Người đất Tổ
Mới sáng sớm mà ông Bình đã đứng ngồi không yên, hết đi ra lại đi vào. Bà vợ đang mải kiểm tra thúng gạo nếp bên hè cũng phải bực mình gắt: Ông có thể ngồi lại một chút được không. Làm gì mà đi qua đi lại chóng cả mặt như thế?
Gắt là gắt vậy, nhưng bà biết, ông đang sốt ruột vì nỗi ngày Giỗ Tổ đã cận kề mà mọi việc còn rối tít mù.
Mấy ngày qua, ông Bình tất bật đến mất ăn mất ngủ, chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ, cũng là ngày gặp mặt những người con Phú Thọ đang sinh sống ở thành phố Kon Tum. Bà biết, với ông, lễ Giỗ Tổ hàng năm là một trong những ngày quan trọng bậc nhất đối với ông.
|
Ông thúc vợ con dọn dẹp nhà cửa; đôn đốc mấy bà, mấy chị mua sắm đồ lễ, thức ăn thức uống. Riêng khoản lau dọn bàn thờ thì ông nhất quyết không cho ai đụng vào, tự tay làm.
Không nhiều người biết, trên trang thờ phủ vải đỏ mà ông đang tỉ mẩn lau một cách cẩn thận và thành kính ấy có một chiếc hộp gỗ khá tinh xảo, bên trong đặt một nắm đất, cạnh đó là một lọ nước trong vắt thờ. Ấy là Đất Tổ và Nước Nguồn.
Nắm đất ấy được ông Bình lấy trên núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ tự các Vua Hùng (Phú Thọ), còn lọ nước được lấy từ chiếc giếng - nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), trong một chuyến về thăm quê cha đất Tổ.
Cả hai thứ đều được ông nâng niu, quý trọng như báu vật.
Đã nhiều năm nay, kể cả những đận khó khăn nhất, nghi thức Giỗ Tổ luôn được ông chú tâm tổ chức như vậy. Một phần vì nhà cửa, sân vườn rộng rãi, phần vì là người cẩn thận, chu đáo, nên ông được các gia đình “bầu” vào “vai” tổ chức; việc cúng tế đã có mấy bậc cao niên lo.
Những năm đầu, việc tổ chức Giỗ Tổ chỉ gói gọn trong mấy anh em ruột thịt, nhưng dần dà, những người con Phú Thọ xa quê biết được cũng tìm đến xin "góp giỗ", qua mấy năm đã đông lên nhiều.
Ông thường dạy con, đã là người Việt Nam, dù sống ở nơi đâu, ai cũng là con cháu của Quốc Tổ Hùng Vương. May mắn được sinh ra và lớn lên ở đất Tổ là điều tự hào của mỗi người. Vì cuộc sống mà nhiều người phải xa quê, nhưng con tim mỗi người vẫn hướng về nguồn cội.
Vì vậy, ngày Giỗ Tổ, mọi người cùng về bên nhau, thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên; để báo cáo với tổ tiên những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương mới Kon Tum; trong dạy dỗ con cái; giữ gìn đạo đức, truyền thống để không hổ danh là con em đất Tổ.
Có tiếng xe máy chạy vào cổng. Người cháu dựng xe, chạy vội tới đưa cho ông Bình cuốn sổ nhỏ: Danh sách người dự cháu đã lập xong đây ạ, theo đúng tinh thần là các gia đình đều có người đại diện.
Ông Bình thở phào, đón cuốn sổ, tự tay kiểm tra danh sách. "Nhất thiết không được để thiếu một gia đình nào đấy nhé"- ông lại dặn. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nên năm nay, lễ Giỗ Tổ tiếp tục được tổ chức gọn nhẹ hơn, không tập trung đông đủ con cháu, dâu rể nữa.
Rồi chú yên tâm, cháu đã rà kỹ lắm rồi- người cháu nói.
Vậy là các khâu chuẩn bị cũng đã cơ bản hoàn tất- ông Bình xoa tay nghĩ. Sáng sớm ngày 10/3 (âm lịch), mọi người cùng về bên nhau thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên; để báo cáo với tổ tiên những gì đã làm được trong một năm qua.
Sau đó cùng nhau quây quần ăn bữa cơm thân mật. Bên cạnh những món ăn quen thuộc ở quê mới Kon Tum còn xuất hiện những “đặc sản” do các bà, các chị người Phú Thọ chế biến đúng kiểu… Phú Thọ, như thịt heo chua Thanh Sơn; cá nướng Thanh Ba; canh lá sắn chua nấu với tép đồng; cơm lam; xôi cọ…
Ông Bình còn nhắc vợ con mua nếp ngon về gói bánh chưng, bánh giầy để đặt mâm cúng. Bởi theo ông thì đây là hai loại bánh mang hồn dân tộc, phải có trên mâm cỗ cúng mới đúng làm Giỗ Tổ. Cũng là để nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc qua truyện Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày lên vua cha.
Bên mâm cơm, mọi người rì rầm ôn lại những kỷ niệm về quê hương; kể chuyện làm ăn; chia sẻ với nhau nỗi lo cơm áo thường ngày, niềm vui vì con cái học hành giỏi giang, hoặc nỗi buồn khi buổi họp mặt năm nay vắng thêm một người nữa.
Người già nhắc nhở con cháu làm gì thì làm, nhưng cũng phải luôn nghĩ và hướng về đất Tổ. Bởi đó không chỉ là quê hương của người Phú Thọ, mà còn là nguồn cội thiêng liêng của tất cả người con đất Việt.
Những lời dạy ấy chưa bao giờ được nói ra một cách ồn ào. Chỉ rì rầm thôi, bên mâm cơm ngày Giỗ Tổ, nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Trong không khí thành kính ngày lễ, mỗi người luôn cảm thấy tự hào về nguồn cội, và có trách nhiệm hơn với những gì mình đang có.
Cứ thế, thế hệ này truyền dạy thế hệ kia, nên dù mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người một nghề; có khá giả, ăn nên làm ra, cũng có vất vả bươn chải kiếm sống; nhưng mỗi người con đất Tổ luôn cảm thấy tự hào về quê hương mình; nỗ lực vun đắp tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; cùng nhau gìn giữ, phát huy truyền thống quê hương.
Còn phần văn nghệ nữa. Dù không tập trung đông người, nhưng mục liên hoan văn nghệ với những giọng hát “cây nhà lá vườn” sẽ đem lại không khí tươi vui cho ngày họp mặt. Những lần Giỗ Tổ trước, bên cạnh các bài hát ca ngợi quê hương, về tình cha, nghĩa mẹ còn có cả tiếng hát Xoan của bà cụ răng đen nhánh bởi nước trầu; của chị gái Tứ Xã ngay dưới chân núi Hùng Lĩnh và anh trai Việt Trì: “Tám người chân kiệu bước ơ, bước vào. Tay lót khăn đào i ơ, rước lấy cơ hồ mà vua lên”.
Tiếng hát Xoan vang lên giữa nắng gió Tây Nguyên luôn làm cho mỗi người nhớ về vùng trung du bao la rừng cọ đồi chè.
THÀNH HƯNG