Người dân Đăk Kan bức xúc vì ô nhiễm từ bãi rác
Gần chục năm nay, cuộc sống sinh hoạt của 173 hộ dân tại thôn 2, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) bị đảo lộn vì ô nhiễm từ khu vực chứa và xử lý rác thải huyện Ngọc Hồi. Điều đáng nói, dù người dân đã ý kiến nhiều lần nhưng đến nay bãi rác vẫn chưa được di dời, xử lý.
Khu vực chứa và xử lý rác thải huyện Ngọc Hồi được đưa vào hoạt động vào năm 2009, tại thôn 2, xã Đăk Kan với diện tích khoảng 1ha, công suất chôn, lấp khoảng 20 tấn/ ngày. Tuy nhiên, bãi rác này không có hệ thống xử lý rác thải nên quá tải, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.
“Bãi rác cách khu dân cư chúng tôi ở chỉ chừng 300m, từ khi bãi rác này hoạt động, cuộc sống của chúng tôi đảo lộn. Ruồi nhặng, hôi thối làm mất ăn, mất ngủ, sức khỏe giảm sút, công việc do đó cũng trì trệ” - ông Dương Công Tuân sống tại thôn 2 bức xúc.
|
Cũng như ông Tuân, nhắc đến bãi rác, nhiều hộ dân tại thôn 2 lại ngao ngán. “Hôi thối quá chúng tôi không chịu nổi. Mùa gió, rác, túi ni lông theo hướng gió bay ra tận đường lộ, rất dơ bẩn; mùa mưa ruồi nhặng bay vào nhà đen kịt, cơm dọn ra, người chưa ăn, ruồi đã ăn trước rồi; các cháu nhỏ không ngủ được vì hôi, vì ruồi. Giờ bà con chúng tôi đang lo bãi rác ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn chắc người phải tìm cách chuyển đi mất” - bà Dương Thị Tuyết, người dân thôn 2 bày tỏ.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi vào khu vực chứa và xử lý rác thải của huyện Ngọc Hồi. Cách đường chính chừng 500m, bãi rác có chiều dài hơn 100m, ngổn ngang rác thải các loại chất thành đống, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Điều đáng nói, bãi chứa rác này nằm men theo một triền đồi, rác được đổ từ trong rồi dần dần lấn ra ngoài mà không có một hàng rào ngăn cách. Túi ni lông hay những loại rác nhẹ bay tứ tung xung quanh khu vực này trông rất ngổn ngang, bừa bãi.
Không có hệ thống xử lý rác thải, để hạn chế tình trạng rác quá tải, vào mùa mưa, nhân viên Trung tâm Môi trường và Dịch vụ tổng hợp huyện tiến hành san, ủi rác xuống vực và mùa nắng thì đốt rác.
“Trong bãi rác có vô vàn các chất nhựa, độc hại, mỗi lần đốt rác, khói mù mịt trời đất, mùi bay vào khét lẹt. Trẻ em trong khu vực cứ ho suốt vì mùi khí đốt bì ni lông khét lẹt gây khó thở” – ông Tuân nói.
Là một trong những công nhân cạo mủ cao su gần bãi rác, anh Hồ Văn Dũng - công nhân Công ty TNHH MTV 732 cho biết: Từ khi bãi rác hoạt động, nhiều công nhân mới vào lần lượt xin nghỉ việc. Tôi vì gần nghỉ hưu rồi nên cố gắng bám trụ chứ lâu dài thì không làm nổi. Mỗi lần đi cạo, dù đã bịt 2-3 lớp khẩu trang nhưng mùi hôi thối, mùi khói đốt rác vẫn xộc vào mũi, tối về đau đầu ngủ không được.
Trước thực trạng trên, nhiều năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con thôn 2 đã ý kiến, kiến nghị việc di dời bãi rác để đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường sống cho người dân. “Năm nào các cấp, các ngành cũng hứa sẽ có hướng xử lý nhưng gần cả chục năm nay bãi rác vẫn còn đó, chúng tôi vẫn sống trong môi trường ô nhiễm” – anh Dũng ngao ngán.
Ông Nguyễn Minh Thạnh - thôn phó thôn 2, xã Đăk Kan cũng bức xúc: Nhiều đoàn công tác của huyện, tỉnh, trung ương về đây hỏi thăm, nói sẽ xử lý di dời bãi rác này nhưng đâu lại vào đấy. Năm ngoái nghe nói đến quý IV năm 2016 sẽ di dời bãi rác mà tới nay chưa thấy động tĩnh gì.
Trước bức xúc của người dân, phóng viên đã gặp và làm việc với các cơ quan chức năng về vấn đề này. Ông Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ tổng hợp huyện Ngọc Hồi cho biết, đã nghe nhiều ý kiến bức xúc của bà con về việc môi trường bị ô nhiễm nhưng Trung tâm chưa nhận được ý kiến cấp trên để xử lý việc này. Vì thế, Trung tâm Môi trường và Dịch vụ tổng hợp chỉ có trách nhiệm mỗi tháng 1 lần cho xe ủi đẩy rác xuống vực (vì bãi rác nằm ngay trên triền dốc) và cho nhân viên đi phun thuốc khử ruồi nhặng hai lần/tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tài Thu - Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi thẳng thắn: Qua kiểm tra thực tế ngày 4/4/2017 của Đoàn kiểm tra Sở Tài Nguyên và Môi trường cho thấy bãi rác hiện nay đã quá tải và gây ô nhiễm. Việc xử lý rác thải chưa được đảm bảo, hiện tại bãi rác của huyện Ngọc Hồi vẫn nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 26/2/2014 của UBND tỉnh Kon Tum.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Ngọc Hồi đang lập dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn liên hợp huyện Ngọc Hồi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt để cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
“Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý rác liên hợp huyện Ngọc Hồi với vị trí dự kiến xây dựng tại xã Đăk Kan, quy mô 10ha và tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng trong năm 2018. Hiện nay, UBND huyện đã cam kết với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của UBND huyện Ngọc Hồi đã có bố trí đủ nguồn vốn để đối ứng, triển khai thực hiện” – ông Thu cho biết.
Hoài Tiến