Nhớ sao bánh ít khoai mì
Tên thì rõ ràng là bánh ít, nhưng không làm bằng bột nếp, mà lại làm bằng bột khoai mì. Thế mới lạ, nhưng thật ngon. Ngon đến mức bây giờ tôi vẫn thấy nhớ sao mà nhớ món ăn quê kiểng ấy.
Đã gọi là bánh ít khoai mì thì hiển nhiên rằng, nó là bánh ít. Cho nên cách chế biến món bánh này cũng chẳng khác chi bánh ít bột nếp. Có khác chăng là nguyên liệu làm bánh lại từ… khoai mì.
Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, chị em tôi y chang nhau, đều khoái món bánh ít khoai mì.
Mỗi khi đám mì gòn má trồng sau nhà đến mùa thu hoạch là mấy chị em lại nghĩ ngay đến bánh ít khoai mì. Do đây là loại bánh làm rất kỳ công, tốn nhiều thời gian nên thường phải chờ đến hôm được nghỉ học, mấy chị em mới vào bếp để phụ má chế biến.
Lớn hơn một chút, được má “truyền nghề”, nên chị em tôi có thể tự làm được, và làm thành thạo món bánh này.
Điều thú vị nhất là, dù đã chế biến món bánh này không biết bao nhiêu lần, nhưng chỉ cần nhắc đến nó là cả nhà đều háo hức, muốn vào bếp ngay.
Và như một sự phân công rạch ròi, không ai bảo ai, tự động làm phần việc của mình. Ba thì hái dừa, má rọc lá chuối, các công đoạn làm bánh còn lại do mấy chị em đảm nhận.
Chị gái đi nhổ mì, lột vỏ, ngâm nước, mài củ thành bột; tôi rang đậu phộng, có khi luộc đậu đen, để làm nhân bánh; đứa em kế đảm nhận phần việc phơi lá chuối cho héo để dễ gói bánh, sau đó là bào dừa làm nhân.
|
Ngày trước, cuộc sống khó khăn, củ mì thường đem hấp cơm ăn độn. Má dặn, trong củ mì có nhiều độc tố, nên sau khi lột vỏ cần ngâm nước một thời gian. Khi làm bánh, chị tôi làm theo, củ mì sau khi lột vỏ được mang ngâm trong nước ít nhất từ hai đến ba tiếng đồng hồ mới mang ra mài.
Không như bây giờ có máy xay nguyên liệu làm bánh tiện lợi, ngày ấy, công đoạn mài mì rất mất thời gian, công sức, không khéo còn bị trầy xước tay, bởi chiếc bàn mài làm bằng thép có răng sắc bén.
Khi củ mì mài xong, chị cho vào chiếc túi vải lọc, vắt kiệt nước. Sau đó vo lại thành từng viên nhỏ để làm vỏ bánh.
Tôi đảm nhận công đoạn làm nhân bánh, cũng kỳ công không kém. Nhân bánh làm bằng dừa bào trộn với đậu phộng rang giã dập, hay dừa bào trộn với đậu đen luộc sẵn rồi xào lên. Bí quyết để làm nhân ngon là phải chọn được dừa không quá già (sẽ cứng), không được quá non (sẽ mất đi độ béo); nhân xào lên phải hơi khô, nếu còn ướt, bánh sẽ bị nhão.
Ngày ấy, không có đường trắng như bây giờ mà chỉ dùng đường vàng. Đường cho lên chảo làm nóng, tan chảy rồi cho dừa bào và ít nước cốt gừng vào để xào trên lửa liu riu. Khoảng mười lăm đến hai mươi phút, hỗn hợp nhân hơi khô lại thì cho đậu đen luộc chín, hoặc đậu phộng đã giã dập vào, đảo qua mấy lần rồi tắt bếp.
Khi làm bánh, lấy viên bột đặt lên lòng bàn tay ép thành một lớp mỏng, rồi cho nhân đã xào sẵn vào giữa, gói lại. Để chiếc bánh đẹp, dùng lòng hai bàn tay vo chiếc bánh đến khi tròn trịa.
Công đoạn gói bánh nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng cần khéo tay một chút. Để gói chiếc bánh đẹp, hấp bánh không bị vào nước, chị em tôi dùng hai miếng lá chuối cắt thành hình tròn xếp lên nhau, lớp lá chuối bên trong phải nhỏ hơn lá chuối bên ngoài. Sau đó cuộn lại thành hình chiếc phễu, cho chiếc bánh đã vo thành hình tròn vào giữa. Để bánh khi chín không bị dính vào lá chuối thì thoa đều ít dầu ăn lên lớp lá chuối.
Bánh gói xong được đặt vào nồi hấp khoảng ba mươi phút là chín. Bóc vỏ bánh ra, lớp vỏ bánh làm bằng bột mì chuyển từ màu trắng đục sang màu trắng trong là đạt yêu cầu. Cắn một miếng bánh, thơm ngon từ lớp vỏ làm bằng củ mì tươi bùi bùi, dẻo dẻo, dai dai quyện với mùi thơm của lá chuối, đến lớp nhân bên trong, có vị ngòn ngọt của đường, béo béo của dừa, bùi bùi của đậu đen hay đậu phộng, lẫn mùi thơm của gừng.
Tất cả hòa quyện, tan trong miệng. Chắc hẳn, ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.
Bánh khoai mì ngày ấy, không chỉ làm để ăn chơi trong gia đình mà còn để phục vụ những bữa ăn giữa buổi cho bà con khi đi làm đồng hay có ai đó đi làm xa, thay vì mang theo cơm nắm thì làm bánh ít khoai mì, vừa tiện lợi, vừa để được lâu, lại còn thơm ngon.
Bây giờ đi xa, lâu lâu lại thèm bánh ít khoai mì. Ở phố, người ta chủ yếu bán bánh ít bột nếp, chứ bánh ít khoai mì rất hiếm, có lẽ vì đây là món bánh chỉ đặc trưng ở một số vùng miền, dù nguyên liệu nơi đâu cũng có.
Hôm nào may mắn, ra chợ vô tình nhìn thấy rổ bánh ít khoai mì là mừng quýnh, mua thật nhiều để thưởng thức cho thỏa cơn thèm. Cảm giác cắn một miếng bánh ít khoai mì, hương vị thơm ngon tan trong miệng, chợt thấy thương sao mà thương, nhớ sao mà nhớ cảnh cả nhà xúm xít làm bánh ít khoai mì ngày xưa.
SÔNG CÔN