Nhớ bếp lửa đêm đông
Mấy hôm nay trời trở lạnh, dù đã đắp chăn dày sụ mà tôi vẫn chưa thấy đủ. Tôi bỗng thầm ao ước giá mà có được cái bếp lửa ngày xưa của mẹ và nội. Bếp lửa ấy đã sưởi ấm cả tuổi thơ của tôi.
Bên bếp lửa, mẹ và nội nấu ăn hàng ngày. Những món ăn bình dị mà đậm đà được nội nấu trên bếp lửa củi. Món nào được mẹ và nội nấu cũng đều thơm ngon và hấp dẫn. Mùi thơm của cá kho, quyện gia vị theo kiểu miền Trung rồi để lửa riu riu, khiến ai đã thưởng thức rồi thì khó mà quên được. Nồi cơm được nội vùi kín vào tro bếp ấm nồng làm cho hạt gạo thêm dẻo thơm. Nội bảo: Cơm nấu bếp củi phải vùi kín như thế mới chín kỹ và không cháy.
Và rồi những chiều đông lạnh, tan học về chạy ù vào bếp, đưa hai bàn tay lạnh cóng lên ánh lửa hồng mà nội tôi đã nhóm sẵn từ lúc nào. Đêm giá lạnh, sau khi đã học thuộc bài, chị em chúng tôi thường quây quần bên bếp lửa cùng ba mẹ và nội. Tôi còn nhớ như in hương vị đậm đà của khoai, của sắn được nội lấy ra từ lớp than hồng. Thích nhất là lúc vừa thưởng thức món khoái khẩu ấy, lại vừa được nghe nội kể chuyện xưa. Mặt đứa nào đứa nấy nhọ nhem mà vui biết mấy.
|
Bếp lửa là nơi hòa thuận yêu thương, nơi ấy tôi được đón nhận tình yêu vô bờ bến của nội và ba mẹ. Bên bếp lửa, ba mẹ kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày, bọn trẻ chúng tôi thì huyên thuyên đủ chuyện, từ chuyện được điểm 10 và được cô giáo khen đến chuyện bạn trong lớp hẹn tới nhà học nhóm.
Để có bếp lửa hồng trong những ngày mùa đông ấy, ba tôi phải lo dự trữ củi từ những tháng trước đó. Ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng vậy, việc dự trữ củi lửa và nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối là việc làm thường xuyên và quan trọng.
Nội bảo rằng, ngày xưa bếp lửa đơn giản là những cục đá, viên gạch kê lên, sau này mới làm cái kiềng chân bằng sắt. Thời ấy, trong mỗi ngôi nhà, dù giàu hay nghèo, cũng phải có cái kiềng, có ngọn lửa, như là nuôi dưỡng sự sống của mỗi gia đình.
Bên bếp lửa, chúng tôi tròn xoe mắt nghe nội kể sự tích ba ông đầu rau. Ông đầu rau là tên gọi chung của 3 vị thần trông coi việc bếp núc, gồm có 2 ông và 1 bà, và ba ông đầu rau cũng chính là ba vị Táo quân. Ngày xưa ba ông đầu rau thường được làm tượng đất sét và để trong bếp phục vụ việc thổi nấu. Ba ông đầu rau được gọt đẽo cẩn thận từ đất sét, có hình thù như những chú ếch ngồi châu đầu vào nhau, tạo thế ba chân để đỡ cái nồi trong việc thổi nấu.
Tuổi thơ tôi gắn bó với nội nhiều năm. Khi hòa bình lập lại, nội trở về quê. Bọn tôi vẫn thường ra thăm nội. Cũng bên bếp lửa, nội đã sưởi ấm cho chúng tôi trong những mùa đông lạnh giá của miền Trung. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, việc đun nấu ở quê tôi chủ yếu bằng củi mót trong vườn và rơm rạ mà thôi. Do đó trước sân nhà nào cũng có cái đụn rơm thật to.
Cái đụn rơm ấy cũng để lại trong tôi biết bao kỷ niệm. Nhớ nhất là có lần về quê, được nội giao cho nấu cơm bằng rửa rơm. Lo toát mồ hồi vì khi thì lửa to, khi thì lửa tắt, do tôi không quen đưa rơm vô bếp cho đều. Khó khăn lắm mới nấu xong bữa ăn, người nhễ nhại mồ hôi và mặt mũi thì lấm lem tro bếp.
Đã bao mùa đông trôi qua tôi không còn nội. Hôm nay trời lạnh buốt, trong chăn nệm ấm êm, tôi bỗng chạnh lòng nhớ về nội ngày xưa bên bếp lửa giữa trời mưa dầm. Nội lui cui giữa bếp rơm rạ để nấu cho các cháu nồi cơm mà cay xè cả đôi mắt.
Ngày nay cuộc sống tiện nghi và hiện đại với bếp lửa ngày xưa đã đi vào ký ức nhưng trong tôi vẫn luôn hiện hữu bếp lửa hồng ngày đông có nội.
Hạ Mi