Nhà rông ơi!
“Ơ Giàng, xin phù hộ cho mái nhà rông của làng được cao mãi, dân làng làm được nhiều lúa gạo, không xảy ra dịch bệnh, ốm đau”. Lời khấn của già làng vọng về trong tiếng cồng chiêng, báo hiệu bắt đầu lễ mừng nhà rông mới của làng.
Hôm nay làng mở hội mừng nhà rông mới! Đây là lễ lớn, được dân làng mong đợi và chuẩn bị nhiều ngày qua.
A Thiếu đứng dưới chân cây nêu cao vút nhìn về nhà rông sừng sững. Chợt thấy mình trở nên nhỏ bé vô cùng.
Nhà rông uy nghi đứng trên vuông đất bằng phẳng nơi trung tâm làng, dài 12m, rộng 8m, cao 15m; được dựng sau hơn 1 tháng làm việc miệt mài, với hàng trăm ngày công của dân làng.
Các chỗ nối chắp đều được chặt đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc; sàn nhà được ghép bằng những tấm đan làm bằng nguyên liệu tre nứa. Giữa nhà có một hàng lan can chạy dọc. Hàng lan can này chính là chỗ dựa của những ghè rượu khi làng tổ chức lễ hội.
Trên sàn nhà rông có 2 bếp để buổi tối bà con đốt lửa, tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hát kể sử thi, kể truyện cổ dân gian, đàn hát dân ca đối đáp.
|
Lời khấn của già làng vọng về trong tiếng cồng chiêng, báo hiệu bắt đầu lễ mừng nhà rông mới của làng: “Ơ Giàng, xin phù hộ cho dân làng làm được nhiều lúa gạo, không xảy ra dịch bệnh, ốm đau”.
Xung quanh A Thiếu, không khí lễ hội đang rộn rã, tưng bừng. Những bà, những mẹ, những cô gái đem bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất của mình ra mặc. Đàn ông đem cồng chiêng ra đánh những bài hay nhất để mừng thần linh có nơi trú ngụ đẹp đẽ, dân làng có nơi để sinh hoạt cộng đồng đúng bản sắc.
Không phải trước đây, làng của A Thiếu không có nhà rông, mà như bất cứ làng Xơ Đăng nào khác, ngay từ khi chuẩn bị lập làng, già làng đã chọn khu đất đẹp nhất để dựng nhà rông. Trải qua năm tháng, nhà rông luôn sừng sững ở trung tâm làng, từ xa, dù nhìn ở hướng nào, cũng thấy được nhà rông.
Nhưng một năm, mưa lũ đánh sập nhà rông. Sau đó, làng được đầu tư kinh phí làm nhà rông mới từ một dự án. Tiếc thay, đó là một nhà rông "hiện đại hóa", với cột bê tông, mái lợp tôn.
Kể từ đó, dân làng không còn gần gũi với nhà rông nữa. Tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang như lạc điệu. Dân làng nhớ lắm nhà rông bằng gỗ, bằng tranh. Người già buồn, người trẻ cũng buồn.
Năm ngoái, A Thiếu và già làng ngồi trên bậc nhà rông, nhìn ra những dãy núi xanh xám nhấp nhô phía trước, lắng nghe tiếng mưa gõ đều đều trên mái tôn, già làng nói: Khi nhà rông bị "bê tông hóa", nhà rông mất đi cái hồn, dân làng không ưng bụng.
-A Thiếu à, mày là cán bộ, đi nhiều, biết nhiều, có thấy ở đâu cũng làm nhà rông bằng xi măng, mái lợp tôn như làng mình không- già làng chợt hỏi.
- Có đấy. Nhiều đấy già ơi. Nhất là ở những khu tái định cư thủy điện, toàn là nhà rông như vậy- A Thiếu nói.
Nhưng cũng có nơi dân làng không dựng nhà rông bằng bê tông, lợp mái tôn, mà chờ gom đủ vật liệu mới sửa nhà rông đấy già ạ- A Thiếu ngập ngừng nói.
Nét mặt của già làng sáng lên: Bây giờ làng ấy đã có nhà rông chưa?
