• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Nghĩa xóm, tình làng

01/02/2025 13:03

Nói về tình làng nghĩa xóm, hay nói chuyện về hàng xóm của gia đình tôi, bao nhiêu cũng không đủ, mấy ngày cũng không hết. Đó là một gian đầy nhớ nhung, chật nghĩa tình trong tâm trí tôi.

Như mọi năm, chuẩn bị về quê ăn Tết, tôi lại háo hức đi tìm mua quà tết tặng ba mẹ, anh chị em. Cũng không quên tìm mua những món quà về để ba má biếu bà con xóm giềng.

Mười mấy năm xa quê, Tết nào trở về nhà tôi cũng lỉnh kỉnh đồ đạc, nào là đồ cúng ông bà tổ tiên, nào là quà biếu người thân. Dù bây giờ ở quê cái gì cũng có. Ba má cũng dặn đi dặn lại “Tết đến xe cộ đông đúc, không mang đồ gì về cho cực nghen con”.

Về đến đầu xóm, tôi đã thấy không khí Tết ngập tràn. Nhà nhà dọn dẹp sạch sẽ, trưng hoa cúc, vạn thọ trước cổng, trong sân. Những cây mai trong vườn cũng bắt đầu e ấp nụ vàng chuẩn bị khoe sắc.

Nhà tôi rất đông vui. Nhìn cảnh ấy tôi sực nhớ hôm trước ba gọi điện nói, hôm nay mấy gia đình hàng xóm đụng heo ăn Tết, còn xúm vào gói bánh tét để nấu chung, nhà vài ba cây. Mỗi người một việc làm không khí chuẩn bị Tết càng nhộn nhịp, rộn ràng.

Rộn ràng Tết quê. Ảnh minh họa

 

Trong khi tôi sà vào chỗ mấy bà, mấy dì gói bánh tét thì má sắp từng phần quà tôi mua ra, để chút nữa đem đến từng nhà hàng xóm để biếu.

Mỗi khi nói về xóm mình, tôi luôn tự hào về tình nghĩa, sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Đúng là tắt lửa tối đèn có nhau. Từ khi còn nhỏ, tôi đã cảm nhận thấy rõ điều ấy.

Nhà ai sửa nhà, cả xóm đến giúp. Cần cây làm kèo, làm cột, nhà chú Mười có sẵn trong vườn, cứ đến chặt; thiếu tôn, thiếu gạch, nhà thím Bảy hồi lâu làm nhà, đang còn dư một ít, tới lấy về xài đỡ. Cứ như thế, giản dị và nhẹ nhõm mà sâu nặng nghĩa tình.

Nhà ai có cưới hỏi, giỗ chạp hay việc lớn phải đãi tiệc, các ông, các chú lo làm việc nặng; còn các bà, các thím rửa rau, làm cá, nấu nướng, rồi khi hết khách thì rửa chén đĩa, dọn dẹp giúp chủ nhà.

Những ngày mùa Đông, quê tôi thường có mưa và gió lạnh. Tối đến, ba tôi chế bình trà ngon, mấy bác mấy chú tới chơi, quây quần lại với nhau nói chuyện. Chúng tôi vừa học vừa hóng chuyện mùa vụ, chuyện gia đình. Bên ngoài mưa gió lạnh run đấy, nhưng bên trong ấm áp vô cùng.

Thành thử ra, xa quê nhưng mỗi lần nhắc đến những chuyện của xóm, tôi lại nhớ rành rành cô Ba hay la rầy, cau có nhưng thảo ăn, thường kêu đám nhỏ vô nhà cho trái ổi, trái táo; chú Tám cởi lởi, hay kể chuyện hài; dượng Tư nghiêm nghị, thường răn bảo điều hơn lẽ thiệt.

À, không thể quên bà Năm, ở sát nhà tôi. Bà Năm hiền lành, làm mấy thứ bánh quê ngon số một trong cảm nhận của chúng tôi. Hàng ngày, bà lụi hụi làm bánh in, bánh ít, bánh ổ, bánh tráng nước dừa bán ở chợ. Và chúng tôi thường được bà “chiêu đãi”, nên căn nhà nhỏ của bà như là thiên đường vậy.

Nhưng tôi nhớ nhất là dịp Tết!

Khi ấy, nhà nhà, người người chộn rộn hẳn lên, tất bật hẳn lên lo chuẩn bị Tết. Nhưng không bởi thế mà “tạm quên” xóm giềng, mà ngược lại, càng thêm gắn bó hơn. 

