Nhớ o du kích
Trong giấc mơ, tôi thấy cô Bốn trở về trong bộ đồ nâu xám với chiếc khăn rằn quấn quanh cổ. Cô đeo khẩu súng trên vai với dây đeo đã sờn. Uống ngụm nước chè, cô mỉm cười thật tươi rồi nói với giọng hào sảng: “Cô Bốn đây! Trong trận đánh năm xưa, quân mình đánh du kích làm bọn địch bất ngờ. Địch một phen khiếp vía”. Cô còn kể nhiều lắm, nào là đi đánh trận từ tờ mờ sáng; nào là đồng đội đã đào xong một cái hầm trú ngụ phía sau bếp nhà bà nội.
|
Khi giật mình tỉnh giấc, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng cô nói. Ngồi định hình một lúc, sao thấy luyến tiếc quá. Lần đầu tiên, tôi gặp cô Bốn trong mơ. Cô hy sinh cũng đã hơn 50 năm rồi.
Từ thuở nhỏ, ba mẹ cứ nói tôi giống cô Bốn y đúc, từ ngoại hình đến tính cách. Biết là thế, nhưng tôi chưa một lần được thấy cô, dù qua hình ảnh. Cô hy sinh trong một trận bom Mỹ. Thuở ấy, cô không có đến một tấm hình.
Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến cảnh lính Mỹ càn quét khốc liệt, chưa tròn đôi mươi, cô Bốn đã căm thù giặc sâu sắc và yêu quê hương, đất nước sâu nặng. Ngày ấy, với quyết tâm cao, không cần hỏi ý kiến của gia đình, cô Bốn đã xung phong tham gia du kích.
Cô Bốn tên Nguyễn Thị Liễu. Cô chỉ tầm 40kg, người nhỏ thó nhưng lại rất gan dạ, trung dũng, kiên cường. Sinh ra ở miền biển, dáng cô rắn rỏi với nước da bánh mật, mái tóc đen dày. Cô bơi giỏi, lặn cũng giỏi. Ngày tham gia cách mạng, hiếm khi cô trở về nhà. Nhưng ông bà nội, mỗi lần nghe cô kể chuyện, ai nấy đều thán phục. Cô nhỏ nhắn nhưng làm việc gì cũng nhanh. Nhiều trận, theo chỉ huy, cô cứ dầm mình dưới nước, cùng đồng đội phục kích, đánh du kích, tiêu diệt biết bao tên địch to lớn. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhiều lần cận kề với cái chết, nhưng cô vẫn không hề nao núng, luôn quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Thế rồi, ngày 6/1/1968 (âm lịch), khi đang làm nhiệm vụ, cô Bốn hy sinh trong trận bom dữ dội của quân địch.
Giỗ cô Bốn trúng mùng 6 Tết. Ngày giỗ, ngoài việc sửa soạn mâm cỗ với một vài món cô thích, cả gia đình lại quây quần để lắng nghe ba mẹ kể về cô. Thời cô đi chiến đấu, ba tôi chưa lên 10. Trong ký ức tuổi thơ, ba cũng chỉ nhớ được đôi chút về cô. Những câu chuyện chỉ hiếm hoi như thế. Vậy mà, ai cũng muốn nghe. Bởi, với gia đình chúng tôi, cô Bốn mãi mãi là niềm tự hào.
Tấm bia liệt sĩ của cô Bốn nằm ngay hàng liễu trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An (Quảng Nam). Dù cách xa nhà, nhưng lần nào có dịp về quê, gia đình tôi đều ghé đến viếng mộ cô và các anh hùng liệt sĩ. Mỗi lần đến nghĩa trang, tôi đều cảm thấy xúc động khó tả. Nhìn tấm bia không hình ảnh với những dòng chữ ít ỏi, trong lòng lại thêm khâm phục sự mạnh mẽ, rắn rỏi, nhiệt huyết trong cô Bốn – o du kích trẻ năm xưa. Cô nằm xuống ở cái tuổi hai mươi - tuổi thanh xuân và mãi mãi thanh xuân để góp phần bảo vệ quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Những gian khổ trong thời chiến cũng chỉ còn trong những thước phim, hình ảnh tư liệu cũng như những câu chuyện kể. Nhưng những cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của cô Bốn cũng như các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng mãi vô giá; sử sách khắc ghi, người dân đời đời nhớ ơn.
Thế hệ chúng tôi, sinh ra khi đất nước đã hòa bình, khi điện chiếu sáng khắp vùng quê, đường nhựa trải thẳng tắp, nghe lại những câu chuyện của các anh hùng liệt sĩ, nhất là về người thân của mình, trong lòng lại cháy lên niềm tự hào và biết ơn sâu sắc.
Nhớ cô Bốn, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tôi lại dặn lòng phải ghi nhớ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của một công dân, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước để không phụ lòng thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của dân tộc, vì tương lai và sự phồn vinh của đất nước.
BÌNH AN