Người nơi biên giới
Mấy ai hay, ở dưới chân ngọn núi chót vót mờ sương kia vẫn có dăm ngôi nhà nhỏ bé ghé vào mỏm đá, hướng cửa về đường biên giới xanh thăm thẳm cây rừng. Và trong ngôi nhà sàn cũ kỹ ấy, vẫn có những người dân ngày đêm miệt mài hỗ trợ bộ đội biên phòng canh giữ đường biên.
|
Hắn vốn theo “chủ nghĩa xê dịch”. Những lúc thấy mệt nhoài, rã rượi với công việc rồi, thấy ho khan với khói bụi thành phố rồi, hắn thường khoác ba lô và đi.
Hôm trước, ngồi cà phê với cậu bạn theo nghiệp binh, nghe nó than vãn về cái nỗi chồn chân vì ngồi mãi một chỗ, cậu ta rủ rê: Nếu ông mệt nhoài, rã rượi với công danh, với việc kiếm tiền rồi (cười lớn), thì lên với tôi, sống ít ngày nơi núi rừng chơi, ông sẽ thấy cuộc sống này ý nghĩa ngay.
Công danh thì không có, kiếm tiền thì rõ rồi- hắn nhấm nhẳng. Nhưng sau đó quyết định theo bạn lên biên giới.
Khi chiếc xe bán tải phủ đầy bụi đỏ đỗ xịch trong sân đồn biên phòng thì trời đã về khuya. Cậu bạn ném cho hắn cái khăn: Tắm rửa, nghỉ ngơi đi. Mai tôi dẫn xuống cơ sở, đảm bảo trúng ý của ông luôn.
Hắn cười ngượng. Còn ý gì ngoài tìm đề tài để viết lách?
Biên giới Tây Nam của tỉnh mùa này nắng nóng như rang. Mặt trời quăng từng quầng lửa xuống, cuồn cuộn phủ kín núi đồi. Xe chạy qua những điểm dân cư nằm hai bên đường. Những ngôi nhà vách ván, mái tôn gọn gàng, sạch sẽ. Cờ Tổ quốc phấp phới bay trước cổng.
Và bây giờ, ngồi trong ngôi nhà sàn lộng gió, nhìn ra cột mốc biên giới- nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hắn thấy mình thật may mắn vì đã nhận lời “rủ rê” của bạn.
Nếu không đi, hắn sẽ không biết được rằng, ở dưới chân ngọn núi chót vót mờ sương kia vẫn có dăm ngôi nhà nhỏ bé ghé vào mỏm đá, hướng cửa về đường biên giới xanh thăm thẳm cây rừng. Vẫn có những người dân ngày đêm miệt mài hỗ trợ bộ đội biên phòng canh giữ đường biên.
Chỉ tiếp xúc không lâu, hắn đã thấy mê đất và người nơi đây. Họ xù xì, thô ráp, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, hiền lành như cây rừng, chân thật đến bày cả gan ruột ra, vững chãi như những ngọn núi vươn lên trời cao.
Và cuộc sống của họ nữa. Đơn giản, hiền hòa, không bon chen, gắn bó với nhau núi rừng, sông suối. Khi ông mặt trời còn chưa thức giấc, bếp đã đỏ lửa. Phụ nữ sửa soạn bữa sáng, sau đó đàn ông đi rẫy, phụ nữ đưa con đến trường, cách nhà gần chục cây số, trở về chăm sóc đàn gà, lứa heo, vun vén luống rau.
Tình nghĩa nơi đây không màu mè, không lấy lòng, mà tự nhiên, đậm đà. Nó là sợi dây neo giữ họ lại, là động lực để họ vượt qua và chiến thắng gian nan, thử thách.
Hắn mê nhất là Hào- một người đàn ông Mường mới bước qua tuổi 30. Dường như cậu ta không nghỉ ngơi, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực. Tuổi trẻ thật là đẹp- anh bạn khen.
