Nghị định 100 và sự lơ là, đối phó của người tham gia giao thông
Sau chuỗi ngày cách ly xã hội, nhịp sống trở lại bình thường, các quán nhậu trở lại duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói, sau khi “chén chú chén anh”, các đấng mày râu lại “bỏ quên” Luật Giao thông đường bộ, thi nhau điều khiển phương tiện giao thông trên đường dù đã chếnh choáng men.
Cách đây vài tháng, khi lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, người dân đã tự nâng cao ý thức trong điều khiển phương tiện giao thông, chấp hành việc đã uống rượu bia - không lái xe. Thế nhưng, thời gian trở lại đây, khi cả nước, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông, tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19, một bộ phận người dân tham gia giao thông lại chủ quan.
Nới giãn cách, cộng thêm tâm lý “xả hơi” trong dịp lễ, nhiều người tụ tập, chúc mừng nhau bằng ly bia, chén rượu. Lại cho rằng lực lượng chức năng sẽ hạn chế tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nên nhiều người đã lơ là. Thay vì đi taxi, xe ôm trở về sau khi uống rượu, bia, họ vô tư lái xe trên đường. Ma men dẫn lối, không kiểm soát được tay lái, nhiều trường hợp vượt quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng…
Các tuyến đường lại đầy những vệt vẽ trắng với những vụ tai nạn thương tâm, trong đó, có nhiều vụ xuất phát từ việc uống rượu bia, không làm chủ được tốc độ. Đơn cử như tại xóm nhỏ tôi ở, chỉ trong vòng 6 tháng, chưa đầy 20 hộ dân phải chứng kiến 2 người tử vong vì tai nạn giao thông, mà nguyên nhân là điều khiển mô tô trong trạng thái say rượu, gây tai nạn. Đau buồn, thương xót nhưng không khỏi trách móc. Giá như chấp hành theo luật giao thông, giá như đừng lái xe khi đã uống rượu bia thì mọi việc đã không đến nông nỗi.
|
Phía trước tay lái là sự sống, và chỉ cần chủ quan, không chấp hành luật, bản thân sẽ phải gánh chịu hậu quả. Mà có riêng gì bản thân, việc lái xe khi vượt quá nồng độ cồn còn gây nguy hại cho người khác. Không ít trường hợp là nạn nhân suốt đời của tai nạn giao thông; vợ mất chồng, con mất cha cũng vì tai nạn giao thông.
Sự sống của mình, tính mạng, tương lai của mình, tại sao không tự ý thức chấp hành để gìn giữ mà phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc? Không ai cấm uống rượu, nhưng đã uống, xin đừng lái xe! Xe ôm, taxi, grab… hoạt động 24/24 giờ, thậm chí các cửa hàng ăn uống, quán nhậu còn “chuẩn bị” sẵn dịch vụ “we care” - đưa khách về an toàn, đâu quá khó khăn trong việc gọi điện, sử dụng các dịch vụ. Nhiều người cho rằng việc sử dụng các dịch vụ tiện ích tốn kém. Hãy thử nghĩ, việc ngồi nhậu với số tiền hàng triệu không tiếc, sao lại tiếc vài chục, vài trăm vì tính mạng, sức khỏe của chính mình?
Không chỉ chủ quan, lơ là, nhiều người còn rất đối phó trong quá trình chấp hành luật. Cách đây vài tháng, khi lực lượng chức năng tích cực triển khai đo nồng độ cồn, trên facebook bỗng “xuất hiện” 2 nhóm “chốt thổi nồng độ cồn Kon Tum”: 1 nhóm 3,5 ngàn thành viên tham gia và 1 nhóm với 981 thành viên. Trong nhóm, hễ ai thấy chốt nào thổi nồng độ cồn, mọi người lại đăng lên cho các thành viên cùng biết.
Hiện nay, ngay sau khi nắm được thông tin “Nới giãn cách, không nới Nghị định 100”, 2 nhóm này lại hoạt động với nhiều bài viết/ngày. Nhiều người đọc tin, thấy các chốt chặn, tự ý thức, sợ và chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, cũng có người vịn vào những thông tin ấy để tìm đường tránh. Thay vì đi đường thẳng, họ đi đường vòng để tránh lực lượng chức năng xử phạt. Có thể sự chỉ dẫn sẽ giúp người điều khiển thoát cảnh phạt vài triệu, nhưng biết đâu, trên con đường vòng ấy, nhiều người không làm chủ được tay lái, gây tai nạn, nguy hiểm cho bản thân, mọi người.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, mọi ưu tiên lúc này là phòng chống dịch. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với “nới” quản lý trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Theo thông tin của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 4 ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm, trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề: “Đã uống rượu bia, không lái xe”, vậy nên, cùng với việc tăng cường ý thức của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng hãy tiếp tục quản lý chặt chẽ, “chặt đứt” sự chủ quan của người dân trong việc không chấp hành Nghị định 100. Nghị định 100, công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn cần tiếp tục thực hiện ráo riết, để đảm bảo an toàn cho mọi người, mọi nhà.
Hoài Tiến