- Có rồi già ơi. Nhà rông của làng ấy hoàn thành rồi, rất đẹp, sử dụng toàn bộ vật liệu truyền thống như tranh, tre, nứa, mây thôi.
- Ừ, thế mới phải. Già làng nói nhỏ.
Và từ đó, A Thiếu biết, già làng luôn ấp ủ dự định sửa lại nhà rông.
Cuối năm ngoái, được sự hỗ trợ của Nhà nước, làng họp và quyết định làm lại nhà rông theo truyền thống.
Dựng nhà rông là việc hệ trọng, nên sau khi đã có sự nhất trí của toàn thể dân làng, công việc chuẩn bị được bắt đầu.
Vấn đề tìm cây gỗ làm cột, làm xà là khó nhất, vì không thể vào rừng chặt cây như xưa nữa, như thế là vi phạm pháp luật. Bàn đi bàn lại, làng quyết định giữ nguyên bộ khung bằng bê tông, làm lại toàn bộ mái, sàn, cầu thang, các diềm trang trí và vách quanh nhà rông.
Để tìm lồ ô và nứa để làm khung mái và vách quanh nhà rông, cánh thanh niên trai tráng phải đi rất xa, mất nhiều ngày để chọn cho được những cây thật đẹp, không non, cũng không được quá già, sau đó đưa về tại địa điểm lựa chọn để cất nhà rông, phơi khô.
Khi gần đến thời điểm dựng nhà rông, cánh phụ nữ mới đi cắt tranh về phơi khô cho vàng óng lên, tuốt hết những sợi gãy, sợi ngắn, xếp thành từng bó to thẳng thớm.
Sau khi vật liệu được chuẩn bị, tập kết đầy đủ, già làng sẽ chọn ngày khởi công. Việc này cũng được dân làng bàn bạc kỹ.
Ngày khởi công sửa nhà rông, dân làng tập trung không thiếu người nào. A Thiếu cũng từ huyện về. Sau lễ cúng, việc dựng nhà rông bắt đầu. Sau hơn 1 tháng, nhà rông của làng cũng được hoàn thiện, lừng lững vươn cao giữa trời xanh trong niềm vui sướng, tự hào của dân làng.
Tiếng cồng chiêng tạm dừng, điệu xoang tạm nghỉ. Mọi người tập trung tại phía cửa phụ nhà rông để cùng làm nghi thức hỏi ý kiến thần linh xem đã ghi nhận và hài lòng với lễ vật mà dân làng dâng cúng chưa.
Già làng ngồi bên ghè rượu cúng đọc lời cầu khấn: “Ơ Giàng, làng đã làm xong lễ mừng nhà rông mới, mời Giàng về ăn và uống rượu cùng dân làng, xin phù hộ cho làng được sức khỏe, con chim, con chuột không phá ruộng, phá rẫy”.
Trong khi dân làng quây quần bên nhau dưới sân nhà rông, A Thiếu lặng lẽ bước qua cửa vào bên trong. Sàn nhà làm từ những thân cây nứa đập dập kêu cót két dưới chân.
Nhưng A Thiếu chợt phát hiện ra một chuyện lạ. Trước đây, khi kết thúc lễ hội, dân làng sẽ tiến hành nghi thức cuối cùng: Gác xương đầu trâu, dê lên trước cửa chính nhà rông. Nhưng sao hôm nay không thấy?
A Thiếu giật mình, vội đi hỏi già làng, ông cười: Khi làm lễ cúng bỏ đầu trâu, già nói thanh niên đem bỏ hết rồi. Bây giờ làng đổi mới nhiều, đời sống no ấm, cũng bỏ hết các hủ tục rồi. Cũng không nên treo đầu trâu, đầu dê trong nhà rông nữa.
A Thiếu nhìn nhà rông cao lớn sừng sững giữa làng, bỗng thấy tự hào trước sự thay đổi ấy.
Nhà rông ơi, dù không có đầu trâu, đầu dê thì vẫn thiêng liêng, vẫn là biểu tượng của người Xơ Đăng nơi đại ngàn hùng vĩ này.
HỒNG LAM