Nhớ bút lá tre!
Việc dùng bút lá tre có phần vất vả nhưng ngẫm lại, nó vẫn có những ưu điểm riêng, giúp cho học sinh rèn luyện đức tính nhẫn nại cũng như cẩn thận và khéo léo trong mọi tình huống.
Ai đã trải qua thời học sinh trước thập niên 80 ở thế kỷ trước hẳn cũng đều biết đến cây bút lá tre và bình mực đi kèm. Cây bút lá tre là một vật dụng không thể thiếu được với học sinh tiểu học hồi ấy. Với tôi, cây bút lá tre đồng hành cùng với thuở ban đầu đi học là một kỷ niệm đầy thương nhớ.
Khi bước vào những năm học đầu tiên của cấp I, ngoài việc được sắm sửa quần áo, sách vở và một số đồ dùng học tập khác, tôi còn được ba mẹ sắm cho một cây bút lá tre cùng một bình mực để dùng kèm theo. Vì là lần đầu tiên sử dụng bút mực nên tôi còn lạ lẫm lắm.
Hồi ấy, trường học cách nhà tôi không xa nên cả thảy các chị em trong nhà đều đi bộ đến trường. Vốn bản tính vụng về nên việc mang lọ mực đi học mỗi sáng là một vấn đề với tôi. Thường thì một tay ôm cặp, tay kia cầm bình mực. Những ngày suôn sẻ thì không sao, nhưng những hôm sơ ý vặn nắp bình mực không chặt thì bị mực đổ văng khắp quần áo, dính đầy tay. Sau này, chị tôi mới nảy ra sáng kiến là cắt giấy thành hình cái giỏ và cho bình mực vào, xách đi cho tiện. Nhờ vậy mà sau này tôi cũng đỡ phải khổ sở với chuyện mang bình mực đến trường nữa.
Gọi là bút lá tre là do đặc thù ngòi bút được chế tạo bằng sắt, hình thù nhỏ, thuôn dài giống hệt chiếc lá tre. Giữa ngòi bút có đường dẫn mực. Đầu ngòi bút rất mềm mại, luôn có độ nhám vừa phải để tạo ra lực bám, không trơn trượt giống như các loại bút ngày nay nên khi viết vào vở ta có thể thoái mái điều chỉnh từng nét mỏng hoặc nét dày tùy theo từng góc viết cũng như sở thích của mình… Để viết chữ, người dùng phải chấm nét bút vào bình mực.
|
Nói về chuyện viết bút lá tre, cả quãng đời học sinh cấp I gần như không ngày nào đôi bàn tay tôi không bị dính mực, thậm chí còn lấm lem lên cả gương mặt vì bôi quẹt mà không hề hay biết. Nhớ những ngày đầu đến lớp, được cô giáo cầm tay đưa từng nét bút lên xuống trên trang giấy trắng học trò để viết nên từng con chữ, tôi thích thú vô cùng. Nét chữ màu mực tím lúc đầu ngoằn ngoèo sau đó dần thanh thoát, đẹp làm sao. Màu mực tím cũng từ ấy đã in đậm như trong tâm trí tôi từ với bao kỷ niệm không thể phai mờ.
Tôi nhớ, cuộc sống thời ấy còn khó khăn lắm nên các gia đình thường không mua nguyên bình mực pha sẵn để cho con mình dùng mà thường mua loại mực khô về pha với nước và gia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Mực khô có hai loại, gồm mực dẻo và mực bột dạng cát mịn. Khi đi học, học sinh chúng tôi thường mang theo loại mực khô để trong cặp, hễ khi nào mực bị đổ hết không có dùng thì lại xin phép cô giáo cho ra ngoài lấy nước vào để pha mực.
Việc dùng bút lá tre có phần vất vả nhưng ngẫm lại, nó vẫn có những ưu điểm riêng, giúp cho học sinh rèn luyện đức tính nhẫn nại cũng như cẩn thận và khéo léo trong mọi tình huống, vì đặc điểm của bút lá tre chấm mực ngày ấy là buộc người dùng phải viết chậm, nắn nót, giữ cho đừng rớt mực, lấm lem sách vở, quần áo... Hơn nữa, chữ viết bằng bút lá tre rất đẹp.
Lên cấp II, nhiều học sinh đã dùng bút máy, bút Kim Tinh, bút lá tre chỉ còn lác đác vài học sinh dùng đến. Và theo thời gian, bút lá tre dần được cải tiến nhiều, chuyển thành bút máy có ngòi bút lá tre gắn thêm ruột bơm mực. Dù có nhiều thay đổi nhưng điều vui nhất là chiếc bút lá tre hiện nay vẫn được dùng để luyện chữ cho các em học sinh cấp I một cách tốt nhất.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những hình ảnh quần áo, tay chân lấm lem đầy mực thuở nào vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi. Mỗi lần nhìn các cháu nô đùa trong bộ quần áo tươm tất, tôi vẫn cứ thấy thương, thấy nhớ về ngày xưa đi học cùng những kỷ niệm với chiếc bút lá tre và bình mực...
Vỹ Dạ