Ngóng mẹ đi chợ về
Ngày còn nhỏ, mẹ hay dặn, chăm ngoan, học giỏi nhé, đi chợ về mẹ sẽ mua quà. Chẳng biết có phải vì lời mẹ dặn hay vì thấy mẹ tần tảo, tất bật ngược xuôi, hết buổi dạy ở trường lại chuyển sang nấu rượu, nuôi heo, làm rau, đến ngày hè còn buôn bán từ chợ nọ sang chợ kia mà tôi luôn cố gắng làm đứa trẻ ngoan, chăm chỉ.
Mẹ đi dạy, đi chợ, tôi ở nhà biết quét nhà, quét sân, biết băm chuối, thái rau, biết ủ men, biết nấu rượu, đủ cả. Buổi sáng đi học, buổi chiều lại theo anh chị lớn ra động cát sau nhà cào lá phi lao về cho mẹ làm chất đốt nấu thức ăn cho cả nhà, nấu cám cho cả bầy heo thịt gần hai chục con. Tối về, ăn uống xong xuôi, cứ đúng bảy giờ tối, tôi và mấy anh chị em đều ngồi vào bàn học bài, mẹ tôi thì ngồi soạn giáo án ngay gần đó. Riết thành quen, thành nếp.
Những tưởng vậy là ngoan, là giỏi rồi, thể nào mẹ đi chợ về cũng có quà. Nhưng không. Mẹ cũng không tỏ ra vui hay buồn và cũng không có quà, dù ngày ngày mẹ vẫn đi chợ, đều đặn chẳng sót hôm nào.
Không phải mẹ không bao giờ mua quà, nói đúng hơn mẹ ít mua quà. Thi thoảng kiểu cuối học kỳ, cuối năm học, mấy chị em được nhận giấy khen, hay kiểu xông xênh khi vừa xuất chuồng lứa heo, mẹ chạy chợ hôm đó có món lời kha khá thì mẹ mới mua quà. Quà đến không định kỳ, bất ngờ, không báo trước nên khỏi phải kể đến độ hân hoan của tôi mỗi lần như vậy. Khi thì cái kẹp tóc, khi thì bộ chuỗi nhựa đeo cổ màu đỏ mà đến giờ tôi vẫn nhớ là từng hạt nhựa nho nhỏ, chỉ tầm như nửa hạt gạo, xâu đều trong sợi cước mà tôi mang vào tới gương ngắm tới ngắm lui. Khi thì trái mít nghệ to ơi là to, ngon từ ruột, ngọt từ xơ để cả nhà cùng thưởng thức. Khi thì chục bắp luộc, lại thêm bì bắp rang thơm lừng. Khi thì mớ bánh ít và bánh rán.
|
Mà nói về bánh ít, bánh rán – món ruột rà yêu thương thời thơ ấu thì đúng là cả trời thương nhớ. Vị ngòn ngọt của loại bánh rán bọc đường trăng trắng bên ngoài; vị ngầy ngậy của loại bánh rán có nhân đậu đỏ bên trong; vị beo béo của loại bánh rán kẹp thêm chiếc bánh ít trần mà có nơi gọi là bánh ram ít vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Mỗi lần về quê, ghé chợ, dù kiêng khem dầu, đường đủ kiểu, nhưng thể nào cũng phải mua ít bánh rán để được trở về hương ngọt ngào ký ức tuổi thơ, được trở về vị ngon nhớ lâu của món quà hiếm hoi mỗi lần mẹ đi chợ về.
Mẹ ít mua quà mỗi khi đi chợ về. Ngày nhỏ, có lần tôi thắc mắc, sao đứa nọ, đứa kia ngày nào cũng được mẹ đi chợ về mua quà, dù in ít thôi, khi thì khúc mía chia nhỏ, khi thì củ sắn, củ khoai. Mẹ bảo mẹ không muốn tạo thành thói quen, kiểu cứ ngong ngóng, cứ trông trông. Cứ ngoan đi, học giỏi đi mẹ sẽ cho quà. Nhưng ngoan rồi, giỏi rồi mà số lần được quà vẫn hiếm hoi, ít ỏi. Đến giờ ngẫm lại, có lẽ phần vì mẹ nghiêm khắc, phần phải lo toan, phải cân đong, phải đắn đo từng đồng tiền ít ỏi với bao chuyện bán, chuyện mua, nhưng phần khác nữa mẹ chẳng có nhiều thời gian rỗi rãi để dành riêng cho mình, để mà vui với những chuyện mà mẹ bắt buộc mình, bắt buộc các con mình phải là như thế.
Biết chẳng có quà nhưng tôi vẫn ngóng mẹ đi chợ về. Những ngày hè hoặc ngày chủ nhật nghỉ học, đứng trong sân nhìn ra, mẹ tất tả đạp xe từ ngoài ngõ vào. Mấy chục năm trôi qua rồi, nhưng mỗi lần nhắm mắt lại, nghĩ về căn nhà xưa cũ, nghĩ về mẹ cha, hình ảnh mẹ mỗi lần đi chợ về vẫn hiển hiện trong mồn một. Chiếc nón lá buộc quai vải nhung màu tím Huế - với mẹ ngày ấy vậy là sang chảnh lắm rồi – mà gió thổi như hất ngược về sau lưng. Hôm nào cũng như hôm nào mẹ đèo sau xe bao gạo nặng tầm năm chục cân để trưa về bắt tay vào công việc quen thuộc mỗi ngày: Nấu cơm, ủ men cơm và nấu rượu. Trước ghi đông xe lủng lẳng chiếc làn nhựa đựng đủ các thứ là nguồn sống cho cả nhà, từ mắm muối, đến rau dưa, cá thịt. Mẹ vừa dựng xe trước sân, chúng tôi nháo nhác chạy ra giúp mẹ đỡ chiếc xe, khuân bao gạo. Và lại rộn rã hẳn lên với hàng loạt câu hỏi kiểm tra phần việc giao cho mỗi đứa từ sáng, nào là quét nhà chưa, hái rau heo chưa, học bài chưa. Phải lâu thật lâu mới có chút quà. Chút quà chợ ấy thể nào mẹ cũng đặt lên trên cùng trong chiếc làn nhựa. Chị em chúng tôi - đám con trẻ háu ăn lại thêm ríu rít, chia chia chác chác, phần em, phần chị, phần anh, phần mẹ, phần cha.
Lớn lên rồi, cũng trở thành người mẹ rồi, mỗi khi chờ đợi điều gì đó, tôi hay ví von giống như ngóng mẹ đi chợ về. Nhưng có lẽ, các con tôi không có cái cảm giác ngóng chờ vừa tồi tội vừa thân thương ấy. Vì chúng đủ đầy, đâu chờ mong đồng quà, tấm bánh. Vì cuộc sống hiện đại, thế giới của chúng không dừng lại nơi những buổi chợ lấp lánh sắc màu như tôi năm nào.
Còn tôi, cảm giác ngóng mẹ đi chợ về vẫn còn mãi trong mắt tôi nhìn, trong lòng tôi nghĩ. Vẫn dáng hình mẹ tất tả đạp xe từ ngoài ngõ vào, bao gạo chở đằng sau, chiếc làn nhựa treo ở ghi đông đằng trước. Phải lâu thật lâu mẹ mới mua quà. Mỗi lần vậy sân nhà lại rộn ràng, chia chia chác chác, phần em, phần chị, phần anh, phần mẹ, phần cha.
NGUYÊN PHÚC