Người già ở làng
Nhìn cô con gái ngồi bên chăm chú, hồ hởi xen lẫn những suy tư khi lắng nghe những trăn trở mà mắt già sáng lại. Văn hóa dân tộc vẫn âm thầm tiếp nối, sẽ được lớp con cháu già gìn giữ. Già sẽ làm đốm lửa - dẫu nhỏ, dẫu chỉ là âm ỉ - truyền tình yêu ngọn núi, ngọn cây của vùng đất này và tình yêu nét đẹp văn hóa của người Tà Rẻ cho các con, các cháu.
Hôm ấy, tôi ở lại trong căn nhà của già làng Tân Đum, xã Xốp, huyện Đăk Glei. Ngôi nhà của gia đình người Tà Rẻ này thấp, nằm im lìm giữa điệp trùng cây lá. Đằng sau là cánh đồng mà đến mùa mưa với đủ loại rau má, rau diếp cá…, xanh ngút ngát, và xa xa hơn một chút nữa là núi non trập trùng một màu xanh rất xanh. Chẳng hiểu sao khi vừa gặp, căn nhà của già lại gợi cho tôi cảm nhận giống như căn nhà trong bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” mà ngày nhỏ vẫn say mê.
Ngồi bên bếp lửa bập bùng đầu hồi nhà, già kể chuyện về con người, về vùng đất, về những nét văn hóa đẹp của người Tà Rẻ. Giọng già chậm rãi, đều đều như những giọt mưa rừng ngoài kia nhỏ từng giọt, từng giọt… Còn những câu chuyện dài, mênh mông cứ thế quấn quýt, đan xen vào nhau. Nào là đời sống bà con mấy năm gần đây ấm no hơn nhờ cây cà phê xứ lạnh; nào vụ lúa vừa rồi được mùa hơn nhờ giống mới… Quanh câu chuyện hương núi, hương rừng cứ thế mà lẩn quất. Hương núi, hương rừng đâu dừng lại ở dãy núi trùng điệp ở phía sau lưng nhà, đâu dừng lại ở rừng thông ba lá cứ nhấp nhô trước mặt và cũng đâu dừng lại ở những thuở ruộng bậc thang nho nhỏ…., mà mùi hương ấy còn quanh điệu múa xoang của người Tà Rẻ, quanh chiếc ghè bông cổ được lưu giữ nhiều đời nay của gia đình… Hăng hăng, nồng nồng, ngai ngái, chân chất, bình dị và rất tự nhiên, rất thật, chứ không phải là những gì đó tô vẽ.
|
Trôi theo năm tháng, câu chuyện của già từ hiện tại ngược về dòng ký ức. Cuộc sống của dân làng trước kia gian khó lắm, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc; đường sá đi lại khó khăn, con trẻ muốn học cao phải lặn lội cơm đùm gạo bới đi bộ ra tận ngoài huyện… Khó khăn là vậy nhưng ai nấy đều thầm bảo nhau, ngày xưa, chiến tranh gian khổ, cha ông mình mưu trí, dũng cảm là vậy; nay, quê hương yên bình rồi, mình cũng phát huy truyền thống cách mạng, theo lớp cha ông chiến thắng đói nghèo, vươn lên khá giàu, vậy cũng là góp sức xây dựng quê hương.
Đúng là giờ đây, Tân Đum này, xã Xốp này đã tươi mới hơn. Ô tô đã vào tận làng, đau ốm có bác sĩ khám bệnh, trường học từ mầm non đến THCS có ngay ở xã, lên THPT thì ra xã Đăk Choong cách khoảng 10km. Những nét đẹp văn hóa truyền thống luôn được những người như già gìn giữ, chăm chút, truyền dạy cho lớp trẻ. Dân làng hân hoan đón mừng lúa mới, mừng giọt nước mới, mừng nhà rông mới. Trên từng căn bếp của mỗi gia đình, ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy với niềm tin vững chắc vào Thần Lửa - vị thần hiện thân cho sự may mắn, phù hộ cho dân làng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mừng nữa là một số hủ tục như sinh hai giết một đã được loại bỏ. Những cặp anh chị em sinh đôi cũng như bao nhiêu con trẻ khác trong làng, trong xã ngày ngày vui đến trường… Cả gia đình già nữa, dẫu có qua bao gian khó, cũng luôn tự dặn lòng chí thú làm ăn, luôn say với điệu múa xoang có những nét rất riêng của người Tà Rẻ và phải lưu giữ được chiếc ghè bông quý giá không chỉ bởi yếu tố thời gian mà còn là tinh thần thể hiện trong từng họa tiết.
Già chỉ lo lớp trẻ giờ suốt ngày mải hát karaoke những bài hát hip hop, rock rap… nên ít quan tâm đến những làn điệu dân ca của dân tộc, ít dành thời gian tập luyện đánh cồng chiêng, múa điệu xoang, mà xem đó chỉ là chuyện của mấy ông già, bà cả. Ngay cả những chiếc ghè quý, chiếc chiêng quý vốn được bao gia đình ở làng, ở xã gìn giữ, dần dà cũng không tránh khỏi tay của những người buôn đồ cổ lùng sục vào từng ngóc ngách của làng.
Tâm niệm để mình mất đi thì vẫn còn lũ trẻ kế tục là vui lắm rồi, mỗi lần có lễ hội, già đều hăng hái với việc xóm làng, say mê với chiêng xoang, tận tình chỉ bảo lớp trẻ. Ngay cả chiếc ghè hoa quý mà gia đình xem là báu vật, những người buôn lùng đồ cổ trả mức giá nào đều quyết không bán, già cũng đem ra để dân làng, để lớp trẻ thưởng lãm bức tranh thu nhỏ tái hiện đời sống tinh thần, sinh hoạt, tín ngưỡng, sản xuất của ĐBDTTS Tây Nguyên, để hiểu hơn về giá trị văn hóa của nguồn cội.
Ánh lửa bập bùng, soi vào ánh mắt thăm thẳm của người đàn ông đi qua 2/3 chặng đời chất chứa bao niềm vui, bao nỗi buồn, bao nhớ nhung, bao hoài niệm. Nhìn cô con gái ngồi bên chăm chú, hồ hởi xen lẫn những suy tư khi lắng nghe những trăn trở mà mắt già sáng lại. Văn hóa dân tộc vẫn âm thầm tiếp nối, sẽ được lớp con cháu già gìn giữ. Già sẽ làm đốm lửa - dẫu nhỏ, dẫu chỉ là âm ỉ - truyền tình yêu ngọn núi, ngọn cây của vùng đất này và tình yêu nét đẹp văn hóa của người Tà Rẻ cho các con, các cháu. Nghĩ vậy rồi già phóng tầm mắt ra xa. Nhìn theo già, phía trước là rừng xà nu trập trùng chạy mãi đến chân trời như những thế hệ, cứ thế, cứ thế nối tiếp nhau, không gì ngăn cản nổi.
Nguyên Phúc