Cô Ba ở sát nhà tôi, có tiếng là người nấu thịt kho tàu ngon nhất nhì trong xóm. Mỗi dịp Xuân về Tết đến, cô phải nấu một nồi thịt kho tàu thật to. Cô nói, nấu món thịt kho tàu rất kỳ công, nên đã không làm thì thôi, đã nấu rồi thì nhiều một chút cho bõ công, với lại còn chia cho con cháu và biếu xóm giềng ăn Tết nữa.

Cùng nhau gói bánh tét. Ảnh minh hoạ

 

Khi cô nấu xong, sẽ chia thành từng nồi nhỏ, một số cho các con đem về, còn lại, cô tự tay đem sang từng nhà. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, đây là món quà tết thật ý nghĩa với trẻ con. Hít hà mùi thơm phưng phức bay ra từ nồi thịt kho tàu mà đứa nào đứa ấy thấy đói cồn cào.

Việc làm ấy vẫn được cô Ba duy trì cho đến nay. Ngồi gói bánh tét ở nhà tôi, cô Ba cũng nói rằng, vài hôm nữa sẽ nấu thịt kho tàu. Mọi người đều cười, nói thịt kho tàu cô nấu là số một.

Còn thím Sáu, một phụ nữ hiền hậu, lại có món bánh thuẫn ngon hết biết. Tết năm nào thím cũng làm bánh thuẫn, trước cúng gia tiên, sau biếu xóm giềng. Tôi biết, để có những cái bánh ngon lành ấy, thím Sáu đã phải đánh bột từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy. Than rực dưới đáy khuôn bánh bằng gang, thím ngồi làm luôn tay, đổ bột, lật khuôn cho hai mặt bánh vàng đều.

Những mẻ bánh đầu hoặc khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, thím để ăn, lựa những mẻ bánh ngon cất riêng cúng gia tiên. Bánh đem biếu cũng phải là những mẻ bánh đẹp nhất.

Làm bánh, nói gọn vậy mà có bao nhiêu chuyện lắt nhắt phải lo. Ngày còn nhỏ, mỗi lần thím làm bánh thuẫn là chúng tôi ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lấm lét chìa tay xin thím cái bánh xấu chứ không phụ được gì. Thím nói “mấy đứa lo học, mai mốt biết còn làm”.

Còn ba tôi tối ngày chăm chút mấy bụi chuối chát, vườn rau xanh. Để mai mốt sẽ cắt chuối, hái rau đem biếu mỗi nhà mỗi ít, gọi là ăn lấy thảo- ba nói như vậy.

Má tôi thì làm mứt dừa. Gì chứ dừa thì ở quê tôi sẵn lắm. Nhà tôi cũng có nguyên một vườn. Gần Tết, má nói ba nhờ người chặt dừa xuống, chọn những quả dừa bánh tẻ, tôi nghe vậy thôi chứ nào biết dừa bánh tẻ trông nó thế nào, nhưng ba thì nhìn rất giỏi, chọn trúng những quả ngon nhất cho má làm mứt.

Thôi thì công đoạn làm mứt dừa tôi không kể ra nữa, vì má thì nói dễ, còn tôi thì thấy khó, thấy phức tạp. Khó nhất là để có được những mẻ mứt thơm ngon, lên màu trắng ngà quyến rũ.

Tôi chỉ thích cái đoạn đem hũ mứt tết, loại hũ thủy tinh má mua ở chợ về cọ rửa sạch sẽ, lau khô rồi cho mứt vào, đậy kín, đem biếu hàng xóm. Bao giờ tôi cũng được khen, được mời Tết sang nhà chơi, và nhất định sẽ được lì xì.  

Mải nghĩ chuyện, tôi không biết mọi người về khi nào. Tiếng ba gọi ngoài sân: Bé Sáu đâu rồi. Ra đi với ba, đem quà tết đi biếu các ông, các bà, các chú, thím.

Tôi bước ra sân, đắm mình trong không khí mùa Xuân!

Hai Thóc

   

Các tin khác

  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
  • Đi trong mùa nắng
  • Tháng Ba mùa gặt
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Ðảng viên trẻ nêu cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội
  • Nhiều kết quả thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa
  • Lễ tiễn, bàn giao hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước
  • Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức “Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum – Thực trạng và giải pháp ứng phó”
  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Rattanakiri (Campuchia)
  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by