Nhà của Hào nằm ở cuối xóm, gần đường biên nhất. Từ nhà Hào nhìn thấy rõ cột mốc biên giới. Đó là một ngôi nhà sàn vách lót bằng những bìa gỗ mọt đục lỗ chỗ. Tuy cũ kỹ, nhưng khá gọn ghẽ và kín đáo. Xung quanh nhà là đậu, bắp đang trổ lá xanh rì. Đàn gà kiếm ăn nơi vại nước trước sân te tái chạy khi có người lạ đến.
Muốn gặp được Hào phải chờ đến tối, hoặc hẹn trước, vì hiếm khi Hào ở nhà. Không đi rẫy thì vào rừng tìm gỡ bẫy thú; không đi sông lưới cá thì tham gia tuần tra đường biên, phát quang cột mốc. Đường biên, cột mốc Hào rành như đường chỉ tay.
Hắn quyết định đến nhà Hào vào chiều muộn. May mắn sao, chờ không lâu thì Hào về. “Tuổi trẻ thật đẹp, và thật sung sức”- hắn nhìn dáng đi như ngựa của Hào khi vượt con dốc trước nhà và nghĩ, rồi thầm xấu hổ vì mình đã ì ạch lê bước, miệng mũi thi nhau thở lúc nãy.
Cởi tấm áo thấm đẫm mồ hôi, Hào dội ào mấy ca nước lên đầu, cười lộ hàm răng trắng bóng: Nhẽ ra em về nhà sớm hơn, nhưng tiện đường, ghé thăm cột mốc đường biên và phát đám cỏ dại chung quanh đó.
Bên bếp lửa đượm nồng, mâm cơm được dọn ra, khá thịnh soạn, gà bắt trong vườn, cá đánh dưới suối, rau trồng trước nhà, toàn những thứ nhà làm ra được. Cuộc sống bây giờ không còn khó khăn như trước.
Hào rót rượu ra mấy cái li nhựa: Chẳng mấy khi các anh vào chơi, uống mấy li cho ấm bụng.
Mùi rượu thơm nồng, cái thứ rượu được ủ, cất theo đúng tiêu chuẩn của người Mường Thanh Hóa, trong văn vắt như mắt mèo, nhấm vào thấy nồng nồng nơi cổ, nuốt xuống đến đâu thấy nóng ran đến đấy.
Mấy cái li sóng sánh rượu chạm vào nhau. Chỉ vài li là hắn chếnh choáng. Mắt Hào như có lửa: Nhiều người nói em là thanh niên mà “trái tính trái nết”, cứ khư khư ở lại đây một mình. Nhưng em nghĩ khác. Mình là thanh niên khỏe mạnh, nên càng phải ở lại đây, gần đường biên này, để còn tham gia bảo vệ đường biên. Nếu thanh niên đi cả thì ai làm việc này?
Hào không đi thăm đường biên, cột mốc theo lịch cố định, mà đi bất cứ lúc nào có thể. Hôm thì kết hợp với lực lượng Biên phòng, dân quân xã, thường là đi một mình. Cứ một gùi một dao, cậu đi đến cột mốc nào thì phát quang cỏ lau, cây bụi xung quanh cột mốc đó.
Em sẽ không đi đâu cả. Mai mốt em lấy vợ, sinh con, em cũng sẽ dẫn con đi thăm đường biên, cột mốc. Với mấy ha đất trồng lúa, bắp, 2 sào ao, nhận khoán 5ha cao su, chưa dám nói giàu, nhưng khá là chắc rồi. Dư sức cưới vợ, nuôi con- Hào cười.
Nhìn Hào, tôi chợt nhận ra, cột mốc biên giới không chỉ là 1 khối bê tông, mà là sự hiện diện của Tổ quốc nơi núi rừng biên cương. Và mỗi người trong chúng ta phải giữ gìn, bảo vệ.
Biết đâu vài chục năm sau, tôi lại có dịp viết về thế hệ “người nơi biên giới” mới đang ngày đêm miệt mài cùng bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Trong đó có con của Hào!
Hồng Lam