi cùng bà con quây quần nướng củ khoai lang, hay trái bắp mới hái bên bãi bồi. Được lắng nghe tiếng lửa reo vui, tiếng nước sôi, cả tiếng mỡ xèo trên chảo. Được thưởng thức vị bùi bùi rất riêng của chén cơm gạo đỏ nấu bằng bếp than, lại được chủ nhà ưu tiên cho khách xa thêm miếng thịt heo rừng gác bếp. Và có khi để được ngửi cả mùi khói cay xè xộc lên từ những thanh củi hãy còn tươi trong những ngày dầm dề mưa gió, mà lòng thầm mong những bữa cơm đủ đầy, có cá, có thịt, có tô canh cua đồng nấu với mớ rau rừng hái bên ven suối.
Lắm lúc tôi lại tự hỏi mình, sao lần nào về làng cũng lân la ngồi bên bếp lửa, hay đứng từ trên đỉnh dốc cao tần ngần ngắm nhìn những vệt khói bay qua mái nhà vẽ những nét ngoằn ngoèo trước khi hòa tan vào không gian bao la của núi rừng xanh. Có lẽ vì lỡ mê bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt: “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui/Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ/Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa” và vì những gì thân thiết, gắn liền với thời thơ ấu đều có sức tỏa sáng với mỗi người.
Nên tối hôm ấy, ngồi bên bếp lửa trong căn nhà sàn của già, tôi cũng thạo việc củi lửa lắm. Hết với thanh củi bỏ thêm vào bếp, rồi nhanh nhảu cời sáng ngọn lửa. Mặc cho gió thổi, mặc cho mưa ngoài kia không ngừng rơi, chuyện xưa, chuyện nay kéo dài, kéo dài như ngọn lửa không bao giờ tắt. Tôi cảm nhận rõ hơi ấm từ bếp lửa, hơi ấm tình người như những ché rượu cần ngay trước mặt ủ càng lâu càng đậm vị và cả hơi ấm từ căn bếp nhỏ ám khói năm nao vẫn luôn gợi về vấn vít yêu thương.
Nguyên Phúc