Nhòe cay mắt núi
Dã quỳ! Phải! Nhưng tôi vẫn thích gọi nó là hoa mặt trời hơn. Với tôi, đó là đôi mắt của núi. Mùa đông ở xứ đại ngàn này, có hoang hoải bao nhiêu, có quay cuồng trong gió rít bao nhiêu cũng vẫn tươi tắn bởi sắc vàng tươi của đóa hoa mặt trời này. Bẵng rồi, hết tuổi thơ tôi. Mùa đông sao nay buồn đến lạ? Ra là, mắt núi đã chẳng còn thức giấc đón đông này.
Chớm đông. Con đường phủ đầy gió, rít từng hồi, se lạnh. Đặc sản của Tây Nguyên là mùa đông với bạt ngàn hoa mặt trời cài trên từng góc núi, mỗi con đường, mỗi góc nhà bạc màu nắng mưa. Chẳng phải đóa mặt trời này đã nuôi lớn một tuổi thơ lấm lem và tươi đẹp?
Hôm rồi, có người anh ở xứ Quảng hỏi về Chư Đăng Ya, Gia Lai, rằng đồi hoa mặt trời ở đó chừng nào mới rộ? Thoảng thấy, quanh mình, vốn cũng từng là bạt ngàn hoa.
Đó là một con đường nhỏ lách qua những ngôi nhà, vắt qua bản làng như một dải lụa màu xám. Mùa đông, gió thổi thốc từng thảm cát bay trắng xóa. Ven đường là những bụi hoa mặt trời cao tít, mấy đứa nhỏ phải nhón chân rướn thật cao mới với tới bông mặt trời vàng rực đó. Hồi ấy, hàng rào là những thanh tre, thanh lồ ô cột bằng lạt. Từng bụi cây mặt trời cứ thế dựa lưng vào những thanh cây khô khốc đó mà lớn lên, rồi đơm hoa.
Cứ thế, chúng tôi lớn lên trong cái lấm lem đất cát. Trên mỗi con đường chúng tôi cọc cạch đạp chiếc xe hoen rỉ đến lớp, đều có ánh hoa mặt trời bầu bạn. Cái nghèo khiến chúng tôi không với tới những đóa hồng xinh xắn, được gói ghém trong tờ giấy bóng trong suốt bày bán ở những quầy hàng ngoài chợ mỗi dịp đến Lễ tri ân người đưa đò. Nhưng mùa đông lại ban tặng cho những học sinh nghèo của núi những bông hoa mặt trời vàng thắm. Thật biết ơn sự hồn hậu của những thầy giáo, cô giáo bám làng, bám bản khi ấy. Bởi tình yêu thương thuần khiết đó mà chúng tôi đã lớn lên, đi qua tuổi thơ thiếu thốn của mình không hoen vết mặc cảm.
|
Chớm đông rồi, con đường dài hơn 10 cây số đi từ huyện về làng đung đưa theo cơn gió chiều buôn buốt. Ở khúc cua tay áo đó, vốn dĩ mấy năm trước có một bụi hoa mặt trời xum xuê chìa từng bông hoa vàng ánh ra ngoài đường khoe mẽ. Bụi hoa đó, nằm ở hàng rào của một khu vườn nho nhỏ, năm nào cũng bị chủ vườn dày xéo, phát trụi tán, chỉ còn chừa lại những khúc thân già trơ trọi. Thế mà năm nào nó cũng gắng gượng hút nhựa sống từ đất cằn, vươn mầm non, xòe tán và đơm nụ, chờ đến khi cơn mưa rừng dứt quay cuồng, trời hiu hiu trong cơn gió hanh hao thì lại vươn bông, nở vàng tươi, như chưa từng có sự tổn thương nào.
Hôm ấy, cây vẫn xanh tươi và đã chuẩn bị sẵn những mầm non mơn mởn nhất để đông về lại khoe nét vàng tươi. Chẳng có biết cả đám lại bị giày xéo. Lần này, cây chẳng còn gượng đơm hoa thêm được nữa. Dòng người vẫn ngày ngày đi qua đi lại, thấy thiếu thiếu, thấy buồn buồn, nhưng rồi cũng vẫn lướt qua, hối hả.
