Nhớ hương bánh ống
Tưởng chừng mùi hương sữa nhè nhẹ cùng cái vị ngọt ngọt của bánh ống chỉ còn trong kí ức, cho đến khi nó bắt gặp tiệm nổ bánh ống be bé của “ông Đông bánh ống” ở làng Kon Tum Kơ Pơng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum).
4 giờ chiều mỗi ngày, tiếng máy nổ phát ra từ ngôi nhà vách tôn nằm ngay trên đường Bắc Kạn (phường Thắng Lợi), đối diện Trường THCS Thắng Lợi. Tiếng máy nổ này tuy không xa lạ với người dân thôn Kon Tum Kơ Pơng, nhưng lạ với nó kể từ khi nó chuyển về đây sinh sống.
Đó là tiếng máy nổ nhà “ông Đông bánh ống” - cái tên thân mật mà bà con ở thôn Kon Tum Kơ Pơng đặt cho ông Huỳnh Văn Đông (52 tuổi) gắn với cái nghề nổ bánh ống.
Nhiều năm về trước, cuộc sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, công việc chính chủ yếu làm rẫy, bánh ống trở nên thiết yếu với bà con trong những ngày mưa dầm phải thường xuyên xa nhà. Và trẻ con ngày ấy, đứa nào cũng biết đến bánh ống.
Trong kí ức của nó, trẻ con ngày ấy thường khoái khẩu với món bánh ống. Trong giỏ đi chợ của mẹ khi về thường có bánh ống làm quà cho con. Bánh ống cũng thường theo nó và các bạn đến trường. Những chiếc bánh ống nhiều màu cũng thường xuất hiện trong các bữa tiệc sinh nhật tuổi thơ hay được bày biện trong khay mứt bánh kẹo của nhiều gia đình trong ngày Tết.
|
“Hồi trước, chiếc máy nổ nhà tôi “nổ” ra nhiều tiền lắm, vì bà con ai nấy đều chuộng bánh ống. Có những ngày, gia đình nổ máy làm bánh đến 8 - 9 giờ đêm mới nghỉ. Nhưng giờ thì khác rồi!” – ông Đông trải lòng.
Ngày nay, khó gặp người còn làm bánh ống. Hình ảnh các bì bánh ống nhiều màu được treo ở các tiệm tạp hóa cũng dần phai nhòa, những đứa trẻ cũng ít biết đến hương vị bánh ống.
Cũng dễ hiểu, với sự phát triển nhanh của công nghệ, nhiều nhà máy sản xuất các loại bánh kẹo cao cấp, chất lượng, bao bì đẹp, giá cả lại rẻ... khiến bánh ống khó chen chân trong các quầy hàng tạp hóa. Để rồi, hình ảnh bánh ống cũng dần mờ đi, chỉ còn tồn tại trong kí ức của những thế hệ đi trước.
Nó đã rất bất ngờ và vui mừng khi vô tình được gặp, được nghe tiếng máy nổ sản xuất bánh ống của ông Đông. Kí ức tuổi thơ ùa về, hình ảnh ba chị em cùng chia nhau bì bánh nổ do mẹ đi chợ mua về hiện ra trong đầu hay những lần nó cùng đám bạn lấy bánh ống để “đọ kiếm” với nhau, hoặc làm ống nhòm nhìn “xuyên” vũ trụ.
Nó nhớ có lần, để yên tâm làm việc nhà, mẹ mua hẳn 1 gói bánh ống màu hồng siêu to cho cậu cu út, còn nó có nhiệm vụ trông em. Biết rõ út khó chịu và không thích ai đụng vào đồ ăn của mình, nhưng nó chẳng thể cưỡng lại cái màu bắt mắt cùng hương vị thơm ngon của bánh ống. Và thế là, nó phải nhận một trận đòn từ mẹ vì cái tội ăn hơn nửa phần bánh của em và làm cho em khóc.
Giờ đây khi lớn lên, không biết thằng út còn nhớ cái vị bánh bỏng gạo không chứ nó cứ thấy là lại thèm thuồng. Nên khi gặp ông Đông, nó đến xem và sẵn tiện hỏi “làm sao để cháu có được bánh ống mang về?”. Ai đến nổ bánh, chỉ cần mang gạo (nguyên liệu chính), đường cùng một số loại đậu yêu thích như đậu xanh, đậu phụng, hạt sen… là có thể mang túi bánh ống thơm ngon về thưởng thức” - ông Đông cười cho biết.
Nó vội vàng trở về nhà, lấy hai lon gạo, 1 ít đường và hạt sen, gói gọn trong chiếc bì ni lông rồi hớn hở quay lại tiệm nổ bỏng. Trải qua hai mươi mấy mùa xuân, nhưng hôm nay là lần đầu nó đi nổ bánh và được thưởng thức từng khúc bánh nóng hổi ra lò.
Nó cảm nhận vị ngon trong từng miếng bánh giòn tan, như được quay về với tuổi thơ và bỗng dưng thấy ông Đông “bánh ống” trở nên gần gũi, lạ thường.
Nó ăn liền mấy cái cho đã thèm, rồi cẩn thận xếp từng ống bánh vào trong bao. Nó nâng niu bao bánh, trở về chia cho những đứa nhỏ trong xóm.
Các cháu độ tuổi tiểu học ngỡ ngàng khi thấy bánh ống và đều hỏi “bánh gì đấy ạ?”, có đứa thấy ngon còn xin thêm mấy cái. Nhìn đám nhỏ ăn, nó thầm nghĩ: Mình may mắn hơn những đứa nhỏ này, vì tuổi thơ có bánh ống.
Nó cảm thấy vui vì điều đó!
VĂN TÙNG