Nhớ Tết
Tôi cho là, với mỗi người con xa quê, không có gì gợi nhớ nhiều bằng một tiếng “Tết”. Và cũng không có gì để ta gom nhiều nỗi nhớ vào đó như một tiếng “Tết” ấy.
Nhiều năm qua, với tôi, Tết bao giờ cũng bắt đầu từ một cuộc điện thoại của mẹ. Năm nay có về ăn Tết được không con? Câu hỏi đầu tiên của cuộc gọi đầu tháng Chạp là như vậy.
Trời đất ơi, mẹ hỏi chi sớm. Công việc đùm đề vầy- cậu con trai hơi gắt gỏng kiểu làm nũng với mẹ. Còn mẹ thì kiên nhẫn: Thì tau biết bay bận việc nên mới hỏi trước để còn chuẩn bị.
Với lại, con có về thì cũng đừng bày vẽ chi cho mệt. Cần gì thì con lên phố mua, bây giờ thiếu chi- tôi dấm dẳng.
Mẹ có vẻ giận: Thế thì kệ các anh, các chị. Nhưng tôi biết chắc, bà đã tính toán đâu vào đấy cả rồi. Gà thả vườn từ tháng 5, lợn nuôi trong chuồng từ tháng 3, cá thì dạm trước chỗ mấy nhà có ao hồ ngoài bìa đồng. Đám lá dong thì không được đụng dao từ tháng 10.
Nhưng cũng từ cuộc điện thoại ấy, mà những gì nhớ nhung đều tràn ra, như đạp tung bức vách ngăn nhốt chúng ở xó xỉnh nào đó trong đầu.
|
Tôi cho là, với mỗi người con xa quê, không có gì gợi nhớ nhiều bằng một tiếng “Tết”. Và cũng không có gì để ta gom nhiều nỗi nhớ vào đó như một tiếng “Tết” ấy.
Lại thấy thương, thấy nhớ mẹ làm sao. Mẹ tôi ấy, là một nông dân chính hiệu. Bà luôn muốn tự tay chuẩn bị tất cả những gì mà con cháu muốn ăn và có thể sẽ muốn ăn. Dù chính bà cũng biết rằng, tụi nó chỉ mất mấy chục phút lên thị trấn mua sắm là đủ cả.
Nhà ít người, con cái làm ăn xa, mà năm nào bà cũng lui cui chuẩn bị Tết từ sớm. “Không chuẩn bị, Tết tụi nó về lấy gì ăn”- bà cự nự khi bố tôi phàn nàn.
Viết đến đây, tôi lại hình dung cảnh vợ chồng già (là bố mẹ tôi ấy) ngồi trên tấm chiếu trải trước hè, ngắm vườn cây đang nôn nả vào Xuân trong tiết trời bảng lảng khói sương.
Mẹ rót cho bố một ly trà đặc, rồi hối ông chẻ lạt gói bánh chưng từ những ống giang (một loại tre) bánh tẻ mẹ mua hôm trước để treo gác bếp, khi dùng chỉ việc lấy xuống ngâm nước là dẻo dai vô cùng.
Rồi hỏi năm nay ông có gọi ai chung thịt lợn không, hay chỉ nhà mình? Mà tôi nhắm cũng chỉ đủ cho nhà mình thôi. Chúng nó bôn ba nhọc nhằn cả năm rồi, về nhà thì phải nghỉ ngơi, ăn uống đã đời.
Mẹ vẫn thuộc lòng cách ăn của con mình, và bà tin là cho đến nay vẫn chưa thay đổi. Nên trong mâm cơm ngày Tết kiểu gì cũng phải có món thịt gà nấu đông ăn kèm dưa hành cho cô cả, nem chua cho thằng hai. Còn cô ba mê cá đồng kho với gừng thật kỹ; thằng út thì khoái chân giò hầm măng.
Thế là, trong khi đám con cháu vẫn đang túi bụi với cuộc mưu sinh đâu đó xa tít tắp, thì ở quê nhà, bố mẹ đã chụm đầu bàn tính chuyện ăn Tết.
Tết quê trong tôi, cũng tức là mùa Xuân nơi quê nhà trong tôi còn là những ngày có mưa lất phất bay, có gió lành lạnh, có hoa xoan rắc đầy ngõ vườn. Có vại dưa hành, nồi thịt đông và bếp lửa bập bùng nấu bánh chưng.
