Ngóng Tết
Con trai, ngóng Tết luôn là cảm giác thú vị nhất của mẹ trong những ngày tháng Chạp. Kiểu Tết chưa đến nhưng lòng đã Tết này kéo dài cả tháng trời, dài hơn nhiều so với ba ngày Tết, bảy ngày xuân vẫn theo mẹ mỗi năm về.
Nhớ ngày thơ bé, mẹ ngóng Tết để được ngoại may cho bộ quần áo mới nền trắng bông hoa nho nhỏ màu tím hoa cà giống nhỏ Ngân nhà bên xóm, sáng mùng Một mặc vào mà lòng rộn vui. Rồi chị gái của mẹ đi học xa nhà sẽ về, mà chị về thể nào cũng mua cho mỗi cô em gái chiếc vòng đeo tay hay chuỗi cườm bằng nhựa lấp lánh đủ sắc màu diện Tết khiến các bạn trong xóm nhìn thôi đã mê. Và liên tục những hôm giáp Tết, tranh thủ hửng nắng, mấy chị em mẹ sẽ tay xách tay mang nào chiếu, nào chăn, nào màn… ra giếng nước của làng giặt giũ. Cũng xúm xít, cũng những tiếng nói cười rộn vui. Và cả bao nhiêu hờn dỗi, xích mích trong năm nhắc lại, thôi Tết đến nơi rồi, nể mặt chị em xí xóa bỏ qua nhé.
Mẹ ngóng Tết đến để được ăn bao nhiêu là món ngon mà ngày thường chẳng có. Nào là thịt đông, bánh chưng, bánh tét ăn kèm với dưa hành, dưa món. Nào là mứt gừng, bánh xoài. Rồi chè, bánh kẹo. Đồ ăn cũng ngon hơn, thịt cá đủ đầy, chiên, xào, hầm, luộc chẳng sót… Nay công nghệ sinh học phát triển, những món ăn chế biến từ đậu cô ve, bắp sú, su hào… có quanh năm, chứ khi ấy cứ phải Tết mới có. Thành ra mẹ cũng ngóng. Bây giờ, lắm khi ngày thường trong năm được ăn những món đó mẹ lại ngỡ như Tết đang về.
|
Con biết không, mẹ còn ngóng chén mứt gừng vụn ngày giáp Tết, đó là phần thưởng cho chân chạy lăng xăng phụ việc sau buổi rim mứt của ngoại. Cái cảm giác thèm thuồng, mắt hau háu ngóng đợi được nhấm nháp miếng mứt gừng vụn cay cay, ngọt ngọt trong cái lạnh se sắt ngày giáp Tết của miền Trung vẫn thường trực trong miền nhớ của mẹ đến tận bây giờ.
Mà đâu phải trẻ nhỏ mới ngóng Tết. Cho đến tận bây giờ, khi đã là mẹ của hai con, sương mai đã đậu mái đầu, sóng thời gian đã hiện mờ vầng trán, mẹ vẫn còn ngóng Tết đấy. Không phải vì bộ quần áo có bông hoa tim tím màu hoa cà mẹ mê mải qua bao mùa Tết ấu thơ, không phải vì cốc mứt gừng vụn, cũng chẳng phải vì những bữa ăn thịt cá đủ đầy… Mà có lẽ là cảm giác ngóng chờ một giai đoạn mới, một thời kỳ mới. Những bộn bề lo toan, những day dứt, trăn trở của năm cũ sẽ trôi vào quá khứ. Mẹ ngóng đợi những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn đang chờ ở phía trước.
Mẹ ngóng không khí những hôm cả nhà mình cùng lặt lá cây mai trước ngõ và rộn ràng bàn chuyện sắm sửa cái gì cho căn nhà thêm ấm áp, lung linh, mua cho các con cái này, sắm cho các con thứ kia. Nhìn ánh mắt hai con khi ấy lấp lánh tươi vui như bầu trời mai trong trẻo, mẹ cảm giác như ngoài kia dòng đời đang cuồn cuộn chảy, không gian chuẩn bị ngóng chờ, đón Tết của nhà mình lững thững chẳng buồn trôi. Hạnh phúc đến thật tự nhiên từ những ngày ngóng Tết, mẹ cảm giác như chẳng cần nhọc công kiếm tìm. Thế là Tết đến sớm hơn với mẹ.
Mẹ ngóng Tết, ngóng các con thêm một tuổi, thêm lớn khôn. Được thấy các con hớn hở reo vui khi xúng xính mặc bộ quần áo mới. Được cùng các con dạo chợ hoa, cùng nghe những bản nhạc chào xuân mới. Mẹ sẽ dắt tay hai con trai đi chúc Tết người thân, xóm làng. Cả nhà sẽ cùng nhau chụp những bức ảnh ghi dấu khoảnh khắc, như níu lại những ngày xuân mà bình yên và yêu thương muôn nơi sóng sánh.
Mẹ ngóng Tết. Mẹ ngóng sự tươi mới, mát lành khi thân và tâm được hòa vào xuân nồng ấm áp. Khi yêu thương và bình an đi qua mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, mẹ sẽ có cơ hội nối dài hơn những gắn kết với cuộc sống, với cuộc đời tươi mới.
Ngẫm cho cùng khi mẹ trẻ hay khi mẹ già, cuộc sống có nhiều thứ thay đổi, nhưng có một điều vẫn ở trong tâm thức mỗi năm về chính là ngóng Tết. Với mẹ, đó luôn là quãng thời gian để quay về ký ức đẹp lung linh. Đó còn là dịp để mẹ gieo mầm những ước mơ, hy vọng.
NGUYÊN PHÚC