Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”
Ai cũng có một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm. Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy ở quê cũng “đặc biệt” lắm. Đó là ngoài việc đi học, còn phải phụ giúp gia đình chăn bò, cắt cỏ, làm đồng. Tất nhiên, đó cũng là những ngày tháng vui chơi đầy ắp tiếng cười.
Đã mấy mươi năm trôi qua, những đứa trẻ chăn trâu, chăn bò như chúng tôi ngày ấy bây giờ gần như đều đã rời quê lên thành phố để lập nghiệp, mưu sinh. Nhưng trong dòng chảy của cuộc sống, lâu lâu có dịp gặp lại nhau, ôn lại những câu chuyện cũ, ai ai cũng đều nhớ về một thời “cắt cỏ, chăn bò” của mình với những kỷ niệm thật vui.
Ở quê tôi ngày trước gần như nhà nào cũng nuôi bò. Ngày ấy, trẻ con ở quê học một buổi, nên như một lẽ tất yếu, việc chăn dắt bò luôn có sự tham gia rất tích cực của trẻ con. Nhiều nhà, “trọng trách” này được giao hẳn cho đám trẻ, cứ sáng đi học, chiều đi chăn bò.
Bữa nào được nghỉ học là mặc nhiên bữa đó chị em tôi được giao hẳn việc chăn bò. Sáng ra, cơm đùm cơm nắm xong là chúng tôi lại rủ nhau lùa bò ra đồng hay lên những quả đồi có nhiều cỏ để chăn thả. Trưa đến, cả đám gom lại ăn cơm chung, đến chiều mới đưa bò trở về nhà.
Cứ thế, cả ngày đàn bò được tha hồ gặm cỏ trong không gian rộng lớn của thiên nhiên, còn con nít chúng tôi thì ngập niềm vui với những việc mà mình rất yêu thích như là bắt cua, bắt cá, hái trái rừng và không thể bỏ qua việc tổ chức những trò chơi dân gian.
|
|
Cũng có hôm chúng tôi mải chơi, quên cả việc trông đàn bò, để bò phá vườn, phá ruộng của nhà khác, và thế là chiều về “được” nghe “nạn nhân” sang tận nhà mắng vốn. Thôi thì đủ chuyện. Từ đám lúa nhà ông Hai bị bò gặm mất một khoảnh, chuyện đám đậu của nhà bà Ba bị bò dẫm nát một góc, đến bờ cỏ nhà cô Bảy để dành cho con bò sắp đẻ đã bị đàn bò nhà ai ăn mất phân nửa. Và mỗi lần như thế, người lớn trong nhà toàn phải “chịu trận” thay cho trẻ con.
Thích nhất là kỳ nghỉ hè. Lúc này, gần như ngày nào chúng tôi cũng được đi chăn bò nguyên ngày. Sáng ra, “hội chăn bò” trong xóm, toàn là con nít, đã í ới gọi nhau. Chiều muộn trở về nhà, trên con đường làng, từng đàn bò lững lững bước đi chậm rãi trong tiếng cười nói rôm rả của đám trẻ. Bởi thế, sau một kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới, trông chúng tôi đứa nào đứa nấy đều đen nhẻm vì da bị cháy nắng, tóc thì vàng hoe và khét. Nhưng con nít mà, thời ấy đâu đứa nào chú ý đến vẻ bề ngoài, chỉ biết rằng mình được thỏa sức vui chơi là đã thấy thích rồi.
Còn chuyện đi cắt cỏ cho bò thì vui và thích thú khỏi phải bàn. Đó thường là những ngày mưa, khi ấy thức ăn dự trữ cho bò như rơm rạ cũng vơi dần nên nhà nông phải cắt thêm cỏ ngoài đồng đem về để đảm bảo thức ăn cho gia súc. Thường thì công việc này người lớn chẳng nhờ, nhưng con nít chúng tôi lại hay xung phong, vì biết đây là cơ hội để mình được nghịch ngợm. Bởi mùa mưa, nước thường tràn vào ruộng, cua từ trong hang bò lổm ngổm lên bờ, cá thì quẫy tung tăng trong chân ruộng. Chỉ cần chịu khó mò mẫm bùn đất một chút là chiều về thể nào bọn trẻ chúng tôi cũng có được những mớ cua, mớ cá ngon lành. Hơn thế, khi bắt cua, bắt cá, cả đám tha hồ mà quậy, mà nghịch, từ đầu đến chân trét đầy bùn đất, chỉ hở hai hàm răng và hai con mắt, mà đứa nào đứa nấy vẫn cười như nắc nẻ.
Trên cánh đồng chiều, cùng với việc cắt cỏ, chúng tôi còn lần theo những bờ ruộng hái về những mớ rau dại cho mẹ nấu bữa cơm chiều. Thời ấy, người ta làm ruộng không có phun, xịt nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu như bây giờ nên các loại rau dại mọc ở bờ ruộng như rau má, rau tàu bay, rau chua lẻ đều nhổ về ăn được.
Rau má đồng mà nấu canh thì ngon hết sẩy, cái chất đắng thì hơn rau má trồng ở vườn nhà, nhưng lại rất thơm. Rau chua lẻ ăn kèm với rau sống hoặc nấu canh thì mát lành, nhất là cái vị chua chua rất hợp với ngày hè và những món canh cá đồng. Lá tàu bay thì luộc lên rồi chấm mắm nêm thì ngon thôi rồi.
Bây giờ ngồi nhắc lại mà thấy thèm những món ăn dân dã đồng quê ấy thật nhiều.
Còn nhiều, rất nhiều chuyện vui về thời cắt cỏ, chăn bò của những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi ngày ấy, với biết bao nét hồn nhiên, chân chất, mộc mạc. Để rồi bây giờ mỗi khi có dịp được gặp nhau, ôn lại một thuở cùng nhau cắt cỏ, chăn bò vẫn thấy rộn vui trong lòng.
SÔNG CÔN