Là phút giây giao thừa và 3 ngày đầu năm nhang trầm, đèn nến tỏa khói trên bàn thờ gia tiên. Là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường. Là những bữa ăn đông vui, cười đến rung rinh mâm cơm.
Là những ngày tất bật ngược xuôi lo Tết của mẹ, khi còn đám con lít nhít. Không biết bao nhiêu lần, bố tôi nói với mẹ “thôi nhé, năm nay nhà mình ăn tết kiệm thôi, không phải chuẩn bị gì đâu, vất vả quá”. Và năm nào mẹ cũng trả lời rằng “yên trí, năm nay có gì ăn đó”.
|
Ấy thế mà từ đầu tháng Mười Một ta, mẹ tôi đã bần thần tính toán chuyện Tết. Đúng là nhà nghèo, muốn con cái có một cái Tết tươm tất chút đỉnh không tính xa như thế không được.
Mẹ có hẳn một cuốn sổ- chúng tôi hay gọi vui là “sổ Nam Tào”- trong đó mẹ ghi trăm thứ nhì nhằng cần cho một cái Tết không to nhưng cũng không lùi xùi. Có những thứ đã thành “truyền thống”, có những thứ mới nảy sinh, mới nghĩ tới.
Tháng Chạp, từ đầu tháng đến giữa tháng là mẹ đi chợ mua dần những thứ nhà không có. Qua rằm là bà bắt đầu hì hụi với bánh mứt, dưa muối, thịt gác bếp. Vừa làm mẹ vừa hướng dẫn chị cả tỉa củ cải, cà rốt, đu đủ thành hình hoa, hình trái tim cho món dưa góp thêm phần bắt mắt.
Bố thì chỉ huy tôi và thằng út dọn dẹp trong vườn, ngoài ngõ, sau đó là dọn dẹp bàn thờ; quét mạng nhện nơi góc nhà; lau cửa, bàn ghế; chuẩn bị củi khô để nấu bánh chưng. Mệt phờ.
Thỉnh thoảng ông ái ngại nhìn dáng mẹ ngồi khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất mà lắc đầu.
Đáng lí ra thì công lên việc xuống như thế, mẹ tôi, chị tôi phải mệt đứ đừ đi ấy chứ, nhưng không, lại tươi là khác. “Những ngày này mà mẹ chúng mày không được bận rộn mới là niềm đau khổ lớn”- ông nói.
Cũng chẳng biết là vì làm việc nhiều mà quên mệt? Hay vì tiết trời vào Xuân? Hoặc phải chăng vì con trai, em trai về quê ăn Tết mà bao vất vả vẫn thấy phơi phới lòng yêu thương nên vui quên mệt chăng?
Tôi thì cho rằng cả ba lý do trên. Còn mẹ thì mắng yêu: Rõ cái thằng. Văn chương, chữ nghĩa cho lắm vào nên cứ lan man. Mẹ vui vì năm hết Tết đến, nhà cửa bình an, vui vẻ.
Và lần nào rời đi, con trai thì bần thần vì cái nỗi lâu, rất lâu sẽ không gặp bố mẹ, còn mẹ thì phẩy tay: Đi đi nhé, nhớ gì mà nhớ. Tết lại về với mẹ.
Trời, mới ăn Tết xong đã nhắc đến Tết rồi- tôi vừa đi vừa nghĩ. Nhưng trong lòng lại đã cồn lên nỗi nhớ… Tết. Mà sao không nhớ cho được? Giá như có thể gói lại, bỏ vào trong túi xách, lâu lâu lại hé ra nhìn để đỡ nhớ, để có đủ niềm vui đi trọn những ngày tháng mới đến Tết sau.
Có thể còn nhiều thứ nữa mà tôi không thể nhớ, không thể biết hết để kể lại. Toàn những thứ vụn vặt, chắp vá thôi, vậy mà gom lại cũng thấy nhớ đến nao lòng.
Cũng mong bạn đọc lượng tình người con xa quê mà tha thứ cho những câu văn rời rạc, chắp vá và không theo khuôn mẫu, được viết lên bởi một người viết vụng về, đang cồn lên nỗi nhớ da diết về cái Tết nơi quê nhà.
Tết đến, vượt qua tất cả là nỗi nhớ mềm, ấm và ngọt ngào!/.
Hồng Lam