Suốt đoạn đường trở về làng, có lác đác những bụi hoa mặt trời khẳng khiu và tơi tả may mắn được sót lại, cũng nhờ nằm lọt dưới những ta luy đường sâu hun hút, rậm rạp. Hoặc thấp thoáng hai bên mương thủy lợi sâu tít ven đường… Chúng ta đã ích kỉ như thế nào, khi vốn chẳng màng đến sinh tồn của loài hoa dại này nhưng lại thản nhiên ngoái nhìn, thưởng thức nét vàng óng rực rỡ của đôi mắt núi ấy, chúng đã phải tự mình cố gắng sinh tồn dưới bàn tay lấn chiếm của con người. Thật ích kỉ, mỗi khi lòng bộn bề cơm áo, chúng ta lại mặc nhiên tìm niềm trấn an tâm hồn ở đôi mắt núi vàng rực đung đưa trong cái gió quăng quật chiều tan tầm, nhưng lại thản nhiên bóp nghẹt đất sống của loài hoa đó mỗi khi cảm thấy nó vướng víu làm sao.
Dạo này, khắp con đường làng, người ta hò nhau trồng hoa điểm tô cho làng cho xóm. Nào mười giờ, đồng tiền, hoa giấy, dâm bụt, dừa cạn, sao nhái,… đua nhau được trồng mọi ngõ, khoe đủ sắc xanh vàng, chảnh chọe. Con đường bê tông trọc lóc nay cũng mềm mại duyên dáng hơn hẳn. Đẹp! Nhưng thiếu! Hoa mặt trời vốn gắn liền với cái nắng, cái gió nơi này. Nhắc đến Tây nguyên, là nhớ ngay đến những cung đường rợp hoa mặt trời vàng óng ả, đến những triền đồi trải ngàn hoa mặt trời. Nó, làm nên thương hiệu đậm nét hoang sơ của đại ngàn. Sức sống của hoa mặt trời mãnh liệt đến nỗi, chưa kể đến việc chẳng phiền lụy đến con người chăm bẵm nâng niu hay nhất nhất phải chọn một mảnh đất mỡ màu phẳng phiu để bám rễ sinh sôi, mà ngay ở những nơi cằn khô đá sỏi, cây vẫn tự mình vươn lên để sống, độc lập và dung dị. Bởi vậy, vốn trước kia, khi chưa có sự hiện diện của những cột rào bê tông cốt thép, những chiếc lưới sắt dày kịt và lạnh ngắt, thì người dân đã tận dụng trồng loài hoa mặt trời làm hàng rào. Bởi vậy, những năm tháng cũ kĩ đó mới có những vạt hoa dã quỳ vàng rực ven đường, hệt như dải lụa thêu hoa vắt qua những ngôi làng bình yên nằm dưới chân núi.
Thật lạ! Tôi đã và đang nghĩ thế. Nếu đã là trồng hoa làm đẹp cho xóm làng, nếu đã cất công chăm bẵm những cây hoa khó tính, sao không một lần, cho loài hoa dại đó một cơ hội, được trở lại với những gì từng thuộc về? Hẳn nhiên, nó vốn chẳng có lỗi gì. Hoặc giả, là đôi mắt núi đó đã quá bao dung, bao dung đến nỗi dù có bị quên lãng, phũ phàng, thì vẫn tìm cách ở đó, mòn mỏi chờ đến lúc, có ai đó hoài niệm đến nó, để cho nó có cơ hội được tiếp tục trở về bên những con đường, mỗi góc nhà, mỗi khoảnh sân bé con.
Biết đâu đó, nếu cho loài hoa đó, đôi mắt đó một cơ hội trở về, cũng sẽ là cho những người đã từng đi qua những mùa vàng xưa cũ được cơ hội trở về những mùa đông dạt dào xúc cảm. Và biết đâu đó, cũng là để những đứa trẻ bây giờ, có lý do được tạm rời đôi mắt non trẻ khỏi chiếc màn hình smartphone hay những khu vui chơi giải trí hiện đại, để được vui đùa dưới ngàn hoa đó, được lấm lem vài lần, có cơ hội được nuôi lớn tâm hồn và hoài niệm bằng nét dung dị của những bông mặt trời bé con.
Có vô vàn văn, thơ đã viết về hoa mặt trời. Có vô vàn những vạt hoa mặt trời vẫn đang khoe sắc và vươn mầm mãnh liệt trong thơ, ca. Nhưng có áng thơ nào đẹp bằng một bông hoa mặt trời đang thực sự đón nắng? Hôm nay, đi trên con đường vốn từng là những dải hoa vàng óng nhưng chỉ còn lác đác vài khóm hoa mặt trời gầy guộc lưa thưa. Buồn lạ!
Mắt núi, vốn sẽ chẳng đợi ai được mãi...
Chung Loan